Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Simon Saint
Saint-Simon

Simon Saint (1760 - 1825) là nhà triết học, kinh tế học, nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp và là người đề xướng chủ nghĩa xã hội đầu tiên.

Henri de Saint Simon hay Bá tước Saint Simon sinh ngày 17.10. 1760 tại Paris, Pháp, xuất thân trong một gia đình quý tộc, có học vấn uyên bác và tư tưởng tiến bộ. Thời trẻ ông học với Jean le Kond D’ Alembert, một nhân vật thuộc phái Bách khoa toàn thư. Năm 15 tuổi, Simon Saint nói với cha là không muốn theo các nghi lễ của giáo hội vì không tin vào tôn giáo. Cha bắt ông bỏ ngục. Ông vượt ngục trốn sang Mỹ. Do đồng tình với cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, năm 19 tuổi ông đã tự nguyện tham gia đạo quân Pháp tham gia cuộc chiến tranh chống thực dân Anh ở Bắc Mỹ, lập được nhiều chiến công. Khi chiến tranh kết thúc, Simon Saint mới 23 tuổi và trở về Pháp, nhận hàm đại tá và được cử chỉ huy một pháo đài lớn Metz, nhưng không bao lâu ông từ chức và đi thăm thú các nước châu Âu. Ông trở về nước khi cuộc cách mạng Pháp năm 1789 bùng nổ. Lúc này, ông tự buông bỏ các tước vị của mình, cắt đứt mọi quan hệ với giới quý tộc. Ban đầu, ông có cảm tình với cách mạng, nhưng đến thời kỳ “khủng bố” thì tỏ ra thất vọng. Vốn không ưa gì xã hội phong kiến, lại thất vọng với chế độ tư bản đã thúc đẩy ông đi tới xu hướng xây dựng xã hội mới bằng tri thức khoa học, nên dù đã 40 tuổi, ông xin vào học tại trường Đại học Bách khoa. Từ đó ông say sưa với công việc nghiên cứu khoa học, chuyên tâm soạn thảo những kế hoạch cải tạo xã hội. Simon Saint viết sách tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của ông được trình bày trong các tác phẩm, như Những bức thư từ Geneve, Khảo luận về quyền con người, Những bức thư của một người Mỹ, Về lý luận tổ chức xã hội, Quan điểm đối với chế độ sở hữu và pháp luật, Vấn đáp về công nghiệp, Cơ đốc giáo mới, Ngụ ngôn, …

Công lao của Simon Saint trước hết là thừa nhận sự phát triển của xã hội là một quá trình tiến bộ không ngừng từ thấp đến cao, chế độ sau tiến bộ hơn chế độ trước, nhưng ông lại cho rằng động lực của nó là ý thức con người.

Một trong những nội dung quan trọng trong học thuyết của ông là lý luận giai cấp và đấu tranh gia cấp. Theo ông, xã hội đương thời có ba giai cấp: quý tộc (những người ăn không ngồi rồi), nhà tư tưởng và các nhà công nghiệp (bao gồm chủ xưởng, thương nhân, nhà ngân hàng và cả công nhân). Trong cuốn Những bức thư từ Geneve, ông viết rằng trong xã hội diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp giữa quý tộc và nhà công nghiệp, và ông chủ trương xây dựng xã hội mới dưới sự lãnh đạo của các nhà công nghiệp, trong đó mọi người đều phải lao động theo khả năng của mình để cung cấp của cải cho xã hội. Ông cho rằng, cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội sẽ là nền đại công nghiệp được tổ chức trên nguyên tắc kế hoạch hóa, có khả năng bảo đảm sự thỏa mãn nhu cầu cho xã hội. Trong cuốn Cơ đốc giáo mới được viết lúc tuổi già, ông tiến thêm một bước nữa và chỉ rõ: mục đích của tất cả sự hoạt động của loài người là ở chỗ cải thiện tình trạng đời sống vật chất và tinh thần của một giai cấp chiếm đa số trong nhân loại.

Simon Saint lên án xã hội tư bản với những đặc quyền, đặc lợi sinh ra từ sự bất bình đẳng trong tư hữu và do nguồn gốc xuất thân. Ở cuốn Ngụ ngôn, ông viết rằng xã hội hiện nay thực chất là một bức tranh thế giới lộn ngược, vì dân tộc chấp nhận nguyên tắc cơ bản là người nghèo phải rộng lượng với người giầu, những kẻ phạm tội lớn nhất có quyền trừng phạt những lỗi lầm nhỏ; ở tất cả mọi công việc, những người không có năng lực điều khiển những người có năng lực, những người vô đạo đức có nhiệm vụ dạy đức hạnh cho công dân.

Tuy nhiên, Simon Saint lại nhìn xã hội và giai cấp bằng lăng kính của chủ nghĩa duy tâm, hiểu một cách sai lầm là công nhân và chủ xí nghiệp cùng thuộc một giai cấp, đó là “những nhà công nghiệp” và xã hội tương lai cần phải do giai cấp “những nhà công nghiệp “ đó nắm quyền, có như vậy mới tạo được hạnh phúc tốt nhất cho người lao động. Hơn nữa, muốn nắm được chính quyền, ông cho rằng phương pháp duy nhất của “những nhà công nghiệp” là phải thảo luận, chứng minh và thuyết phục, từ đó đi tới xóa bỏ sự quản lý sản nghiệp trong xã hội quý tộc, quân nhân, chánh án, nhà giầu,… Luận điểm này của ông thực chất là “thuyết điều hòa giai cấp”, “thuyết hợp tác giai cấp”, phủ nhận đấu tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp.

Simon Saint cho rằng nhà tư tưởng đưa ra ý tưởng, kế hoạch hay sẽ được tất cả mọi người đi theo từ đó xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Nhưng thực tế đã làm ông thất vọng. Bản thân vào cuối đời, ông rơi vào cảnh nghèo túng, và ông viết thư cho những nhà cầm quyền, những nhà tư sản để thuyết phục họ thực hiện học thuyết xã hội của mình. Nhưng không ai trong số họ đi theo và ủng hộ học thuyết của ông, cũng không ai giúp đỡ ông lúc túng quẫn. Tuy nhiên, tư tưởng và kế hoạch về xây dựng một xã hội mới của ông trở thành tiền đề cho việc xây dựng một xã hội mới tương lai, là một cống hiến lớn lao cho lý thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học sau này. Ông mất ngày 19.5.1825 tại Paris, Pháp.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. F. Angghen, Chủ nghĩa xã hội phát triển từ không tưởng đến khoa học, xuất bản lần thứ ba, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958.
  2. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb. Đại học Sư phạm, 2010.
  3. Phạm Ngọc Tân (chủ biên), Giáo trình Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Đại học Vinh, 2020.
  4. Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn, người dịch Phong Đảo, Lịch sử thế giới thời cận đại (1640 1900), tập 3, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.