Sự di cư của cộng đồng là sự di chuyển dân số từ quốc gia này đến cư trú ở quốc gia khác, từ đơn vị hành chính này tới cư trú ở đơn vị hành chính khác. Căn cứ trên cơ sở nơi đi và nơi đến, có thể chia các dòng di cư .
Di cư nông thôn - đô thị là dòng di cư của những người dân khu vực nông thôn tới các đô thị. Đây là dòng di cư rất phổ biến và cũng là dòng di cư chủ đạo đối với các quốc gia đang trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Ở hầu hết các nước, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị được mở ra đã thu hút nhiều lao động từ các vùng nông thôn, nơi năng suất lao động và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thường thấp hơn. Ngoài dòng di cư trên, còn có các dòng di cư nông thôn - nông thôn, đô thị - nông thôn, đô thị - đô thị. Các dòng di cư này đều xảy ra ở mọi quốc gia và mọi thời điểm, nhưng không phổ biến và có thể bùng phát tại những vùng miền, quốc gia, trong những thời điểm nhất định.
Một cách phân chia nữa là di cư trong nước và di cư quốc tế. Di cư trong nước là sự di chuyển dân cư trong phạm vi quốc gia, di cư quốc tế là sự dịch chuyển dân cư giữa các quốc gia. Trong lịch sử đã từng xuất hiện dòng di cư quốc tế quy mô với sự dịch chuyển số lượng lớn cư dân từ châu Âu đi tìm miền “đất hứa” châu Mỹ và châu Úc. Di cư quốc tế ngoài mục tiêu kinh tế như xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm, còn rất nhiều vấn đề xã hội, chính trị đáng quan tâm, gắn với vấn đề về nạn nhân chiến tranh, sự phân biệt đối xử, vấn đề nhân quyền và người tỵ nạn,… Dòng di cư của người dân từ Syria và các nước Bắc Phi đến châu Âu, gọi là cuộc “khủng hoảng di dân”, gây khó khăn rất lớn cho các nước tiếp nhận.
Theo tính tổ chức, kế hoạch của di cư, người ta chia di cư thành loại có tổ chức và không tổ chức hay di cư tự do. Di cư có tổ chức là sự di chuyển dân cư theo kế hoạch và các chương trình mục tiêu nhất định do nhà nước, chính quyền các cấp vạch ra và tổ chức thực hiện. Di cư tự do là sự di chuyển tự phát của cá nhân hoặc bộ phận gia đình từ điểm định cư này sang vùng khác nhằm thiết lập nơi cư trú mới, mà không phụ thuộc vào kế hoạch và sự hỗ trợ của nhà nước và các cấp chính quyền. Di cư tự do giúp làm giảm sức ép về việc làm, thu nhập nơi đi, bổ sung nguồn lao động cho nơi đến song cũng có nhiều tác động tiêu cực cho cả nơi đi và nơi đến. Trong dòng di cư không tổ chức bên cạnh di cư tự do, người ta còn nói đến dòng di cư bất hợp pháp khi người di cư bỏ qua mọi sự kiểm soát và tránh tiếp xúc với các cơ quan chính quyền các cấp. Di cư bất hợp pháp thường gây ra sự căng thẳng cho người di cư và nhiều khó khăn cho nơi nhập cư.
Theo thời gian cư trú tại nơi đến, người ta chia di cư ra thành di cư lâu dài và di cư tạm thời thường 3 tháng, 6 tháng. Đây là hình thức rất phổ biến ở các nước đang phát triển trong giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đặng Nguyên Anh, Xã hội học dân số, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.
- Pöllänen I., Transnational Peripheries: Narratives of Countryside, Migration, and Community in American and Nordic Modernisms. Scholar’s bank, 2020.
- Phạm Văn Quyết (Chủ biên), Hòa nhập xã hội của lao động nhập cư nghèo tại các đô thị Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, 2017