Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm mà không làm tổn hại đến việc thoả mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Mục đích của sản xuất và tiêu dùng bền vững là nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Trên thế giới, khái niệm sản xuất và tiêu dùng bền vững lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hiệp quốc ở Rio de Janeiro, Brazil, năm 1992, sau đó chính thức được hình thành tại Hội nghị tiêu dùng bền vững ở Oslo, Na Uy, năm 1994. Đến năm 2002, tại Hội nghị thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg, Nam Phi, Kế hoạch hành động Johannesburg đã được thông qua, trong đó sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong ba trụ cột chính, đồng thời nhấn mạnh “thay đổi những phương thức sản xuất và tiêu dùng thiếu bền vững”. Năm 2003, Chương trình khung 10 năm sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) xây dựng và triển khai ở cấp độ toàn cầu. Năm 2015, Liên hợp quốc đã xác định sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đến nay, hầu hết các khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Các nội dung chính của sản xuất và tiêu dùng bền vững bao gồm:
- Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng
- Sử dụng tài nguyên tái tạo và sản phẩm thân thiện môi trường
- Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải
- Duy trì tính bền vững của hệ sinh thái.
Các công cụ, biện pháp chính để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững là:
- Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, áp dụng liên tục các chiến lược ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong các quá trình công nghệ, dịch vụ
- Thực hiện “mua sắm xanh” thông qua xem xét, cân nhắc các vấn đề môi trường để giảm thiểu được nhiều nhất tác động tới sức khoẻ và môi trường
- Thúc đẩy áp dụng nhãn sinh thái đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường
- Đánh giá vòng đời (LCA) các khía cạnh môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ trong tất cả các giai đoạn
- Thiết kế sinh thái, là sự kết hợp có hệ thống các yếu tố môi trường vào giai đoạn thiết kế/phát triển sản phẩm nhằm giảm bớt các tác động xấu đến môi trường.
Ở Việt Nam, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được đề cập trong Định hướng chiến lược phát triển bền vững (Agenda 21) năm 2004 và trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành tại Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 20/6/2020. Trên thực tế, sản xuất và tiêu dùng bền vững của Việt Nam còn chưa toàn diện, chưa triệt để theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm. Số lượng các sản phẩm thân thiện môi trường được dán nhãn xanh còn ít. Việc tiêu dùng các sản phẩm xanh mới chủ yếu tập trung các loại thực phẩm an toàn, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng,… Hoạt động mua sắm công theo hướng bền vững, mua sắm xanh còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc chứng nhận, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường còn nhiều bất cập. Hoạt động phân loại, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải còn hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Quốc hội Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, 2020.
- UNEP, ABC of SCP, Clarifying concept of sustainable production and consumption, 2012.
- UNEP, Sustainable Consumption and Production - A Handbook for Policymakers, 2015.