Mục từ này cần được bình duyệt
Tâm lý học dân tộc

Tâm lý học dân tộc là bộ môn khoa học nghiên cứu về bản chất của tinh thần dân tộc, phát hiện các qui luật chi phối hoạt động nội tâm của mỗi dân tộc và tìm ra các qui luật chủ yếu dẫn tới sự xuất hiện, phát triển và diệt vong những đặc trưng tâm lý nào đó của dân tộc.

Lịch sử phát triển[sửa]

Tiền đề[sửa]

Những tư tưởng về tâm lý học dân tộc đã có từ thời cổ đại. Quá trình hình thành Tâm lý học dân tộc trong lòng khoa học lịch sử và khoa học triết học cổ đại (T.G. Stefanenko, 2003). Những tư tưởng về Tâm lý học dân tộc đã xuất hiện trong các công trình của các nhà lịch sử và triết học thời kỳ cổ đại như : Herodot, Hypocrat, Taxit, Xtrabon, M. Kooyl...(Koyl, 1997).

Đến thế kỷ thứ XVIII, sự phát triển của Tâm lý học dân tộc bước sang một giai đoạn mới khi dân tộc được xem là đối tượng nghiên cứu một cách khoa học. Song, trong thời gian này các nhà tư tưởng vẫn cho rằng môi trường sống và khí hậu tạo nên sự khác biệt về lối sống và tính cách của các dân tộc. Chẳng hạn, khi giải thích sự khác biệt trí tuệ của các dân tộc người ta đã dựa vào điều kiện khí hậu, nhất là nhiệt độ. Khí hậu ôn đới của Trung Đông và Tây Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trí tuệ và sự văn minh hơn so với khí hậu vùng nhiệt đới mà ở đó cái nóng làm nghẹt thở và tiêu hao nhiều sức lực của con người.

Pháp[sửa]

Vào thế kỷ XVIII, các nhà tư tưởng Pháp đã đưa ra khái niệm tinh thần dân tộc và cố gắng giải thích khái niệm này bằng yếu tố địa lý. Montersquieub (1689 – 1755) là đại diện của xu hướng này. Ông cho rằng: con người bị qui định bởi nhiều yếu tố như khí hậu, tôn giáo, chuẩn mực, nguyên tắc điều hành, những tấm gương của quá khứ, phong tục, tập quán và từ đó hình thành nên tinh thần dân tộc.

Đức[sửa]

Vào thế kỷ XVIII, các nhà triết học Đức cũng quan tâm đến vấn đề tinh thần dân tộc. Đại diện của hướng nghiên cứu này là I.G. Herder (1744 – 1808). Theo ông tinh thần dân tộc không phải là cái gì rõ ràng mà nó đồng nhất với các khái niệm “tâm hồn dân tộc”, “tính cách dân tộc”. Herder cho rằng nghiên cứu các yếu tố tâm lý dân tộc đặc trưng là vấn đề rất phức tạp. Ông nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng của khí hậu, môi trường sống tự nhiên đến tâm lý dân tộc, song ông lại bỏ qua ảnh hưởng của các yếu tố xã hội như lối sống, giáo dục, cấu trúc xã hội và lịch sử đến tâm lý dân tộc.

Khu vực khác[sửa]

Vào thời kỳ này cần kể đến một số nhà triết học lớn khác của châu Âu quan tâm đến tâm lý dân tộc như nhà triết học người Anh D. Yung, các nhà tư tưởng Đức vĩ đại như I. Kant, Hêghen. Họ đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc và mô tả “chân dung tâm lý ’’ của các dân tộc.

Trở thành khoa học độc lập[sửa]

Sự phát triển của hàng loạt các ngành khoa học trước hết là dân tộc học, ngôn ngữ học đã dẫn tới sự hình thành tâm lý học dân tộc như một ngành khoa học độc lập vào giữa thế kỷ XIX.

