Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tên lửa chống tăng

Tên lửa chống tăng là tên lửa có điều khiển chuyên dùng để diệt xe tăng và các loại xe bọc thép khác.

Năm 1945, Đức chế tạo ra Tên lửa chống tăng thế hệ 1, nhưng không được đưa vào sản xuất. Pháp đưa Tên lửa chống tăng SS-10 vào trang bị của quân đội (1955). Liên Xô có Tên lửa chống tăng thế hệ 1 điều khiển tên lửa qua dây dẫn Smel và tên lửa điều khiển bằng sóng vô tuyến điện Falanga (1960). Tên lửa chống tăng thế hệ 2 ra đời từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX như SS-11 của Pháp (1965), Sillela của Mỹ (1966), Maliutka-P của Liên Xô (1969) và đến đầu thập niên 80 thế kỷ XX có trong biên chế của quân đội nhiều nước, thay thế cho thế hệ 1. Việc hoàn thiện tiếp loại vũ khí này tạo ra Tên lửa chống tăng hoàn toàn tự động dẫn ngắm (thế hệ 3), trong đó có một phần ứng dụng nguyên tắc “bắn rồi quên”; pháo thủ chỉ thực hiện ngắm sơ bộ (bắt mục tiêu) rồi phóng tên lửa, việc bám mục tiêu và dẫn tên lửa vào đó do đầu tự dẫn hoặc do hệ thống ra-đa tự động tiến hành. Trong trường hợp này, pháo thủ không phải đợi kết quả bắn, có thể di chuyển hỏa lực sang mục tiêu khác hoặc thay đổi ngay vị trí của mình. Tên lửa chống tăng thế hệ 3 hiện nay chưa được ứng dụng rộng rãi. Nga đã chế tạo tổ hợp Khrizantema dùng hệ thống rađa tự động phát hiện và bám mục tiêu đồng thời với việc điều khiển tên lửa. Các Tên lửa chống tăng có kích thước đa dạng từ vũ khí vác vai, có thể được vận chuyển bởi một binh sĩ, đến vũ khí gắn trên giá ba chân lớn hơn, đòi hỏi một đội hoặc nhóm (2-3 người) vận chuyển và khai hỏa, đến các hệ thống tên lửa gắn trên xe và máy bay.

Thành phần chủ yếu của một Tên lửa chống tăng gồm: bệ phóng, thiết bị điều khiển tên lửa khi bay và đạn Tên lửa chống tăng. Bệ phóng có chức năng dẫn hướng, gồm các hệ dẫn động điều chỉnh trong mặt phẳng thẳng đứng và trong mặt phẳng nằm ngang, các cơ cấu cơ khí để đưa bệ (giàn) phóng từ trạng thái hành quân sang trạng thái chiến đấu hoặc ngược lại. Phổ thông hơn cả là bệ phóng đa năng có thể bố trí trên các loại phương tiện mang khác nhau và có khả năng ứng dụng như một bệ phóng mang vác (tháo rời được) như bệ phóng Tên lửa chống tăng của Nga Konkurc hoặc Kornet. Cách khác là dùng các thùng chứa dạng container để vận chuyển và bảo quản tên lửa, đồng thời làm bệ phóng tên lửa sử dụng một lần. Thiết bị điều khiển tên lửa trên mặt đất để bảo đảm luôn luôn theo dõi và hiệu chỉnh đường bay của tên lửa tới mục tiêu. Thiết bị này được lập các lệnh chỉ huy và truyền các lệnh này theo đường liên lạc (bằng dây dẫn, sóng vô tuyến hoặc quang - điện) tới máy thu ở tên lửa. Trường hợp tên lửa có đầu tự dẫn thì vai trò của thiết bị điều khiển tên lửa đơn giản hơn: chỉ còn lại chức năng chung đối với tất cả hệ thống điều khiển tên lửa là tìm kiếm mục tiêu và thực hiện phóng tên lửa. Đối với tên lửa có đầu tự dẫn bán chủ động còn có chức năng là chiếu (soi) mục tiêu (thường là bằng tia hồng ngoại hoặc lade). Thiết bị điều khiển tên lửa dùng hệ quang học thông thường với kính ngắm bắn quang - điện tử chuyên dụng cho phép quan sát tìm kiếm mục tiêu bất kì thời gian nào trong ngày. Đạn Tên lửa chống tăng phải là loại ổn định bằng cánh, bao gồm, động cơ phóng và động cơ hành trình dùng nhiên liệu rắn, có khoang chứa các thiết bị điều khiển và phần chiến đấu chứa đầu nổ lõm. Thiết bị điều khiển có nhiệm vụ nhận các lệnh điều khiển được truyền đến từ bàn điều khiển hoặc thu nhận các tín hiệu từ mục tiêu phát ra (đối với đầu tự dẫn), biến đổi chúng rồi đưa tới các cơ quan thực hiện việc điều khiển tên lửa (khí động lực học hoặc khí động học). Phần chiến đấu là một thiết bị nổ lõm. Hiệu ứng nổ lõm có hiệu quả lớn nhất ở khoảng cách tiêu điểm lõm tính từ vật cản. Trong một số trường hợp khi tên lửa được phóng, ở phần chiến đấu sẽ lắp ngòi tiếp xúc hoặc ngòi nổ không tiếp xúc (bằng lade, hiệu ứng Đôple...) sẽ kích nổ đạn ở khoảng cách nhất định tính từ vật cản. Để phá hủy vỏ thép có thêm lớp giáp phản ứng nổ phải dùng đạn Tên lửa chống tăng có nhiều lượng nổ lõm kế tiếp nhau (đạn tandem). Đôi khi phần chiến đấu của Tên lửa chống tăng được chế tạo với nhiều chức năng: nổ lõm - mảnh, nổ mảnh - phá, nổ phá - cháy, nổ phá... Việc bảo dưỡng kĩ thuật cần thiết đối với Tên lửa chống tăng được thực hiện nhờ các thiết bị kiểm tra - thử làm việc. Để đào tạo pháo thủ, thông thường phải sử dụng các giá tập trên xe huấn luyện.

