Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tâm lý học nữ quyền

Tâm lý học nữ quyền là một phân ngành tâm lý học nghiên cứu về vị trí, vai trò và năng lực của phụ nữ trong xã hội. Tâm lý học nữ quyền còn được gọi là tâm lý học của phụ nữ, phân tích quá trình giới tính được hình thành, nhấn mạnh giá trị trong quan điểm và kinh nghiệm của phụ nữ. Tâm lý học nữ quyền ủng hộ sự bình đẳng về chính trị, xã hội và văn hóa giữa phụ nữ và nam giới. Nó cũng cố gắng xóa bỏ phân biệt giới tính trong xã hội. Người ta có thể nhìn nhận Tâm lý học nữ quyền từ những góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả chúng đều thể hiện một cách sâu sắc về khả năng hiện diện của phụ nữ trong tâm lý học.

Tâm lý học nữ quyền thách thức giá trị của các định kiến và kỳ vọng về vai trò truyền thống vốn có về giới, thách thức duy trì các mô hình thống trị của nam giới và sự phụ thuộc của nữ giới trong xã hội của chúng ta. Tâm lý học nữ quyền như một sự phản ứng đối với các quan điểm lý thuyết duy trì một trật tự phụ hệ, trong đó phụ nữ vẫn là thứ yếu. Đồng thời nó đặt ra vấn đề về cấu trúc thể chế xã hội, sự đối xử, thành tích nghề nghiệp, quyền tự quyết có trách nhiệm của phụ nữ và nam giới.

Sự ra đời của tâm lý học nữ quyền[sửa]

Tâm lý học nữ quyền đã nổi lên như một phong trào cơ sở ở Hoa Kỳ vào những năm 60 của thế kỷ XX. Đặc biệt là trong các tác phẩm của Weisstein và Gilligan. Họ tố cáo những thành kiến phân biệt giới tính đang thịnh hành và sự không tồn tại của phụ nữ trong tâm lý học. Những người tiên phong này nhấn mạnh rằng không có tác giả nữ trong bất kỳ lý thuyết chính nào về sự phát triển và hoạt động tâm lý của con người và phụ nữ đã bị bỏ sót, bị bỏ qua, ngay cả với tư cách là những người tham gia nghiên cứu ở giai đoạn hình thành các lý thuyết tâm lý. Weisstein đã chỉ ra vào năm 1971 “Tâm lý học là sự tưởng tượng của đàn ông”. Nghĩa là, các nhà khoa học rút ra kết luận của họ từ việc điều tra đàn ông và khái quát hóa kinh nghiệm của đàn ông một cách mù quáng với trải nghiệm và cuộc sống của phụ nữ.

Bài báo của Weisstein “Tâm lý học tạo nên phụ nữ” đã thách thức chủ nghĩa phân biệt giới tính trong tâm lý học, đồng thời đưa ra một lời chỉ trích kép đối với tâm lý học chính thống rằng nó thiếu tính chặt chẽ về mặt khoa học và nó bỏ qua vai trò của bối cảnh xã hội. Việc thiếu sự chặt chẽ khoa học đề cập đến các thiếu sót trong những trải nghiệm của một nửa dân số (phụ nữ) trong nghiên cứu lý thuyết hỗ trợ tâm lý. Sự thiếu nhận thức về bối cảnh xã hội này đề cập đến sự nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân đã đặc trưng trong phương pháp luận, cũng như trong việc xây dựng lý thuyết cho tâm lý học. Chẳng hạn, bỏ qua tầm quan trọng của quyền lực và giới tính trong hành vi. Những lời chỉ trích này vẫn còn nguyên giá trị và nhiều nhà Tâm lý học nữ quyền ngày nay vẫn nhắc lại khẳng định này. Công trình của Cole năm 1979 có tựa đề Công bằng trong khoa học là một nghiên cứu tiên phong. Nó tập trung vào sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính của sự phân tầng của khoa học. Đóng góp chính của nó là giúp tăng cường hiểu biết về những thách thức, cơ hội và trở ngại của phụ nữ khi nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Một số nghiên cứu vào thập kỷ 70 và 80 đã chỉ ra một niềm tin về sự thấp kém của phụ nữ. Sự thấp kém được cho là đã bộc lộ trong các lĩnh vực xã hội và nghề nghiệp khác nhau. Niềm tin này dẫn tới sự phân biệt đối xử với phụ nữ và nó đã cản trở phụ nữ tiếp cận và thành công trong một số ngành nghề nhất định. Phụ nữ gặp phải các hành vi phân biệt đối xử khi đăng ký đào tạo sau đại học, tuyển dụng và xuất bản nghiên cứu của họ. Weisstein, Chesler, Evans Gardner và những người khác vào năm 1970 đã thành lập American Women in Psychology, nay là Phòng 35 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ (American Psychological Association). Chính xác Hội được thành lập vào năm 1973. Trong thời gian này Hiệp hội Tâm lý Canada (CPA) thành lập Ủy ban Địa vị phụ nữ của CPA để khẳng định địa vị của phụ nữ trong Tâm lý học Canada. Sự kiện này đã góp phần làm nổi bật sự hiện diện và kinh nghiệm của phụ nữ trong các lĩnh vực tâm lý học khác nhau (Ví dụ, lý luận đạo đức, đạo đức nữ quyền, lịch sử tâm lý học, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học cộng đồng).

