Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
SARS - Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng

SARS - Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng là căn bệnh cấp tính do vi rút gây ra, có khả năng lây truyền cao, lần đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ XXI.

Mô tả[sửa]

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tổng cộng 8.098 người trên toàn thế giới mắc bệnh SARS trong đợt bùng phát năm 2003. Trong số này, 774 người chết. Tại Hoa Kỳ, chỉ có tám người có bằng chứng trong phòng thí nghiệm về nhiễm SARS-CoV. Tất cả những người này đã đi đến những nơi khác trên thế giới nơi bệnh SARS đang lây lan. SARS đã không lây lan rộng rãi hơn trong cộng đồng ở Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam: Ngày 23/2/2003, thương nhân người Mỹ gốc Hoa từ Hồng Công đến Việt Nam và nhập bệnh viện Việt- Pháp ngày 26/2/2003, trở thành bệnh nhân SARS đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 26/2/2003, Bác sỹ Carlo Urbani (người Italia), Chuyên gia truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới được mời đến Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Ông đã phát hiện ra bệnh SARS, bị lây bệnh và tử vong ngày 29/3/2003. Ngày 1/3/2003, nhân viên đầu tiên của bệnh viện Việt- Pháp nhiễm bệnh trở thành nguồn lây bệnh nguy hiểm cho xung quanh. Ngày 8/3/2003, bệnh viện Việt- Pháp tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân, tới ngày 11/3/2003 bệnh viện đã tổ chức các công tác tiến hành mọi biện pháp để cách ly một các triệt để. Ngày 10/3/2003, tỉnh Ninh Bình – Việt Nam xuất hiện bệnh nhân SARS đầu tiên là người đã ở bệnh viện Việt- Pháp, ngày 22/3/2003, xuất hiện bệnh nhân nặng, điển hình SARS. Ngày 12/3/2003, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân, áp dụng phương pháp điều trị mới, hiệu quả tốt, không có tử vong tại viện. Ngày 15/3/2003, Bộ Y tế thành lập Ban Đặc nhiệm phòng chống dịch khẩn cấp (do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thưởng làm Trưởng ban) sau kiện toàn thành Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch SARS (do Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến làm Trưởng ban). Ngày 8/4/2003, Việt Nam không xuất hiện bệnh nhân SARS mới. Việt Nam đã có 63 người mắc, trong đó có 5 người chết. Ngày 22/4/2003, Việt Nam công bố quy trình phát hiện vi rút SARS. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân lập được vi rút SARS và xây dựng được quy trình chuẩn thức để phát hiện vi rút gây bệnh SARS. Ngày 28/4/2003, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế được hoàn toàn dịch SARS (WHO khuyến cáo, dịch được khống chế thành công khi sau 20 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới).

Nguyên nhân[sửa]

SARS gây ra bởi một loại vi rút thường lây truyền từ người sang người, chủ yếu là do các giọt bắn của cá thể bị nhiễm vi rút.

Năm 2003, các nhà khoa học Canada tại Cơ quan Ung thư British Columbia ở Vancouver đã công bố trình tự bộ gen của vi rút gây ra bệnh SARS. Vi rút này là một Coronavirus, một trong những họ vi rút phổ biến gây ra nhiều loại bệnh đường hô hấp trên từ nhẹ đến trung bình. Trong vòng vài ngày, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở Atlanta, Georgia, đã đưa ra một bản đồ gen xác nhận hơn 99% những phát hiện của Canada.

Các nhà khoa học lập cả hai bản đồ gen đã dựa vào chúng từ các nghiên cứu về virus được phân lập từ các trường hợp SARS. Loại coronavirus cụ thể đã được lập bản đồ có trình tự bộ gen gồm 29.727 nucleotide - đặc trưng cho họ coronavirus thường chứa từ 29.000 - 31.000 nucleotide. Thử nghiệm trên động vật đã chứng minh rằng coronavirus được lập bản đồ là loại virus đặc hiệu gây ra SARS.