Một mốc quan trọng để đánh dấu sự hình thành Tâm lý học dân tộc là việc xuất bản Tạp chí Tâm lý học dân tộc vào năm 1859 của M. Lazarus và H. Steinthal. Morit Lazarus (1824-1903) là nhà tâm lý học người Đức. Trong nghiên cứu tâm lý dân tộc, ông nhấn mạnh đến các giá trị dân tộc. Heymann Steinthal (1823-1899) là nhà triết học người Đức. Ông nghiên cứu về tư duy của nhóm. Cùng với Lazarus ông sáng lập ra tâm lý học dân tộc. Hai ông được xem là “cha đẻ” của Tâm lý học dân tộc. Theo những người sáng lập Tâm lý học dân tộc thì đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học dân tộc là tinh thần dân tộc. Những nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản của Tâm lý học dân tộc theo M. Lazarus và H. Steinthal là : 1) Nhận thức bản chất của tinh thần dân tộc; 2) Phát hiện các qui luật chi phối hoạt động nội tâm của mỗi dân tộc; 3) Tìm ra các qui luật chủ yếu dẫn tới sự xuất hiện, phát triển và diệt vong những đặc trưng tâm lý nào đó của dân tộc.

Trong thế kỷ XX, Tâm lý học dân tộc phát triển mạnh ở Nga, Đức, Pháp, Mỹ và một số quốc gia khác.

Việt Nam[sửa]

Sự hình thành Tâm lý học dân tộc tộc ở Việt Nam dựa trên một số tiền đề cơ bản sau: những nghiên cứu tâm lý dân tộc từ góc độ sử học, dân tộc học, kinh tế, xã hội học, văn hóa học; những nghiên cứu bước đầu về tâm lý dân tộc.

Từ các tiền đề trên, tâm lý học dân tộc đã trở thành phân ngành tâm lý học ở Việt Nam. Suốt gần nửa thế kỷ, những nghiên cứu của các nhà sử học, dân tộc học, kinh tế học, văn hoá học, xã hội học, triết học, tâm lý học...về những khía cạnh của tâm lý dân tộc đã đặt một tiền đề quan trọng cho những nghiên cứu chính thức về tâm lý học dân tộc sau này và từ đó hình thành phân ngành Tâm lý học dân tộc ở nước ta. Một số dấu ấn quan trọng đối với việc hình thành phân ngành tâm lý học này ở nước ta là: 1) Những nghiên cứu chính thức đầu tiên về tâm lý dân tộc ; 2) Thành lập Phòng tâm lý học dân tộc tại Viện Tâm lý học ; 3) Tâm lý học dân tộc được giảng dạy trong trường đại học ; 4) Sự đăng tải các bài báo khoa học về tâm lý dân tộc trên Tạp chí Tâm lý học.

Hướng nghiên cứu hiện đại[sửa]

Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, những vấn đề của tâm lý dân tộc đã thu hút được sự quan tâm của các nhà tâm lý học, dân tộc học, các nhà nghiên cứu văn hoá...Đặc biệt, khi xung đột dân tộc, định kiến dân tộc và phong trào ly khai của các dân tộc xuất hiện và phát triển có xu hướng tăng ở các châu lục thì tâm lý dân tộc càng được nghiên cứu nhiều hơn, nhìn nhận nhiều hơn ở các góc độ khác nhau. Có thể nêu ra một số công trình nghiên cứu về tâm lý dân tộc sau: Nghiên cứu tâm lý dân tộc theo hướng giao thoa văn hóa; Nghiên cứu tâm trạng và bản sắc dân tộc; Nghiên cứu về định kiến, tri giác dân tộc; Nghiên cứu thái độ và xung đột dân tộc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng. Tâm lý học dân tộc, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội 2009
  2. Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội 2008.
  3. Alan E. Kazdin Editor in Chief, Encyclopedia of Psychology, volume 5, Oxford University Press, 2000.