Theo hệ thống điều khiển tên lửa, có Tên lửa chống tăng: điều khiển bằng tay, bán tự động và tự động ngắm bắn. Theo tính cơ động, có Tên lửa chống tăng: mang vác, tự hành, đặt trên xe, lắp trên máy bay trực thăng. Theo tốc độ bay, có Tên lửa chống tăng: dưới âm, vượt âm. Theo nguyên tắc điều khiển, có Tên lửa chống tăng: điều khiển bằng dây (cáp điện, cáp quang), tự dẫn (vô tuyến hồng ngoại, lade bán chủ động, ảnh hồng ngoại hoặc kết hợp hồng ngoại và vô tuyến điện).

Mức độ cơ động của Tên lửa chống tăng mang tính quyết định đến việc tổ chức chiến đấu. Đối với các phân đội bộ binh cơ giới có các tổ hợp nhẹ mang vác, đối với những cấp cao hơn có các phân đội chuyên trách - xe chống tăng tự hành hoặc trực thăng vũ trang. Phương án Tên lửa chống tăng nhẹ mang vác của Nga có Maliutka 9K11 gồm 1 balô với bộ điều khiển tên lửa (12,4 kg) và 2 vali đeo lưng (18,1kg) trong có tên lửa và bệ phóng. Khi chiến đấu, bệ phóng tên lửa và hộp điều khiển tên lửa để cách xa nhau. Mỹ sản xuất loại Tên lửa chống tăng Dragon có ống phóng đặt trên vai người lính để ngắm bắn. Nga có các xe chống tăng tự hành 2P26 trên xe cơ sở GAZ-69 và 2P27 trên xe cơ sở thiết giáp trinh sát, tuần tiễu. Hai xe này có 4 và 3 rãnh phóng, nạp đạn tên lửa bằng tay. Tổ hợp được phát triển tiếp có bệ phóng tự động nạp đạn Shturm-C lắp trên xe kéo chạy xích MT-LB. Các Tên lửa chống tăng thế hệ 2 của Nga (Fagot, Konkurc, Metix) có Tên lửa chống tăng đặt trong vỏ hộp vừa để vận chuyển vừa là bệ phóng và cùng với hộp điều khiển đặt trên giá 3 chân.

Tính năng chiến - kĩ thuật một số loại Tên lửa chống tăng
Tên, năm trang bị, nước sản xuất Khối lượng(kg) Tốc độ bay trung bình(m/s) Cự li bắn tối đa/tối thiểu Loại đầu đạn Khả năng xuyên thép(mm) Hệ thống điều khiển Loại bệ phóng
Maliutka, 1963, Liên Xô 10,9 115 3000/500 Lõm 400-460 Bằng tay, truyền dây dẫn Mang vác, trên xe BMP, BMĐ, BRĐM, trực thăng Mi-8
Metix M, 1992, Nga 13,8 200 2000/800 Lõm 950 Bán tự động truyền dây dẫn Mang vác
Uđar, 1991, Nga 26,5 210 4000/700 Lõm,liều kép 700 Bán tự động, truyền dây dẫn Mang vác, trên xe BRĐM
Ataka, 1996, Nga 48,3 400 5000/400 Lõm,liều kép 800 Bán tự động, bằng rađio Trên xe MT-LB, trực thăng Mi-24P, Mi-24B, Mi-28
Dragon, 1972, Mỹ 10,9 95 1000/65 Lõm 430 Bán tự động, truyền dây dẫn Mang vác
TOW-2A, 1987, Mỹ 24,3 188 3750/65 Lõm, Mảnh-nổ phá 920 Bán tự động, truyền dây dẫn Mang vác, trên xe bọc thép, ôtô, trực thăng UH-1, AH-1
Hellfire, 1980, Mỹ 45,8 300 8000/100 Lõm 1090 Bán tự động, bằng lade Trực thăng vũ trang AH-64
Hot-2, 1985, Pháp - Đức 23,5 250 4000/75 Lõm, mảnh-nổ phá 900 Bán tự động, truyền dây dẫn Trên xe tự hành, trực thăng

Hiệu quả sử dụng Tên lửa chống tăng từ máy bay trực thăng cao hơn đặt ở mặt đất nhiều lần, nhưng máy bay trực thăng lại là mục tiêu rất dễ bị phát hiện và bị tiêu diệt. Để khắc phục nhược điểm này, máy bay trực thăng vũ trang đã được tự động hóa việc ngắm bắn, tăng tầm bắn và tốc độ bắn như máy bay trực thăng vũ trang chống tăng Mi-28 của Nga được trang bị Tên lửa chống tăng Shturm, Ataka, máy bay trực thăng AH-64 của Mỹ được trang bị Tên lửa chống tăng Hellfire. Tên lửa chống tăng đã được ứng dụng rộng rãi và có trong trang bị của nhiều quân đội trên thế giới. Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sử dụng Tên lửa chống tăng Maliutka bằng cách đặt trên xe thiết giáp hoặc mang vác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  3. Bách khoa toàn thư Nga
  4. Anti-tank guided missile - Wikipedia
  5. Antitank weapon | military technology | Britannica
  6. Rocket and missile system - Tactical guided missiles | Britannica