Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tái ngũ

Tái ngũ là việc quân nhân đã phục viên hoặc xuất ngũ trở lại phục vụ tại ngũ trong quân đội (lực lượng vũ trang) khi có lệnh động viên.

Tái ngũ diễn ra chủ yếu trong tình trạng khẩn cấp khi huy động cho chiến tranh hoặc đất nước bị đe dọa chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Việc Tái ngũ đáp ứng nhanh nhất yêu cầu tăng cường quân thường trực, bảo đảm chất lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hiệu quả của quân đội (lực lượng vũ trang). Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 -1918), tỉ lệ số quân nhân Tái ngũ ở Nga là 20%, ở Pháp là 46%, ở Đức 40% trong tổng số người nhập ngũ. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai (1939 -1945), tổng quân số các nước tham chiến lên đến 110 triệu người, trong đó có hàng chục triệu quân nhân Tái ngũ; riêng Liên Xô trong thời kỳ đầu (1939 -1942) đã huy động hơn 1,3 triệu quân nhân Tái ngũ, từ đó thành lập thêm được 96 binh đoàn mới đáp ứng yêu cầu chiến tranh. Ở Việt Nam, để chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ (1954 - 1975), chỉ tính riêng năm 1965, miền Bắc động viên, gọi trở lại quân đội tổng số 29 vạn sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã xuất ngũ. Tiếp đó, tháng 7.1966 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành lệnh động viên cục bộ, miền Bắc tiếp tục gọi Tái ngũ gần 20 vạn sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ. Đây là nguồn bổ sung quan trọng để Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kịp thời xây dựng các đơn vị chủ lực, cùng nhiều binh chủng mạnh, đáp ứng yêu cầu chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mĩ ở miền Bắc và chi viện chiến trường miền Nam. Sau Kháng chiến chống Mĩ 1975, quân đội đã giải quyết phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành... hàng vạn sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, tạo điều kiện cho việc xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Đầu năm 1979, khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam diễn ra phức tạp, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố lệnh tổng động viên, huy động hàng vạn quân nhân Tái ngũ bổ sung trực tiếp cho lực lượng thường trực. Ngày nay, đa số các nước trên thế giới vẫn duy trì lực lượng quân nhân dự bị, sẵn sàng lệnh gọi Tái ngũ khi cần thiết. Ở Việt Nam, Tái ngũ áp dụng cho các đối tượng là quân nhân đã phục viên hoặc xuất ngũ đang còn nằm trong ngạch dự bị. Các cấp từ Bộ Quốc phòng tới các bộ, ngành và địa phương (tỉnh, huyện, xã) xây dựng kế hoạch động viên và thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh để sẵn sàng động viên khi có lệnh. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2019, khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ, việc gọi nhập ngũ đối với quân nhân dự bị được quy định cụ thể: a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đối với sĩ quan dự bị giữ chức vụ chỉ huy Lữ đoàn và tương đương, chỉ huy Sư đoàn và tương đương; sĩ quan dự bị có cấp bậc quân hàm đại tá; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với sĩ quan dự bị giữ chức vụ chỉ huy trung đoàn và tương đương, sĩ quan dự bị có cấp bậc quân hàm thượng tá; c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với sĩ quan dự bị giữ chức vụ từ chỉ huy tiểu đoàn và tương đương trở xuống, sĩ quan dự bị có cấp bậc quân hàm trung tá trở xuống; d) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi Tái ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Quân nhân được gọi Tái ngũ phải có mặt đúng thời gian, địa điểm được ghi trong lệnh gọi. Tái ngũ là một nội dung rất cơ bản, quan trọng trong kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên quân đội (lực lực lượng vũ trang) và xây dựng lực lượng dự bị động viên. Muốn làm tốt việc Tái ngũ thì các cấp, các ngành nhất là các địa phương phải đăng kí, quản lí tốt quân nhân dự bị, nắm chắc tình hình về mọi mặt của họ đặc biệt là số có mặt, vắng mặt..., để khi có lệnh huy động lực lượng dự bị động viên thực hiện được nhanh chóng, đồng thời cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị để họ yên tâm, phấn khởi làm tròn nghĩa vụ quân sự ở ngạch dự bị, sẵn sàng huy động lực lượng dự bị động viên khi có lệnh. (864 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
  3. Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2019.
  4. Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019.