Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa chất dinh dưỡng, mất cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết hoặc suy giảm khả năng sử dụng chất dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng thể hiện ở 4 dạng chính: gầy còm, thấp còi, nhẹ cân và thiếu vi chất dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng là kết quả của việc cơ thể hấp thụ không đủ calo, protein hoặc vi chất dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng liên quan đến vi chất dinh dưỡng, bao gồm thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu các vitamin và khoáng chất quan trọng) hoặc thừa vi chất dinh dưỡng.
Tình hình suy dinh dưỡng trên thế giới và ở Việt Nam[sửa]
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - 2020), hiện trên thế giới có 47 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể gầy còm, 14,3 triệu trẻ suy dinh dưỡng gầy còm nặng và 144 triệu trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trong khi 38,3 triệu trẻ thừa cân hoặc béo phì. Các tác động phát triển, kinh tế, xã hội và y tế của gánh nặng suy dinh dưỡng toàn cầu là nghiêm trọng và lâu dài, đối với cá nhân và gia đình họ, đối với cộng đồng và quốc gia.
Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu dinh dưỡng nói chung đã giảm liên tục trong nhiều năm. Ở trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 41.1% năm 1990 xuống mức 19.9 % năm 2008, và ở mức 11.5 % năm 2020 (Viện Dinh Dưỡng). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cũng giảm từ 56.5% năm 1990 xuống mức 19.6 % năm 2020. Tuy nhiên, ở các khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, và một số tỉnh miền trung, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn cao gấp nhiều lần số liệu trung bình cả nước (từ 34 - 42%).
Hậu quả[sửa]
Suy dinh dưỡng là một vấn đề nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Suy dinh dưỡng có thể bắt đầu trước khi trẻ được sinh ra. Sự thiếu hụt đinh dưỡng trong quá trình mang thai ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của thai nhi, dẫn đến tình trạng nhẹ cân của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy SDD ở giai đoạn đầu đời, nhất là trong giai đoạn bào thai có mối liên hệ rõ rệt đến phát triển trí tuệ, hành vi, sức khỏe và phát triển bệnh tật khi trưởng thành. Phụ nữ bị SDD khi còn nhỏ, hoặc vị thành niên có thể sinh ra những đứa trẻ suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Ở trẻ có cân nặng theo tuổi thấp thường hay bị bệnh nhiễm trùng, nhất là tiêu chảy và viêm phổi. Suy dinh dưỡng làm tăng tỷ lệ tử vong. Khoảng 45% ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi có liên quan đến suy dinh dưỡng.
Ngoài ra suy dinh dưỡng cũng tương đối phổ biến ở người lớn tuổi. Tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như suy giảm hệ miễn dịch, mất khối cơ, giảm khả năng vận động, tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm chậm quá trình phục hồi sau bệnh, chấn thương và làm tăng nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân[sửa]
Căn nguyên trực tiếp của tình trạng suy dinh dưỡng là do cung cấp không đủ calo, protein và vi chất dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng có thể là hậu quả của các vấn đề sức khỏe như viêm dạ dày ruột hoặc bệnh mãn tính. Các bệnh nhiễm trùng như nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa tái phát, tiêu chảy kéo dài… là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây suy dinh dưỡng do giảm hấp thu chất dinh dưỡng, giảm lượng thức ăn, tăng nhu cầu trao đổi chất và mất chất dinh dưỡng trực tiếp. Nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là nhiễm giun đường ruột (giun sán), cũng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Các bệnh như trầm cảm hoặc bệnh tâm thần khác có thể khiến người bệnh bỏ ăn hoặc từ chối ăn nhiều loại thực phẩm. Một số loại thuốc cũng có thể ức chế sự hấp thu chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng. Một số bệnh, chẳng hạn như ung thư và AlDS, có thể khiến cơ thể tăng lượng calo sử dụng, dẫn đến suy kiệt nghiêm trọng, được gọi là suy mòn.
Triệu chứng[sửa]
Các triệu chứng của suy dinh dưỡng ở trẻ em bao gồm nhẹ cân, thấp còi, gầy còm, chậm phát triển thể chất, suy giảm phát triển trí tuệ và thường xuyên mắc các bệnh nghiêm trọng. Ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng có thể gây sụt cân, gầy và khô da, rụng tóc dễ bị nhiễm khuẩn.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán thường được đưa ra bằng cách khám so sánh chiều cao và cân nặng của cá nhân với chiều cao và cân nặng trung bình của quần thể tham chiếu. Suy dinh dưỡng ở trẻ em gồm các thể sau:
Nhẹ cân: Cân nặng thấp hơn hai độ lệch chuẩn so với cân nặng trung bình của độ tuổi trong dân số tham chiếu
Thấp còi: Chiều cao thấp hơn hai độ lệch chuẩn so với chiều cao trung bình của độ tuổi trong dân số tham chiếu.
