Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
S-125 Pechora
Bệ phóng S-125 Pechora-2TM (phiên bản hiện đại hóa) cùng dàn ra đa của nó

S-125 Pechora (tiếng Nga С-125 “Нева” / “Печора”, NATO: SA-3 Goa, SAM-3) là tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp và tầm trung (theo độ cao) do Liên Xô chế tạo.

S-125 Pechora được kỹ sư tên lửa người Nga Aleksei Mikhailovich Isaev (Алексе́й Миха́йлович Иса́ев) thuộc Viện Thiết kế Trung ương Almaz (Liên Xô) thiết kế, chế tạo từ đầu năm 1960, đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1961. S-125 Pechora sử dụng hai loại tên lửa khác nhau: 5V24 (V-600) và 5V27 (V-601). Ở Liên Xô, vào những năm 1961-62, S-125 được nghiên cứu phát triển cho cả lực lượng Hải quân (với tên gọi Volna M-1) và Lục quân. Sau khi thay thế các hệ thống S-125 Pechora trong trang bị bằng các hệ thống SA-10 và SA 12 trong lực lượng lục quân, quân đội Nga tiến hành nâng cấp các hệ thống S-125 đã loại khỏi biên chế để xuất khẩu. Các thành phần chính của tổ hợp tên lửa: tên lửa sử dụng 2 phiên bản khác nhau là 5V24 (V-600) có đầu nổ nhỏ, trọng lượng 60 kg, tầm bắn tối đa 15 km và 5V27 (V-601), tốc độ bay đạt 3-3,5 Mach; bệ phóng 5P-71 (5P-73), nạp 2 (4) tên lửa; đài điều khiển SNR-125 (SNR-125M); trạm nguồn 5E96A có 2 tổ máy phát điện DES-100, công suất mỗi máy 100 kW và xe phân phối điện RKU có máy nổ AD30; các bệ phóng được điều khiển bởi đài chỉ huy. Có 3 hệ thống rađa chính: đài rađa cảnh giới và bắt mục tiêu P-15 (hoặc P-15M, phiên bản cải tiến chống mục tiêu bay thấp băng C), đặt trên xe tải, công suất 380 kW, tầm hoạt động 250 km; đài rađa bám mục tiêu SNR-125 điều khiển tên lửa băng tần I/D, đặt trên một xe rơmooc, công suất 250 kW;, đài rađa đo cao băng E PRV-11 đặt trên một xe rơmooc thân hộp, tầm hoạt động 28 km, độ cao lên tới 32 km.

Động cơ tên lửa 5V27 có 2 tầng nhiên liệu rắn (tầng một - tăng tốc, tầng hai - hành trình) được điều khiển từ xa bằng lệnh vô tuyến; dài 5,948 m; đường kính tầng một 0,552 m, tầng hai 0,381 m; sải cánh: tầng một khi xòe 2,208 m, khi cụp 1,7 m, tầng hai 1,192 m; khối lượng phóng 952,7 kg; đầu đạn kiểu nổ mảnh, khối lượng 70-73 kg nổ trực tiếp theo lệnh K3 hoặc bằng ngòi nổ vô tuyến kiểu hiệu ứng Đôple. Diệt mục tiêu: theo cự li 3,5-35 km, theo độ cao 0,02-25 km; tốc độ tối đa của mục tiêu 700 m/s; thời gian bắt mục tiêu để bám tự động 2,5-3 giây; bề mặt tán xạ hiệu dụng tối thiểu của mục tiêu bị bắn 0,3 m2; khả năng chống nhiễu tích cực 2.000 W/MHz (từ 100 km); số kênh mục tiêu/tên lửa 1/2; số tên lửa trên bệ phóng 2/4; thời gian thu hồi/triển khai 1 giờ 20 phút/1 giờ 40 phút. S-125 Pechora được triển khai lần đầu vào khoảng thời gian 1961-64 xung quanh thủ đô Maxcơva (Liên Xô) nhằm bổ sung cho hệ thống phòng không S-25 và S-75 đã được bố trí xung quanh thành phố; sau đó tiếp tục được triển khai trên lãnh thổ Liên Xô. S-125 Pechora được xuất khẩu sang gần 30 nước trong đó có: Ănggôla, Xiri, Irăc, Nam Tư, Bungari, Ai Cập, Ba Lan, Triều Tiên, Hunggari, Ấn Độ, Việt Nam... S-125 Pechora và các hệ thống tên lửa khác đã giúp một số nước bắn rơi nhiều máy bay không người lái của đối phương cũng như của Mỹ và NATO.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora và các biến thể của nó có tầm bắn hiệu quả và độ cao tối đa thấp hơn so với các loại tên lửa thế hệ trước, đồng thời cũng bay chậm hơn. Tuy nhiên, do được thiết kế hai tầng nên S-125 Pechora hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu cơ động hơn; ngoài ra, nó có khả năng tiến công các mục tiêu bay thấp hơn, đặc biệt có nhiều khả năng chống lại hệ thống đánh lạc hướng điện tử hơn so với thế hệ S-75. So với S-25 và S-75, S-125 Pechora gọn nhẹ hơn nên dễ cơ động; có từ 2 hoặc 4 kênh dẫn hướng nên nâng cao được khả năng tác chiến (vì theo tính toán, để tiêu diệt 1 mục tiêu cần dùng tới 3 quả đạn tên lửa). S-125 Pechora là hệ thống tên lửa cuối cùng thuộc các loại tên lửa thế hệ thứ nhất mà Liên Xô đã từng nghiên cứu, chế tạo và trang bị cho lực lượng quân đội. Sau này, S-125 Pechora được nhiều quốc gia nâng cấp, bố trí trên nhiều loại phương tiện chiến đấu khác nhau để phù hợp với đặc điểm chiến thuật và thực tế tác chiến.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, S-125 Pechora được Liên Xô viện trợ cuối 1972, đến 1980 tiếp tục được Liên Xô viện trợ một số tiểu đoàn S-125 Pechora M Neva. Ở Việt Nam, cùng với S-75, S-125 Pechora, S-300 PMU1 và một số loại tên lửa hiện đại khác đã và đang đóng vai trò chủ chốt trong toàn bộ thế trận phòng không hiện đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/S-125_Neva/Pechora
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/S-125_Neva/Pechora
  4. https://military.wikia.org/wiki/S-125_Neva/Pechora
  5. https://fas.org/nuke/guide/russia/airdef/s-125.htm