Sự thành lập Liên bang Xô Viết- chiều ngày 30.12.1922, tại Đại hội Xô viết lần thứ nhất, đại diện phái đoàn các nước Cộng hòa Xô viết Nga, Ukraina, Belorussia, Ngoại Kavkaz (gồm Armenia, Georgia và Azerbaijan) đã ký Hiệp ước và Tuyên bố thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, cg. Liên Xô.
Cuộc cách mạng Nga 1917 và sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ Nhất đã dẫn đến sự sụp đổ của Đế quốc Nga. Ngay từ tháng 3.1917, tại những vùng lãnh thổ cũ thuộc Đế quốc Nga trước đây (như các nước Baltic, Phần Lan, Ukraina, Georgia, Armenia, Turkestan, …), Đại hội Xô viết toàn quốc đã được tổ chức. Ngày 3.11.1917, sau khi giành chính quyền, Lenin đã ký “Tuyên bố về Quyền của các Dân tộc trong nước Nga” khẳng định quyền bình đẳng của tất cả các dân tộc, từ quyền tự quyết có thể thành lập quốc gia độc lập, cũng như các quyền tự do chính trị, văn hóa, tôn giáo đối với tất cả các dân tộc thiểu số. Ngay trong Tuyên bố này, Lenin đã trình bày về việc thành lập một liên minh tự nguyện giữa các dân tộc, giữa các quốc gia liên bang cũng như các quốc gia độc lập. Tuyên bố này nhận được sự tán thành của các dân tộc trên lãnh thổ của Đế quốc Nga cũ. Sau năm 1918, hầu hết các nước tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên, cuộc Nội chiến tại Nga (1917 - 1921) đã thay đổi tình hình. Ngay sau khi Cách mạng Nga thành công, lực lượng Bạch vệ - những người theo chế độ Bảo hoàng ủng hộ Sa hoàng, được sự giúp đỡ của liên quân 14 nước đế quốc, đã tiến hành bao vây và tấn công nước Nga Xô viết mới được thành lập. Sau Nội chiến, yêu cầu thành lập Liên bang Xô viết xuất phát từ các nhu cầu: thứ nhất, nhu cầu đoàn kết chống lại các thế lực bên ngoài, nâng cao vị thế của các nước Cộng hòa Xô viết trước nguy cơ tấn công của các nước đế quốc; thứ hai, nhu cầu liên kết để phục hồi đất nước sau các cuộc chiến kéo dài; thứ ba, ngăn cản sự chia rẽ giữa các nước cộng hòa và giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, đã đặt ra.
Trong Nội chiến, Hồng quân đã tạo điều kiện thành lập các chính quyền Xô viết tại Ukraina, Armenia, và vùng Caucase. Đến năm 1922, 6 nước Cộng hòa ra đời trên lãnh thổ Đế quốc Nga cũ là Nga, Ukraina, Belorussia, Armenia, Georgia và Azerbaijan. Các nước này đều ký kết với nước Nga Xô viết hiệp ước liên minh, theo đó, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga có quyền thay mặt cho tất các các nước cộng hòa khác trong quan hệ quốc tế và ký kết các văn kiện ngoại giao.
Tuy nhiên, có hai hình thức về mô hình Liên bang Xô viết được tranh luận: một là, sáp nhập các nước cộng hòa và các vùng tự trị vào Nước Cộng hòa liên bang xô viết Nga, sau đó thành lập Chính phủ Trung ương và hệ thống pháp luật chung cho các nước thành viên; hai là, liên kết các đồng minh song phương đã được thiết lập giữa nước Nga Xô viết với các nước cộng hòa độc lập thông qua các hiệp ước đã ký kết. Ngày 10.8.1922, một ủy ban soạn thảo kế hoạch thành lập Nhà nước liên bang ra đời do Stalin (Ủy viên phụ trách các vấn đề dân tộc của Cộng hòa Nga Xô viết, quyền Bộ trưởng) đứng đầu. Ngày 10.9.1922, kế hoạch được hoàn thành, trong đó Stalin đề nghị sáp nhập Ukraina, Belorussia, Armenia, Georgia và Azerbaijan vào nước Nga Xô viết với tư cách các đơn vị lãnh thổ tự trị. Các nhà lãnh đạo của Armenia, Georgia và Azerbaijan phản đối kế hoạch này. Với chủ trương xây dựng một liên minh tự nguyện của các quốc gia tự do trong một liên bang của các nước cộng hòa Xô viết, Lenin đã can thiệp bằng cách chấp nhận việc thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Ngoại Kavkaz (ngày 13.12.1922) để cùng với Nga, Ukraina và Belorussia thảo luận về hiệp ước thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Ngày 22.12.1922, việc soạn thảo Hiệp ước được hoàn thành và chính thức được thông qua tại Đại hội Xô viết lần thứ I ngày 30.12.1922. Hiệp ước quy định những nguyên tắc tổ chức của Liên bang Xô viết, đặt cơ sở cho Hiến pháp Liên bang có hiệu lực từ ngày 31.1.1924, theo