Song Hào (1917-2004), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1961-1976).
Song Hào tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20.8.1917, trong một gia đình nông dân tại thôn Trung Nghĩa, xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1936, Nguyễn Văn Khương tham gia hoạt động trong Phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1937, phụ trách Hội Ái hữu thợ thêu, Hội Thanh niên dân chủ tại Nam Định. Tháng 4.1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuối năm 1939, Nguyễn Văn Khương được tổ chức phân công lên Hà Nội làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội với bí danh Song Hào. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt, kết án 7 năm tù, giam tại các nhà tù Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình và Chợ Chu (Thái Nguyên). Năm 1943 được chỉ định làm Bí thư Chi bộ nhà tù Chợ Chu. Tháng 9.1944, cùng 11 cán bộ trong nhà tù Chợ Chu vượt ngục về hoạt động ở vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Tháng 12.1944, Song Hào được Trung ương chỉ định giữ chức Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng Phân khu Nguyễn Huệ (Phân khu B) gồm hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và một phần tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên. Đầu năm 1945 tham gia mở rộng Cứu quốc quân. Ngày 11.3.1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Thanh La (Sơn Dương, Tuyên Quang) giành thắng lợi, trở thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc. Ngày 13.3.1945, Song Hào cùng Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ chỉ huy quân khởi nghĩa tiến về giải phóng đồn Đăng Châu (huyện lị Sơn Dương). Ngày 16.3.1945 tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Thanh La, tuyên bố thành lập châu Tự Do (châu Sơn Dương cũ) và Ủy ban Cách mạng lâm thời châu (chính quyền nhân dân cấp huyện đầu tiên được thành lập trong cả nước). Tháng 8.1945, trực tiếp chỉ đạo Cứu quốc quân tham gia giành chính quyền tại Tuyên Quang và Hà Giang. Cuối năm 1945 là Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Từ tháng 7.1947 giữ chức Chính trị ủy viên Khu 10, Chính trị Ủy viên Liên khu 10, tham gia lãnh đạo, chỉ huy quân, dân Khu 10 và Liên khu 10 đẩy mạnh kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi của các chiến dịch: Việt Bắc (1947), Nghĩa Lộ (1948), Sông Thao (1949). Cuối năm 1949 được bổ nhiệm Chính ủy Khu Tây Bắc, Bí thư Ban Cán sự Bộ đội tình nguyện vùng Thượng Lào, Chính ủy Chiến dịch Lê Hồng Phong I (1950); Trưởng đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa hội đàm với Đoàn Đại biểu Mặt trận Lào yêu nước về tổ chức đảng và quan hệ hai Đảng, hai nước. Từ năm 1951 đến năm 1954, giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 308, tham gia chỉ huy các chiến dịch: Trung du (1950-1951), Hoàng Hoa Thám (1951), Quang Trung (1951), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và Điện Biên Phủ (1954). Tháng 7.1954, Song Hào được cử làm Phó trưởng Đoàn Đại biểu Việt Nam tham gia Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương để thống nhất với phía Pháp về việc thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954.
Từ tháng 5.1955 đến năm 1960, Song Hào được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Tổng Quân ủy. Năm 1960, Song Hào được cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, kiêm Trưởng ban kiểm tra Quân ủy Trung ương. Từ tháng 3.1961 đến năm 1976, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chính ủy Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (8.1972). Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Song Hào đã có nhiều cống hiến cả về lý luận và thực tiễn trong công tác tham mưu chiến lược, cùng Quân ủy Trung ương đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ năm 1976 đến tháng 4.1982 giữ chức Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Từ tháng 5.1982 đến tháng 1986, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Song Hào đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản, nghị định, pháp lệnh, thông tư… liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, giải quyết chế độ, quyền lợi cho hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước, góp phần tạo sự công bằng trong xã hội.
Năm 1990, Song Hào được Bộ Chính trị giao chủ trì chuẩn bị cho việc thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ tháng 2.1990 đến tháng 12.1992, được Ban Bí thư phân công đảm nhiệm Chủ tịch Lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Song Hào đã có nhiều đóng góp trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội, tạo hành lanh pháp lý, cơ chế quản lý, điều hành, phương thức hoạt động làm cơ sở cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng và phát triển trong những năm sau này.
Song Hào được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II-VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa IV; Đại biểu Quốc hội khóa IV, VI; được thăng quân hàm Trung tướng (1959), Thượng tướng (1974). Song Hào từ trần ngày 9.1.2004 tại Hà Nội.
Song Hào là tác giả của nhiều tác phẩm chính trị, quân sự được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổng hợp và xuất bản: “Xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang nhân dân” (1963); Hồi ký “Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng” (1965); “Rèn luyện bản lĩnh người cán bộ chỉ huy” (1971); “Về nhiệm vụ Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam” (1975). Năm 2005, hồi ký và các tác phẩm tiêu biểu của Song Hào được in trong cuốn: “Thượng tướng Song Hào, hồi ký và tác phẩm”.
Song Hào là người cộng sản kiên trung, mẫu mực; nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội; một vị tướng mưu lược, quyết đoán, năng động trong từng lĩnh vực hoạt động, giỏi về tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; phong cách lãnh đạo dân chủ, sâu sát, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ.
Với thành tích và công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, Song Hào đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Tên Song Hào đã được đặt cho đường phố ở Nam Định, Đà Nẵng và một số địa phương của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 867.
- Thượng tướng Song Hào Hồi kí và Tác phẩm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Chân dung tướng lĩnh Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh (1945-1975), Nxb Lao Động, Hà Nội, 2011, tr. 245 - 323.
- Tướng lĩnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên phủ, Nxb Văn học, tr. 56-59;
- 130 danh tướng, tướng lĩnh Việt Nam trong lịch sử dân tộc và trong thời đại Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2011.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (tập III), Đánh thắng chiến tranh đặc biệt, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013.
- Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Nam Đinh, Thượng tướng Song Hào – Người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2017.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam (tập 8), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019; tr. 160-227.