Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tên lửa-Ngư lôi
Tập tin:Tên lửa - ngư lôi Rastrub-B của Nga.jpg
Tên lửa - ngư lôi Rastrub-B của Nga

Tên lửa-Ngư lôi loại vũ khí chống ngầm bao gồm một tên lửa được thiết kế để đưa nhanh đầu đạn nổ hoặc ngư lôi từ bệ phóng đến khu vực mục tiêu ngầm (tàu ngầm, tàu mặt nước...).

Tên lửa-Ngư lôi được phóng từ bệ phóng của các loại tàu mặt nước, tàu ngầm hoặc máy bay săn ngầm. Các dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ nhiều nguồn khác nhau đi đến thiết bị điều khiển bắn và hệ thống dẫn đường. Ở giai đoạn chuyển động trong không khí, Tên lửa-Ngư lôi bay theo quỹ đạo đường đạn hoặc điều khiển bằng hệ thống dẫn đường. Tại điểm đã tính toán trước, ngư lôi được tách khỏi tên lửa mang và hạ xuống bằng dù hãm, ở thời điểm tiếp nước, dù được tách ra. Sau khi chìm xuống đến độ sâu định trước, ngư lôi bắt đầu sục sạo để tìm kiếm và khi phát hiện mục tiêu, ngư lôi tự dẫn đến để tiêu diệt. Khi tấn công mục tiêu trên mặt nước, Tên lửa-Ngư lôi trực tiếp tiêu diệt mục tiêu mà không cần tách ngư lôi ra. Khi phóng từ tàu ngầm, Tên lửa-Ngư lôi chuyển động đổi hướng trong nước, thoát khỏi mặt nước và bay tới khu vực tìm kiếm mục tiêu.

Cấu tạo chung của Tên lửa-Ngư lôi gồm: phần chiến đấu, các thiết bị trên khoang tên lửa và khối nguồn, động cơ phụt nước kiểu tuabin, động cơ đẩy nhiên liệu rắn, hệ thống điều khiển.

Tên lửa-Ngư lôi được một số quốc gia nghiên cứu, phát triển đưa vào trang bị cho Hải quân như Liên xô: tổ hợp tên lửa chống tàu Michael (trang bị năm 1973) có tầm phóng đến 50 km; Tên lửa-Ngư lôi Rastrub chống tàu mặt nước và tàu ngầm, trangbij năm 1984. Mỹ: tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC trong họ ASROC, hiện do Lockheed Martin chế tạo cho Hải quân Hoa Kỳ (sản xuất 1993-đến nay); hệ thống tên lửa chống tàu ngầm RUR-5 ASROC được Hải quân Hoa Kỳ phát triển vào những năm 1950, được trang bị vào những năm 1960, nâng cấp vào những năm 1990, được lắp đặt trên hơn 200 tàu mặt nước USN, tàu tuần dương, tàu khu trục vừa và nhỏ. ASROC đã được triển khai trên nhiều tàu chiến của hải quân khác các nước Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hy Lạp, Pakistan và một số nước khác; tên lửa UUM-44 SUBROC được phóng từ tàu ngầm, mang một đầu đạn nhiệt hạch 250 kiloton; Trung Quốc: tên lửa chống ngầm CY-1 (Chang Ying 长 樱) được trang bị tàu khu trục tên lửa lớp Luda, lớp Jiangwei và khinh hạm tên lửa trong những năm 1980. Úc: Tên lửa chống tàu ngầm Ikara được phóng từ tàu, mang một ngư lôi âm thanh, cự ly hoạt động đến 10 hải lý (19 km), được sử dụng ở Úc, Braxin, Chilê, New Zealand, Anh trong những năm 1960-1990. Pháp: hệ thống tên lửa chống ngầm Malafon phóng từ tàu, được phát triển vào những năm 1950-1960, đưa sử dụng năm 1966, hãng Groupe Latécoère sản xuất. Hàn Quốc: tên lửa chống tàu ngầm phóng thẳng đứng K-ASROC do Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc phát triển và thử nghiệm, đưa và trang bị cho Hải quân Hàn Quốc năm 2009

ĐẶC TÍNH CƠ BẢN MỘT SỐ TÊN LỬA - NGƯ LÔI
Tên gọi, Năm sx,Nước chế tạo Khối lượng xuất phát (kg) Tốc độ bay (m/s) Tầm phóng (km) Dài(m) Đường kính tên lửa(m)
Ikara, 1963, Anh và Áo. 300-310(không ngư lôi) 200 20-24 1,52 0,61
Malafon, 1966, Pháp 525 140 18 3,3 0,65
Asroc-VLA, 1990, Mỹ 633,15 Vượt âm 14 0,683 0,422
Rastub-B, Nga 4000 290 50 7,2 0,574
Rum-139, 1996, Mỹ 633 M1 28 4,89 0,358
Medvedka, 1996, Liên Xô 800 55 0,4
K-ASROC, 2009-2010, Hàn Quốc 820 23 19 5,7 0,38

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  3. Bách khoa toàn thư QS Nga
  4. Từ điển bách khoa chiến hạm Nga
  5. Anti-submarine missile | Military Wiki | Fandom (wikia.org)
  6. Anti-submarine missile - Wikipedia
  7. RUM-139 VL-ASROC | Military Wiki | Fandom (wikia.org)
  8. RUR-5 ASROC | Military Wiki | Fandom (wikia.org)
  9. https://military.wikia.org/wiki/RUR-5_ASROC#cite_note-NavInstGuid-3
  10. CY-1 | Military Wiki | Fandom (wikia.org)
  11. Ikara (missile) | Military Wiki | Fandom (wikia.org)
  12. Malafon | Military Wiki | Fandom (wikia.org)
  13. Hong Sang Eo | Military Wiki | Fandom (wikia.org)