Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tên lửa phòng không

Tên lửa phòng không là tên lửa được dẫn đường bằng sóng vô tuyến hoặc hồng ngoại được phóng từ mặt đất để đánh chặn và tiêu diệt phương tiện bay hoặc tên lửa tấn công đường không của đối phương.

Tên lửa phòng không là một thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không được phát triển để bảo vệ các mục tiêu trên mặt đất khỏi các cuộc tấn công trên không của kẻ địch, đặc biệt là máy bay ném bom tầm cao bay ngoài tầm bắn của pháo phòng không thông thường. Các bộ phận chính của Tên lửa phòng không gồm: thân, các loại cánh (bộ phận khí động), thiết bị tự động lái, thiết bị điều khiển, đầu đạn và động cơ. Thân dùng để chứa đầu đạn, các thiết bị điều khiển và động cơ, thiết bị điện trên khoang. Phần đầu và đuôi của thân thường có dạng hình chóp hoặc parabol, phần giữa là hình trụ. Các cánh lái được bố trí trên thân tên lửa để tạo lực và mômen điều khiển bay. Hoạt động của chúng được thực hiện nhờ tác động tương hỗ với dòng không khí. Có các loại cánh cố định và không cố định. Loại cánh cố định dùng để ổn định bay (cánh ổn định) và tạo lực nâng (cánh nâng). Loại cánh không cố định dùng để điều khiển bay, được gọi là cánh lái (cánh quay được). Có 3 loại sơ đồ khí động học của Tên lửa phòng không: thông thường, "con vịt" và "cánh quay". Các thiết bị điều khiển dùng để liên tục xác định vị trí tương quan giữa tên lửa và mục tiêu, tạo và thực hiện các lệnh điều khiển tên lửa bay tới mục tiêu. Các phương pháp điều khiển Tên lửa phòng không: điều khiển từ xa (theo lệnh và theo tia), tự dẫn (thụ động, bán chủ động và chủ động) và hỗn hợp (kết hợp điều khiển quán tính, từ xa với tự dẫn). Thành phần và chức năng của các thiết bị điều khiển trên Tên lửa phòng không tùy thuộc vào chế độ và phương pháp điều khiển. Trong số này, thiết bị cơ bản là khối tự động bay bao gồm các phần tử cảm biến có độ nhạy cao, bộ biến đổi - khuếch đại, cơ cấu chấp hành - máy lái. Đầu đạn Tên lửa phòng không có thể là đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Việc kích nổ đầu đạn được thực hiện nhờ ngòi nổ tiếp xúc hoặc không tiếp xúc. Thiết bị động lực bảo đảm cho Tên lửa phòng không có tốc độ, độ cao bay và cự li cần thiết, thường bao gồm động cơ tăng tốc và động cơ hành trình. Có động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, động cơ nhiên liệu lỏng, động cơ phản lực khí dòng thẳng.

Theo số lượng tầng, có Tên lửa phòng không: một tầng, hai tầng, ba tầng. Theo vị trí phóng, có Tên lửa phòng không: mặt đất, trên hạm tàu. Theo tốc độ bay, có Tên lửa phòng không: nhỏ hơn vận tốc âm thanh, lớn hơn vận tốc âm thanh.

Tầm bay của các loại Tên lửa phòng không chống máy bay thời kì giữa thập niên 70 thế kỷ XX là 0,5-70 km, độ cao sát thương mục tiêu 15-30.000 m, khối lượng phóng từ 8 kg đến 7,3 t, tốc độ bay lớn nhất 270-1.600 m/s. Ở Việt Nam trong Kháng chiến chống Mỹ, Tên lửa phòng không V-750 (tổ hợp Tên lửa phòng không SA-75 Dvina) được Liên Xô viện trợ đầu tiên vào 1965, 5V24 (V-600) và 5V27 (V-601) thuộc tổ hợp Tên lửa phòng không S-125 Pechora (cuối 1972-1980) . Quân đội nhân dân Việt Nam đã sử dụng có hiệu quả các loại Tên lửa phòng không bắn rơi gần 800 máy bay phản lực các loại của không quân Mỹ, kể cả pháo đài bay B-52 và F-111 cánh cụp, cánh xòe hiện đại nhất vào thời kì đó. Hiện nay Quân đội nhân dân Việt nam được trang bị Tên lửa phòng không hiện đại như Spyder, S-300…

Tên lửa phòng không hiện đại tầm bay đạt đến 600 km, độ cao sát thương mục tiêu 180-200 km và tốc độ bay lớn nhất 5-7 km/s. (594 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục kĩ thuật, Kĩ thuật và trang bị số 14, năm 2001
  2. Bách khoa toàn thư quân sự Liên xô
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007