Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sự kiện Hoàng Sa 1974

Sự kiện Hoàng Sa 1974 là sự kiện liên quan đến hành động quân sự của Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (nay thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng), trong thời gian từ 15 đến 20 tháng 1 năm 1974.

Bối cảnh[sửa]

Quần đảo Hoàng Sa

Hoàng Saquần đảo trên Biển Đông, trải rộng từ 150 45’ đến 170 15’ vĩ độ bắc và 1110 00’ đến 1130 00’ kinh độ đông, từ tây sang đông dài khoảng 222 km, từ bắc xuống nam khoảng 160 km, cách Thành phố Đà Nẵng khoảng 350 km về phía đông. Quần đảo này bao gồm hơn 30 hòn đảo, bãi san hô, đá ngầm, trải rộng trên diện tích khoảng 15 nghìn km2, trong đó tổng diện tích phần nổi của các đảo khoảng 10 km2, được chia thành 2 cụm đảo: cụm đảo phía đông có 12 đảo (lớn nhất là các đảo Phú Lâm và Linh Côn); cụm đảo phía tây có các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà, Duy Mộng. Theo các thư tịch cổ, ít nhất từ thế kỷ XVII, nhà nước phong kiến Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, chiếm hữu, làm chủ một cách liên tục và hoà bình đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ năm 1884 với tư cách là nước bảo hộ, thực dân Pháp tiếp tục thay mặt nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền và tiến hành quản lý khai thác đối với quần đảo Hoàng Sa. Cho đến cuối thế kỷ XIX không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc có phản ứng dưới bất cứ hình thức nào đối với việc Việt Nam thực hiện chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Việc tranh chấp và đặt ra yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa chỉ thể hiện rõ từ những năm đầu thế kỷ XX. Đến năm 1946, Trung Quốc đưa quân ra chiếm đóng một bộ phận của quần đảo rồi rút. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949), Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua tuyên bố của Ngoại trưởng Chu Ân Lai (15 tháng 8 năm 1951), cùng với đó, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc phân tỉnh tinh đồ”, bao gồm cả 3 quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải: Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa), Đông Sa và quần đảo Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield). Đầu năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp đã rút khỏi Việt Nam, nhưng quân đội Sài Gòn chưa kịp ra đóng giữ theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, Trung Quốc cho quân chiếm đóng bất hợp pháp hai đảo Phú Lâm và Linh Côn thuộc cụm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa, sau đó tìm cách tạo dựng chứng cứ và tiến hành các hoạt động ngoại giao, tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Đêm 20 rạng sáng 21 tháng 2 năm 1956, binh lính Trung Quốc cải trang làm ngư dân khiêu khích, thăm dò cụm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa, bị các đơn vị quân đội Sài Gòn bắt giữ.

Sự kiện[sửa]

Thư chia buồn của Hải quân Việt Nam Cộng hoà gửi người thân của liệt sĩ hy sinh trong sự kiện

Đầu năm 1974, lợi dụng lúc nhân dân Việt Nam đang tập trung cao độ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; quân đội Việt Nam Cộng hoà suy yếu và chính quyền Mỹ chủ trương không can thiệp trở lại cuộc chiến ở Việt Nam, Trung Quốc lập kế hoạch đánh chiếm cụm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 11 tháng 1 năm 1974, lấy cớ chính quyền Sài Gòn sáp nhập quần đảo Trường Sa vào quận Đất Đỏ thuộc tỉnh Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Khánh Hoà), Trung Quốc ra tuyên bố phản đối, sau đó đưa hàng chục tàu chiến đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa khiêu khích, đồng thời bí mật cho quân đổ bộ lên các đảo không có lực lượng đồn trú.

Ngày 15 tháng 1, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (gồm các đảo: Cam Tuyền, Duy Mộng, Quang Ảnh…) do quân đội Sài Gòn chốt giữ. Ngày 19 tháng 1 xảy ra cuộc hải chiến giữa 4 tàu chiến của quân đội Sài Gòn với lực lượng hải quân Trung Quốc. Sau hơn nửa giờ đấu pháo, quân đội Sài Gòn bỏ lại tàu HQ10, (sau đó bị Trung Quốc đánh chìm); 3 tàu HQ4, HQ5, HQ16 bị bắn hư hại nặng; 74 binh sĩ chết trận, 28 người bị thương, 48 người bị bắt làm tù binh khi quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm các đảo vào ngày 20 tháng 1 năm 1974 (được trao trả vào ngày 17 tháng 2 năm 1974). Trung Quốc có 2 tàu chiến 274 và 396 bị chìm hoặc trôi dạt vào bãi san hô; 2 chiến khác 271 và 389 bị hư hại nặng. Ngày 20 tháng 1, quân Trung Quốc tăng cường nhiều tàu chiến của Hạm đội Nam Hải, đổ bộ đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh, sau đó mở rộng đánh chiếm các đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù quân đội Sài Gòn cố gắng chống trả, nhưng do lực lượng quá chênh lệch (tại thời điểm này lực lượng quân đội Sài Gòn bảo vệ Hoàng Sa chỉ có 53 người và 4 tàu chiến), nên nhanh chóng bị quân Trung Quốc đánh bại, buộc phải rút chạy.

Ngay sau khi quân Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố phản đối và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đồng thời, kêu gọi các nước có liên quan giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải bằng giải pháp hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 8, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
  2. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Việt Nam thế kỷ XX - những sự kiện quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 422.
  3. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2015.
  4. Nhiều tác giả, Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam, Nxb Trẻ, 2013.
  5. Nhiều tác giả, 45 năm hải chiến Hoàng Sa, Nxb Đà Nẵng, 2019.