Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sao lưu tệp

Sao lưu tệp (hay Sao lưu mức tệp, sao lưu dựa trên tệp, sao lưu tệp,tiếng Anh Level Backup, File-Based Backup) là việc tạo ra bản sao của tệp được sử dụng để khôi phục tệp về trạng thái nguyên gốc tại thời điểm sao lưu trong trường hợp sự cố mất mát dữ liệu. Trong sao lưu tệp, đơn vị nhỏ nhất có thể khôi phục là một tệp (tập tin). Sao lưu tệp là loại sao lưu dữ liệu thông dụng nhất được thực hiện bằng cách lựa chọn các tệp dữ liệu “quan trọng” để sao lưu sang một vùng bộ nhớ khác với bộ nhớ đang sử dụng để lưu trữ các tệp đó.

Các cấp độ sao lưu[sửa]

Sao lưu toàn bộ sao chép toàn bộ các tệp được chọn sang thiết bị lưu trữ sao lưu. Sao lưu toàn bộ có hai nhược điểm: tốc độ sao chép bản sao lưu chậm và tốn dung lượng lưu trữ.

Sao lưu một phần chỉ sao lưu các tệp đã có sự thay đổi so với lần sao lưu trước đó, giúp giảm dung lượng lưu trữ và tăng tốc độ sao lưu. Sao lưu một phần bao gồm sao lưu vi sai và sao lưu tăng dần. Sao lưu vi sai tạo ra bản sao của tất cả các tệp đã có thay đổi kể từ lần cuối cùng thực hiện sao lưu toàn bộ. Sao lưu tăng dần sao lưu các tệp đã có thay đổi từ lần sao lưu sao lưu gần nhất, kể cả sao lưu toàn bộ hoặc sao lưu một phần.

Lựa chọn tệp để sao lưu[sửa]

Việc tạo ra bản sao sao lưu của toàn bộ các tệp có thể tốn rất nhiều dung lượng lưu trữ không cần thiết. Tuy nhiên, lựa chọn tệp nào được sao lưu sao lưu lại là một quyết định có thể dẫn đến rủi ro. Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc lựa chọn tệp để sao lưu là sao lưu mọi tệp cần thiết có thể để phục hồi dữ liệu quan trọng (dữ liệu không thể hoặc khó xây dựng lại được), đặc biệt là các tệp liên quan đến nội dung pháp lý, tài chính và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, việc sao lưu một số tập tin có thể bị coi là bất hợp pháp, ví dụ như các tệp tin có bản quyền hoặc các tệp tin mật cấm sao chép.

Thiết bị lưu trữ bản sao lưu[sửa]

Sao lưu tệp có thể lưu trữ các tệp sao lưu sử dụng nhiều loại thiết bị lưu trữ, tùy thuộc vào mục đích, độ lớn, tầm quan trọng của dữ liệu cũng như công nghệ sao lưu được sử dụng. Để phục vụ người dùng cá nhân, sao lưu tệp thường lưu trữ các bản sao lưu ở một phần khác của ổ cứng, một ổ cứng khác hoặc các thiết bị lưu trữ cầm tay. Các công nghệ lưu trữ đám mây cũng cho phép người dùng thực hiện việc sao lưu tệp và lưu trữ trực tuyến. Với các hệ thống lớn, một phần của (hoặc một số) máy chủ lưu trữ có thể được sử dụng cho sao lưu tệp. Việc quyết định chọn thiết bị lưu trữ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mục đích sử dụng hệ thống, độ lớn của dữ liệu, yêu cầu về thời gian phục hồi thông tin, mức độ sao lưu...

Thời điểm sao lưu tệp[sửa]

Thực tế, sao lưu tệp chỉ hữu ích khi được lên lịch sao lưu và kiểm tra thường xuyên, định kì. Đôi khi sao lưu tệp nên được thực hiện ngay sau khi vừa thực hiện những thay đổi lớn/quan trọng đối với tệp nào đó.

Quản lý dữ liệu sao lưu tệp[sửa]

Việc quản lý dữ liệu đã được sao lưu là một phần quan trọng trong sao lưu tệp để đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu, và thường được đề cập theo hai khía cạnh: lựa chọn phương pháp, phần mềm để sao lưu tệp; và bảo quản, sắp xếp, phân loại các thiết bị lưu trữ tệp một cách hợp lý.

Thế hệ máy tính điện tử đầu tiên sử dụng các thẻ đục lỗ để nhập và lưu trữ dữ liệu. Đây được coi là sự xuất hiện đầu tiên của sao lưu tệp. Trong những giai đoạn phát triển tiếp theo, các người dùng cá nhân và tổ chức ngày càng coi trọng tầm quan trọng của dữ liệu, sao lưu tệp dần trở thành một bước không thể thiếu được thực hiện theo lịch trình cố định. Nhiều phần mềm và công cụ đã được xây dựng để hỗ trợ cho việc sao lưu tệp định kỳ và quản lý phiên bản trong quá trình sao lưu sao lưu. Trong những năm gần đây, hình thức lưu trữ của sao lưu tệp có xu hướng chuyển dần từ lưu trữ ngoại tuyến sang lưu trữ trực tuyến bằng công nghệ đám mây.