đó các nước Cộng hòa còn lại không sáp nhập vào nước Nga và duy trì hiến pháp riêng. Tuyên bố này, gồm Lời nói đầu và 26 điều khoản, xác định Liên bang Xô viết là liên minh giữa các nước cộng hòa thuộc liên bang hoặc tự trị, trong đó các quyền quan trọng về quan hệ quốc tế, phòng thủ, an ninh, xây dựng kế hoạch, tiền tệ, tài chính, ngân sách, ngoại thương, giao thông và liên lạc được giao cho Nhà nước liên bang. Liên bang được điều hành bởi các cơ quan phân cấp như sau: 1- Đại hội Xô viết toàn liên bang, được bầu cử thông qua phổ thông đầu phiếu bốn cấp chặt chẽ và gián tiếp và được triệu tập 2 năm/lần; 2- Đại hội ủy quyền cho Ban Chấp hành Trung ương được thành lập từ hai cơ quan lập pháp là Xô viết toàn Liên bang (gồm 400 thành viên, đại diện cho các nước cộng hòa) và Xô viết của các dân tộc (gồm 5 đại biểu của mỗi nước cộng hòa liên bang và tự trị để hạn chế sự vượt trội của nước Nga); 3- các Hội đồng nhân dân là cơ quan hành pháp và chính quyền với chức năng tư pháp được Ban Chấp hành ủy quyền.
Việc thành lập Liên bang Xô viết là một sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại. Liên bang này là nước đầu tiên trên thế giới lấy chủ nghĩa Marx làm hệ tư tưởng để xây dựng quốc gia. Thời điểm phát triển đỉnh cao nhất, Liên bang Xô viết có 15 nước Cộng hòa, trong đó lớn nhất là nước Nga. Sự thống nhất của Liên bang về mặt hành chính - chính quyền đã tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế với các chính sách công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp chung sau này. Tuy nhiên, bất đồng trong việc xây dựng mô hình liên bang đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn nội bộ trong giới lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, giữa Lenin và Stalin, sau đó giữa Stalin và Trotsky.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- F. Hirsch, Toward an Empire of Nations: Border-Making and the Formation of Soviet National Identities, The Russian Review, 59 (2), pp. 201-226, 2000. (F. Hirsch, Hướng tới một Đế chế của các quốc gia: Xây dựng biên giới và hình thành bản sắc dân tộc của Liên Xô, Tạp chí Nga, 59 (2), tr.201-226).
- Roger Portal, La formation de l’Union soviétique et le problème national (à propos de livres et articles récents), Revue Historique, T. 216, Fasc. 2, pp.230 - 245, 1956. (Roger Portal, Sự thành lập Liên bang Xô viết và vấn đề dân tộc (từ các sách và bài báo gần đây), Tại chí Lịch sử, tập 216, tr. 230 – 245, 1956)
- Moshe Lewin, La formation du système soviétique: essais sur l’histoire sociale de la Russie dans l’entre-deux-guerres, Gallimard, 1987. (Moshe Lewin, Sự thành lập hệ thống Xô viết: khảo luận về lịch sử xã hội Nga giữa hai cuộc chiến tranh, Gallimard, 1987)
- Jean-Paul Scot, La Russie de Pierre le Grand à nos jours, Paris, Armand Colin, 2000. (Jean-Paul Scot, Nước Nga từ Pierre Đại đế đến ngày nay, Paris, Armand Colin, 2000)
- Jean-Paul Gaudillière, À propos de l’URSS et de son histoire, Mouvements 2005.1 (no 37), pp.142-145, 2005. (Jean-Paul Gaudillière, Về Liên Xô và lịch sử Liên bang, Mouvements số 1 (37), tr.142-145, 2005)
- Jean-Jacques Marie, Histoire de la guerre civile russe, 1917-1922, Tallandier, 2015. (Jean-Jacques Marie, Lịch sử nội chiến Nga, 1917 – 1922, Tallandier, 2015)
- Edele, Mark (2018), The Soviet Union: A Short History, John Wiley & Sons, Ltd, doi:10.1002/9781119367413, ISBN 978-1-119-36741-3
- Kenez, Peter (2006), A History of the Soviet Union from the Beginning to the End (lxb. 2), Cambridge University Press, doi:10.1017/CBO9780511803741, ISBN 978-0-511-80374-1
- Mccauley, Martin (2007), The Rise and Fall of the Soviet Union (lxb. 3), Routledge, doi:10.4324/9781315835426, ISBN 978-1-315-83542-6
- Smith, S. A. (2017), Russia in Revolution: An Empire in Crisis, 1890 to 1928, Oxford University Press, ISBN 978-0-19-873482-6
- Engelstein, Laura (2017), Russia in Flames: War, Revolution, Civil War, 1914–1921, Oxford University Press, ISBN 978-0-19-979421-8