Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sự kiện Sarajevo năm 1914
Vụ ám sát được minh họa trong tờ báo Domenica del Corriere của Ý, ngày 12 tháng 7 năm 1914 bởi Achille Beltrame

Sự kiện Sarajevo năm 1914 là sự kiện vợ chồng Thái tử kế vị của Áo - Hung là Ferdinand bị ám sát trong chuyến đi thị sát ở Sarajevo (Bosnia) ngày 28.6.1914.

Từ cuối thế kỷ XIX, Balkan là khu vực diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu: Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Áo – Hung. Đây là một trong nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn, xung đột và cuộc Chiến tranh Balkan trong năm 1912, 1913. Ngày 28.6.1914, Áo - Hung tiến hành tập trận ở Sarajevo (Bosnia). Thái tử kế vị Áo - Hung là Franz Ferdinand cùng vợ Hohenberg tới thị sát. Tại đây, các phần tử cực đoan đã hai lần tiến hành ám sát vợ chồng Thái tử Ferdinant. Lần thứ nhất, khi cả hai từ dinh thự đến trụ sở thành phố dự lễ đón tiếp của chính quyền. Đoàn xe hộ tống đi cùng bị trúng bom khiến một số người trong đoàn bị thương nhẹ. Sau buổi đón tiếp, trên đường trở về dinh thự, vợ chồng Ferdinand bị ám sát lần thứ hai bởi một sinh viên cực hữu tên là Gravilo Princip. Franz Ferdinand và Hohenberg bị bắn vào đầu và bụng dẫn tới tử vong. Thi thể vợ chồng Thái tử Ferdinand được chuyển từ Sarajevo về Trieste, sau đó chuyển từ Trieste về Vienne.

Áo – Hung cho đây là hành động tội ác, khủng bố và khiêu khích. Sau khi tiến hành điều tra, chính quyền Áo cho rằng, cả hai kẻ ám sát đều có mối liên hệ với chính quyền Serbia. Họ từng học tập ở Belgrade, nhận bom, súng và tiến hành ám sát theo sự xúi giục của những kẻ vô chính phủ ở Serbia. Chính quyền Áo – Hung nhiều lần gửi công hàm chỉ trích và tố cáo chính quyền Serbia đứng sau vụ ám sát vợ chồng Thái tử Ferdinand.

Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Áo cho triệu tập Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Tham mưu trưởng và các bộ trưởng để bàn tính phương án trừng trị Serbia. Áo kích động sự hận thù trong giới quân nhân và tuyên bố sẽ buộc những kẻ giết người và những kẻ đứng sau xúi giục phải trả giá. Phương án sử dụng vũ lực tấn công Serbia được tính đến và nhận được sự ủng hộ của Đức. Việc này khiến mâu thuẫn, căng thẳng ngoại giao giữa Áo – Hung và Serbia ngày càng leo thang.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi ngày 23.7.1914, Áo – Hung gửi cho Serbia một bức công hàm yêu cầu chính quyền Serbia điều tra vụ ám sát vợ chồng Thái tử Ferdinand. Phía Áo – Hung yêu cầu Serbia chấp thuận cho phái đoàn Áo đến Serbia để lùng bắt và xét xử các hung thủ. Chính quyền Áo – Hung tố cáo chính quyền Serbia tuyên truyền, kích động, dung túng cho các phần tử thù địch và yêu cầu Serbia phải bắt, giao nộp tất cả các phần tử đó cho Áo – Hung. Công hàm có tính chất như là một tối hậu thư khi yêu cầu Serbia phải trả lời trong vòng 48 giờ.

Hai ngày sau, Thủ tướng Serbia gửi công hàm trả lời rằng, chính quyền Serbia không đồng ý để Áo – Hung cử đại diện tới điều tra vụ ám sát Thái tử Ferdinand trên lãnh thổ của mình. Viện cớ đó, Áo – Hung liền cắt đứt quan hệ ngoại giao và chuẩn bị tấn công quân sự vào Serbia. Quan hệ giữa các cường quốc liên quan tới vấn đề Serbia trở lên căng thẳng. Ngày 25.7.1914, Nga tuyên bố không cho phép bất kỳ nước nào xâm phạm tới chủ quyền của Serbia. Bất chấp tuyên bố của Nga, ngày 28.7.1914, Áo – Hung tuyên chiến với Serbia và cho pháo kích vào thủ đô Belgrade. Nga và Pháp liền ban bố lệnh tổng động viên lực lượng quân đội chuẩn bị cho cuộc chiến. Ngày 31.7.1914, Đức gửi tối hậu thư yêu cầu Nga, Pháp trung lập trong cuộc chiến giữa Áo – Hung và Serbia. Bị khước từ, Đức ra lệnh tổng động viên quân đội và tuyên chiến với Nga và Pháp sau đó.

Sự kiện vợ chồng Thái tử Ferdinand bị ám sát ở Savajero là cái cớ để Áo – Hung tuyên chiến và tấn công Serbia. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ Nhất.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. J. M. Roberts, William J. Duiker, Jackson J. Spielvogel, Lịch sử thế giới (Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri biên dịch), Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1993.
  2. Lê Trung Dũng (chủ biên), Thế giới những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1901 - 1945), tái bản lần thứ hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  3. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lịch sử thế giới cận đại, tập II, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008.
  4. Gabriel Hanotaux, Histoire illustrée de la guerre de 1914, deuxième tome, (Lịch sử chiến tranh năm 1914 bằng tranh, tập 2), Gounouilhou – Éditeur, Paris, 1915.