Vai trò[sửa]

Sao lưu tệp bảo vệ các tập tin khỏi các lỗi do người dùng, do lỗi phần cứng, phần mềm và cả các thảm họa tự nhiên. Sao lưu tệp là sự lựa chọn phù hợp cho hầu hết các người dùng cá nhân để tránh việc mất mát dữ liệu hoặc muốn lưu trữ nhiều phiên bản của một tệp. Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, sao lưu tệp cũng có thể được sử dụng để sao lưu các tệp nhằm mục đích lưu trữ và bảo quản.

Đối với các người dùng cá nhân, xu hướng sao lưu tệp đang chuyển dần từ lưu trữ trên thiết bị phần cứng sang các ứng dụng sao lưu tệp trực tuyến. Các ứng dụng này đảm bảo an toàn tốt cho dữ liệu, khả năng cơ động cao và bổ sung nhiều chức năng về quản lý phiên bản, chia sẻ giữa các người dùng, …

Đối với các doanh nghiệp, dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng; đó là tài nguyên, là cơ sở duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Theo một khảo sát gần đây của các hãng bảo mật thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ xem việc mất mát dữ liệu là một trong những rủi ro hàng đầu trong kinh doanh, thậm chí còn hơn cả các tội phạm truyền thống, thảm họa thiên nhiên hay khủng bố. Hầu hết các doanh nghiệp đều có nhận thức về tầm quan trọng của việc sao lưu dữ liệu, tuy nhiên vấn đề đầu tư và chi phí nhân sự vận hành hệ thống lại là một trở ngại lớn. Với những tiềm năng và thách thức này, nhiều dịch vụ sao lưu dữ liệu tự động đang được phát triển nhằm vào các đối tượng khách hàng doanh nghiệp theo ngành nghề cụ thể, ví dụ dành riêng cho quỹ tín dụng, dành riêng cho các đơn vị bán lẻ, … Việc thiết kế các chức năng và cấu hình phù hợp cho đối tượng khách hàng cụ thể sẽ hỗ trợ người dùng trong việc lựa chọn tệp sao lưu, quản lý các bản sao và tối ưu hóa tốc độ phục hồi.

Tại Việt Nam, việc mất mát dữ liệu quan trọng cũng có thể đe dọa tới hoạt động của doanh nghiệp. Một khảo sát cho thấy, 69% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát đã gặp phải vấn đề tương đối hoặc rất trầm trọng do mất mát thông tin điện tử, với thực tế 58% tổ chức được khảo sát đã từng bị mất dữ liệu quan trọng trong quá khứ. Kết quả 100% doanh nghiệp từng bị mất mát dữ liệu đối mặt với những tổn thất trực tiếp như sụt giảm lợi nhuận hay chi phí tài chính trực tiếp bằng tiền mặt hoặc hàng hóa. Vì vậy, việc sao lưu nói chung và sao lưu tệp nói riêng ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư. Các cơ quan quản lý ở Việt Nam coi trọng việc đảm bảo an toàn dữ liệu bằng sao lưu tệp, được quy định cụ thể trong nhiều văn bản hành chính (vd. thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Bộ thông tin và truyền thông, thông tư số 18/2018/TT-NHNN ngày 21 tháng 8 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Có khá nhiều nguyên nhân có thể làm hỏng hoặc làm mất dữ liệu. Nguyên nhân chủ quan có thể đến từ các nhầm lẫn, thao tác sai do người dùng gây ra. Nguyên nhân khách quan đến từ nguồn điện, hỏng hóc phần cứng, thiên tai.

Sao lưu tệp thường không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức lớn với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phức tạp. Với các hệ thống này, việc phục hồi từ các bản sao lưu sao lưu mà không có đầy đủ thông tin cấu hình của hệ thống sẽ rất mất thời gian và công sức, đồng thời khó có thể đảm bảo việc phục hồi hoàn chỉnh. Ngoài ra, việc có nhiều người/máy cùng tương tác lên một tệp sẽ gây khó khăn trong việc quản lý phiên bản.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chervenak, A., Vellanki, V., &Kurmas, Z. (1998, March). Protecting file systems: A survey of backup techniques. In Joint NASA and IEEE Mass Storage Conference (Vol.99).
  2. De Guise, P. (2008). Enterprise systems backup and recovery: A corporate insurance policy. CRC press.
  3. Preston, W. C. (2006). Backup and Recovery. "O'Reilly Media, Inc. " ISBN-10: 0-596-10246-1, ISBN-13: 978-0-596-10246-3
  4. Wally Moore. Data Backup. DTS blog, November 19, 2019. https://www.dtsinfotech.com/blog/data-backup-1 (Truy cập ngày 10/06/2020).