Triệu chứng[sửa]

Dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng SARS có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 10 ngày, trung bình khoảng bốn ngày. Thời gian ủ bệnh tạo điều kiện thuận lơi cho sự lây lan của vi rút bởi những người nhiễm chưa có triệu chứng.. Qua đường không khí, những người mang vi rút không có triệu chứng này có thể đưa virus lan ra khắp thế giới. Các triệu chứng ban đầu không đặc hiệu và phổ biến đối với bệnh cúm như đau đầu, khó chịu, ho khan...sau đó là sốt 100,4°F (38°C), ho, thở gấp và khó thở. SARS thường bùng phát (đạt đỉnh tiến triển) trong một đợt viêm phổi nặng có thể gây suy hô hấp và tử vong cho bệnh nhân.

Chẩn đoán[sửa]

Các xét nghiệm chẩn đoán ban đầu bao gồm cấy máu, chụp Xquang lồng ngực và các xét nghiệm tìm mầm bệnh hô hấp do vi rút khác như cúm A và B. Nếu nghi ngờ SARS, các mẫu sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế dự phòng hoặc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh để xét nghiệm tìm kháng thể kháng coronavirus.

Điều trị[sửa]

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với virus gây ra bệnh SARS. Các phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ, nhằm tăng cường chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các cơ quan đường hô hấp như hỗ trợ thở bằng máy cung cấp bổ sung oxy, sử dụng một số loại kháng sinh để điều trị nhiễm trùng cơ hội gây viêm phổi, sử dụng một số thuốc kháng virus, sử dụng thuốc steroid liều cao để điều trị sưng, phù nề phổi. Vắc xin phòng bệnh SARS vẫn đang được nghiên cứu.

Tiên lượng[sửa]

Tỷ lệ tử vong do SARS khoảng 5 – 10%. Trong số những người sống sót, nhiều người bị xơ phổi (sẹo và tổn thương nhu mô phổi), loãng xương (tình trạng khiến xương yếu và giòn) và hoại tử xương đùi (có thể dẫn tới phá huỷ khớp và tàn tật)…

Phòng bệnh[sửa]

Cách bảo vệ và phòng tránh dịch SARS bao gồm thực hiện việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ lây nhiễm virus cao như bệnh viện, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại... Thực hiện vệ sinh tay chân, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, khử trùng môi trường tại các khu vực có người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người bị nhiễm trong vòng ít nhất 10 ngày, kể từ ngày hết các triệu chứng.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus, việc cần làm là:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn khô có chứa cồn với nồng độ từ 70%.

- Che chắn miệng và mũi mỗi lần ho hoặc hắt xì hơi, sau đó phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô ngay khi có thể.

- Tránh việc dùng chung thức ăn, dùng chung đồ uống và các dụng cụ ăn uống với người bị nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh bề mặt vật dụng bằng các dung dịch sát khuẩn.

- Đối với người dân bình thường, có thể thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ vật, dụng cụ làm việc, vệ sinh môi trường bằng các dung dịch khử khuẩn, sát trùng. Đeo khẩu trang ở chỗ đông người, nơi có nguy cơ phát tán virus cao. Không khuyến cáo đi du lịch tới các vùng dịch chưa được kiểm soát.

- Đối với nhân viên y tế trực tiếp thực hiện việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân SARS, ngoài việc thực hiện các khuyến cáo ở trên, nhân viên y tế cần được trang bị thiết bị bảo hộ chuyên dụng như quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, găng tay, mặt nạ bảo hộ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Calisher, Charles H. Lifting the Impenetrable Veil: From Yellow Fever to Ebola Hemorrhagic Fever & SARS. Fort Collins, CO: Rockpile Press, 2013.
  2. Olsson, Eva-Karin, and Lan Xue, eds. SARS from East to West. Lanham, MD: Lexington Books, 2011.
  3. Bộ y tế (2013). Tình hình dịch SARS tại Việt Nam 10 năm nhìn lại, Hà Nội, 2013, https://moh.gov.vn/web/ministry of health/topnews/asset publisher/EPLuO8YEhk19/content/tinh-hinh-dich-sars-tai-viet-nam-10-nam-nhin-lai?inheritRedirect=false, truy cập 14/02/2021.
  4. Coleman, Christopher M., and Matthew B. Frieman. Emergence of the Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus. PLoS Pathogens 9, no. 9 (September 2013): e1003595.