Gầy còm: Trọng lượng thấp hơn hai độ lệch chuẩn của trọng lượng trung bình trong dân số tham chiếu.
Xét nghiệm Albumin là một loại protein trong máu, giảm khi lượng protein không được cung cấp đủ. Xét nghiệm máu cho phép phát hiện thiếu khoáng chất và vitamin (là các chất cần thiết để duy trì cơ thể khoẻ mạnh) như thiếu iốt, vitamin A, Kẽm, Sắt vv…
Điều trị[sửa]
Quá trình điều trị có thể là tư vấn và theo dõi tại nhà, hoặc được hỗ trợ bởi một chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ chuyên môn khác tại nhà. Trong trường hợp suy dinh dưỡng nặng, do thiếu dinh dưỡng hoặc do tình trạng bệnh tật kéo dài, cần được điều trị tại cơ sở y tế.
Quá trình điều trị có thể bao gồm các can thiệp sau đây:
- Thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung các thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng
- Điều trị căn nguyên bệnh tật gây ra suy dinh dưỡng
- Bổ sung vitamin và khoáng chất
- Bổ sung dinh dưỡng năng lượng cao và protein
- Trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được cho ăn và bù nước hết sức cẩn thận và cần được chăm sóc đặc biệt tại cơ sở Y tế. Sau khi hồi phục, trẻ có thể dần dần bắt đầu ăn chế độ ăn bình thường và tiếp tục duy trì chế độ ăn này tại nhà.
- Điều trị bệnh nền hoặc tình trạng tâm thần góp phần làm suy dinh dưỡng.
- Đối với những người không thể ăn, ví dụ như những bệnh nhân không thể nuốt vì bị đột quỵ, có thể được cho ăn thông qua một ống đưa vào mũi và đi xuống thực quản đến dạ dày. Những người không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa có thể được cho ăn qua đường tĩnh mạch (dinh dưỡng hoàn toàn ngoài đường tiêu hóa). Cả hai phương pháp cho ăn này đều có nhược điểm và các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Phòng bệnh[sửa]
Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú là một trong những ưu tiên hàng đầu trong dự phòng SDD. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất sáu tháng cùng với bú mẹ bổ sung cho đến khi hai tuổi được khuyến khích cho tất cả trẻ sơ sinh. Điều này đặc biệt quan trọng ở các nước đang phát triển, nơi nguồn cung cấp nước sạch và thức ăn cho trẻ sơ sinh bị hạn chế. Theo WHO, trẻ em được bú sữa mẹ thích hợp ở các nước đang phát triển có khả năng sống sót đến 5 tuổi cao hơn 6 lần so với những trẻ không được bú sữa mẹ. Đối với trẻ em, phương trâm dự phòng là chăm sóc sớm, chăm sóc mọi trẻ, tập trung ưu tiên vào giai đoạn 2 năm đầu đời. Đảm bảo bổ sung các vi chất cần thiết cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Jacqueline L. Longe The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum ,4 2015, Tr 3643-3652
- Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, Dinh Dưỡng Lâm Sàng, Nxb Y học, Hà nội, 2002, Tr. 372-386.
- Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Dinh Dưỡng Học, Nxb Y học, Hà nội, 2015, Tr. 210-259.
- Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, Báo Cáo Tổng điều tra dinh dưỡng 2009-2010. Accessed February 24, 2021.http://viendinhduong.vn/FileUpload/Documents/010711_044347tinh_hinh_dinh_duong_viet_nam_2009-2010.pdf.
- Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, Báo Cáo Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020
- WHO. “Fact Sheets - Malnutrition.” Accessed March 4, 2021. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/malnutrition.
- Black, Robert E., et al. “Maternal and Child Undernutrition: Global and Regional Exposures and Health Consequences.” Lancet 371. no. 9608 (January 19, 2008): 243-260. http: : www.thelancet.com/journals/lancet/ article /PIIS0140-6736%2S07%2961690-0/fulltext (accessed October 10, 2014).
- Caufield, Laura E., et al. “Undernutrition as an Underlying Cause of Child Death in Diarrhea, Pneumonia, Malaria, and Measles.” American Journal of Clinical Nutrition. 80 (2004): 193—198. http://www.who.int/nut growthdb/publications/risk/en/index.html (accessed October 10, 2014).