Phân tâm học và tâm lý học nữ quyền[sửa]

Quan điểm nữ quyền nổi tiếng nhất có liên quan đến quan điểm của Phân tâm học. Sử dụng kinh nghiệm làm mẹ của chính mình, Deutsch - một trong những nhà phân tâm học nữ đầu tiên của Hiệp hội Phân tâm học Vienna, đã nhấn mạnh hậu quả của việc đánh giá thấp phụ nữ của phái Freud đối với sức khỏe tâm lý của phụ nữ.

Horney, một nhà nữ quyền của phân tâm học đã chỉ trích Deutsch vì đánh đồng phụ nữ với chứng khổ dâm, chỉ ra thách thức vai trò của giới trong sự phát triển nhân cách, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội và văn hóa là yếu tố quyết định sự phát triển bình thường và bệnh lý. Vấn đề quyền phụ nữ cũng được nhấn mạnh trong lý thuyết quan hệ đối tượng của Chodorow và Benjamin cũng như các nhà phân tâm học người Pháp Kristeva, Cixous.

Tâm lý học lâm sàng và tâm lý học nữ quyền[sửa]

Trong tâm lý học lâm sàng, nữ quyền có một vị trí vững chắc trong liệu pháp tâm lý. Liệu pháp tâm lý nữ quyền nổi lên như một phản ứng đối với sự thống trị của nam giới trong các ngành và cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nó phản đối vai trò mà cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần thực hiện trong việc duy trì sự bất bình đẳng xã hội và quyền lực giữa nam giới và phụ nữ, cũng như giữa các thành viên của nền văn hóa thống trị và những người của nhóm dân tộc thiểu số.

Đạo đức và vấn đề nữ quyền[sửa]

Trong đạo đức truyền thống đã nói đến vai trò khác nhau của nam và nữ. Theo truyền thống, nam giới được xã hội hóa để tự chủ và độc lập, trong khi nữ giới được cho là thụ động nhưng yêu thương chăm sóc người khác. Những khác biệt này trong thực tiễn xã hội hóa dẫn đến những giá trị khác nhau. Đối với nam giới, những khác biệt này dẫn đến một nền đạo đức dựa trên sự khẳng định quyền của mình và chấp nhận các nguyên tắc trừu tượng, ngay cả khi phải hy sinh hạnh phúc của người khác. Đối với phụ nữ, những khác biệt này dẫn đến một nền đạo đức dựa trên sự quan tâm, trong đó sự trưởng thành của phụ nữ ngày càng mở rộng phạm vi tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn của họ. Gilligan, trong cuốn sách A Other Voice năm 1982, đã mô tả một trong những lý thuyết tâm lý nổi tiếng nhất về sự phát triển của phụ nữ. Bằng cách lắng nghe các cô gái và phụ nữ giải quyết những tình huống khó xử về đạo đức nghiêm trọng trong cuộc sống của họ, Gilligan đã hình thành sự phát triển của một lý luận đạo đức được tổ chức xung quanh các khái niệm về trách nhiệm và sự chăm sóc. Bà cho rằng những trải nghiệm về bất bình đẳng và sự phụ thuộc trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái đã tạo ra một cảm giác đạo đức về bản thân dựa trên sự ràng buộc của con người và được đặc trưng bởi mối liên hệ chặt chẽ với các mối quan hệ.

Nhìn chung, chủ nghĩa nữ quyền đã buộc tâm lý học phải có lập trường bao gồm cả phụ nữ trong lý thuyết, cũng như trong nghiên cứu và thực hành. Việc đưa tâm lý học phụ nữ và tâm lý học trẻ em gái làm chủ đề nghiên cứu hợp pháp không kém phần quan trọng so với việc đặt tên và khám phá các vấn đề chính trong cuộc sống và kinh nghiệm của phụ nữ. Đến nay, Tâm lý học nữ quyền đã cho thấy sức mạnh của tiếng nói của phụ nữ trong việc mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của con người và nó đang dần thành công trong việc đưa vấn đề giới vào chương trình nghị sự của tâm lý học chính thống. Các khía cạnh khác trong đóng góp của tâm lý nữ quyền liên quan đến việc xây dựng lại các phương pháp nghiên cứu và các ưu tiên để nghiên cứu phụ nữ trong bối cảnh trải nghiệm của họ, tích hợp nhiều sự đa dạng vào tất cả các lĩnh vực phụ của chuyên ngành, phát triển các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong liệu pháp tâm lý. Những hiểu biết về nữ quyền đang thay đổi sự hiểu biết của chúng ta trong việc nghiên cứu tâm lý học và sự phát triển của con người.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Baker Miller, J., Toward a new psychology of women, Boston: Beacon, 1987.
  2. Belenky, M., Clinchy, B., Goldberger, N., & Tarule, J., Women’s ways of knowing: The development of self, voice, and mind, New York: Basic Books. Feminist Psychology 27, 1997.
  3. Unger, R., Resisting gender: Twenty-five years of feminist psychology, Thousand Oaks, CA: Sage, 1998.
  4. Bosch, E., Ferrer, V., & Gili, M., Historia de la Misoginia (History of misogyny), Barcelona, Spain: Anthropos, 1999.
  5. Bond, M., & Mulvey, A., A history of women and feminist perspectives in community psychology, American Journal of Community Psychology, 28, 2000, pp. 599 - 630.
  6. Brabeck, M., & Ting, K., Feminist ethics: Lenses for examining ethical psychological practice, In M. Brabeck (Ed.), Practicing feminist ethics in psychology, Washington, DC: American Psychological Association, 2000, pp. 17 - 35.