Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sự thành lập Cộng hoà Singapore

Sự thành lập Cộng hoà Singapore (1965) là sự kiện Singapore tách khỏi Liên bang (Liên bang) Malaysia sau gần hai năm gia nhập, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa độc lập và có chủ quyền ngày 9.8.1965.

Là nước nhỏ nhất ở Đông Nam Á, sau gần 150 năm là thuộc địa của Anh, Singapore đối mặt với nhiều khó khăn khi chỉ là một hải cảng trung chuyển hàng hoá cho các nước trong khu vực, phải nhập khẩu hầu như toàn bộ lương thực, thực phẩm từ bên ngoài, ngay cả nguồn nước sinh hoạt cũng phụ thuộc hoàn toàn vào Malaysia. Với hy vọng việc trở thành một phần của Liên bang Malaysia trên cơ sở kết nối về địa lí và kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình phát triển, Singapore gia nhập sau Liên bang Malaysia khi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý ngày 1.9.1962, với 70,8% số phiếu ủng hộ.

Theo Hiệp định Malaysia, ký kết ngày 9.7.1963 tại London giữa Anh, Liên bang Malaya, Singopore, Sarawak và Bắc Borneo (Sabah), Liên bang Malaysia bao gồm Liên bang Malaya, Singapore, Sarawak và Bắc Borneo (Sabah). Các điều khoản về sự gia nhập của Singapore vào Liên bang Malaysia được các bên thỏa thuận, trong đó có việc công nhận quyền tự chủ, việc tham gia vào nội các, địa vị của công dân và đóng góp của Singapore về tài chính. Theo đó, Singapore phải tuân thủ một số điều kiện để gia nhập như: các vấn đề về quốc phòng, đối ngoại, an ninh nội bộ sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ Liên bang; để có quyền tự chủ về giáo dục và lao động, Singapore sẽ chỉ có 15 ghế trong Quốc hội thay vì 25 ghế theo quy mô dân số. Về tài chính, Singapore đóng góp 40% doanh thu cho cho chính phủ Liên bang và sẽ cung cấp khoản vay phát triển cho Bắc Borneo và Sarawak, trong đó khoảng 2/3 số tiền sẽ không tính lãi trong 5 năm. Những bất đồng về các vấn đề kinh tế, chính trị trong nội bộ Liên bang đã nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt.

Về kinh tế, vấn đề thị trường chung, doanh thu và tiền thuế là những vấn đề gai góc nhất do tồn tại không ít những khác biệt giữa Singapore và Malaysia. Tiến độ chậm chạp của việc hình thành thị trường chung và những khó khăn trong việc đấu tranh giành vị trí tiên phong cho các ngành công nghiệp của Singapore đã khiến cho Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (Lý Quang Diệu) thất vọng. Malaysia không hài lòng với phản ứng kiên quyết của Singapore trong việc tăng thuế doanh thu để trang trải cho chính phủ Liên bang trong thời kỳ đối đầu giữa Malaysia và Indonesia, cũng như các khoản vay để hỗ trợ phát triển cho Bắc Borneo và Sarawak.

Về chính trị, những bất đồng giữa hai đảng cầm quyền là Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của Singapore và Tổ chức Quốc gia Mã Lai thống nhất (UMNO) về các vấn đề chính trị, đặc biệt là những định kiến về cộng đồng sắc tộc giữa người Hoa và người Mã Lai ngày càng gia tăng. Đỉnh điểm của những căng thẳng là sự bùng nổ các cuộc bạo loạn do xung đột sắc tộc diễn ra vào tháng 7 và tháng 9.1964 ở Singapore, khiến cho hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Các cuộc bạo loạn được đánh giá là tồi tệ và kéo dài nhất trong lịch sử Singapore kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Sự căng thẳng về chính trị kéo dài đến giữa năm 1965 đã khiến Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman đi đến quyết định tách Singapore ra khỏi Malaysia như một lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng. Các thành viên nội các do Phó Thủ tướng Malaysia Tun Abdul Razak và Bộ trưởng Tài chính Singapore Goh Keng Swee dẫn đầu đã tiến hành các cuộc đàm phán chuẩn bị cơ sở cho việc chia tách. Tại phiên họp ngày 9.8.1965, Quốc hội Malaysia thông qua quyết định tách Singapore ra khỏi Liên bang với 126 số phiếu ủng hộ, không có phiếu chống (cuộc họp không có sự tham gia của các đại biểu Singapore). Vào lúc 10 giờ sáng hôm đó, tại Singapore, Lý Quang Diệu đọc bản Tuyên ngôn công bố thành lập nước Cộng hòa Singapore với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đồng thời, ông đảm nhận vai trò Thủ tướng của quốc gia mới. Ngày 12.8.1965, Lý Quang Diệu đề nghị Chánh án Wee Chong Jin triệu tập một ủy ban chuẩn bị xây dựng Hiến pháp cho nước Cộng hòa Singapore. Theo các sửa đổi Hiến pháp được thông qua vào tháng 12.1965, Singapore là nước Cộng hòa độc lập, có chủ quyền, Tổng thống đầu tiên là Yusof Ishak. Về tài chính, đồng đô la Malaya và đồng Borneo của Anh vẫn được lưu hành cho đến khi đồng đô la Singapore chính thức ra đời năm 1967.

Sự thành lập nước Cộng hòa mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Singapore. Trong thời gian đầu, việc tách ra khỏi Malaysia được đánh giá là một thảm họa kinh tế đối với Singapore, do toàn bộ nền kinh tế vốn đã gắn chặt với Malaysia như một đơn vị thống nhất trong suốt thời kỳ thuộc địa. Nguồn nguyên liệu công nghiệp như cao su, thiếc… được khai thác ở Malaysia, sau đó được đưa đến Singapore để vận chuyển đi khắp thế giới đột ngột dừng lại. Ngành công nghiệp Singapore vốn đã nhỏ bé, nay đình trệ và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Singapore còn phải dành những khoản ngân sách lớn để xây dựng quân đội và quốc phòng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi quân đội Anh đóng cửa các căn cứ quân sự, rút toàn bộ quân đồn trú, vốn đã từng thuê mướn nhiều nhân công nhất và tạo ra khoảng 1/6 tổng thu nhập cho Singapore. Tuy nhiên, Singapore đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất, từng bước tiến hành thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chỉ sau hơn ba thập niên kể từ khi thành lập, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia phát triển thịnh vượng nhất châu Á, một trong những mắt xích quan trọng của hệ thống kinh tế, thương mại, tài chính toàn cầu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lý Quang Diệu. Hồi ký: Câu chuyện Singapore. Tập I. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017
  2. Lý Quang Diệu. Hồi ký: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất. Tập II. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017
  3. Lý Quang Diệu. Ông già nhìn ra thế giới. NXB Trẻ, 2017.
  4. Thư viện quốc gia Singapore. Lịch sử Singapore, https://eresources.nLiên bang.gov.sg/history/events/dc1efe7a-8159-40b2-9244-cdb078755013/