Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sơn Tinh Thuỷ Tinh

Sơn Tinh Thuỷ Tinh tên một truyền thuyết dân gian người Việt. Câu chuyện kể về cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh khi tranh giành nàng Mỵ Nương, con gái vua Hùng. Sơn Tinh mang sính lễ đến trước, được vua Hùng cho đón Mỵ Nương về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau, đùng đùng nổi giận, dâng nước lên cao và đem các loài thủy tộc ra định đánh Sơn Tinh hòng cướp lại Mỵ Nương nhưng thua cuộc, phải rút quân về.

Nội dung[sửa]

Truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh được ghi chép lần đầu tiên trong sách Việt điện u linh (1329) của Lí Tế Xuyên, ở phần thứ ba “Hạo khí anh linh”, mục “Tản Viên hựu thánh Khuông quốc Hiển ứng vương”. Dẫn theo Giao chỉ kí của Tang công, bản kể này có chi tiết trước khi giao chiến, Sơn Tinh và Thủy Tinh đã kết bạn, ẩn cư trong động Gia Linh ở Phong Châu. Sơn Tinh có thể đi xuyên qua đất đá, Thủy Tinh có thể đi vào nước lửa, chẳng có gì cản trở được. Hai người cùng ứng cử làm rể vua Hùng, thi tài với nhau, bất phân thắng bại. Vua Hùng bèn ra điều kiện ngày mai “hễ ai dẫn lễ cưới đến trước thì gả”. Sơn Tinh sửa soạn đủ các thứ, vàng, bạc, ngọc quí, tê, voi cùng các giống chim muông lạ, mỗi thứ có hàng trăm, mang đến dâng vua vào sáng sớm nên được đưa Mỵ Nương về, nghỉ chân ở núi Lôi Sơn. Buổi chiều, Thủy Tinh cũng sắm đủ các thứ trân châu, đồi mồi, san hô và các giống cá lạ, mỗi thứ cũng tới hàng trăm mang đến, nhưng Sơn Tinh đã lấy được Mỵ Nương rồi. Thủy Tinh nổi giận, dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Lúc này Sơn Tinh đã đưa Mỵ Nương lên đỉnh núi Tản Viên, dựa vào thế núi cao mà đánh lại Thủy Tinh, Thủy Tinh thua phải rút quân. Từ đó căm thù mãi, hàng năm đến mùa thu lại dâng nước lên đánh núi Tản Viên. Dân xung quanh bảo nhau kết rào dựng cọc, giữ chân núi làm Thủy Tinh không phạm tới được.

Sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, người đời Trần có truyện về núi Tản Viên (Tản Viên sơn truyện) kể truyện Đại Vương trấn giữ núi Tản Viên là Sơn Tinh đua tài với Thủy Tinh để cưới Mỵ Nương, con gái của vua Hùng. Nội dung tương đối giống với ghi chép trong Việt điện u linh, duy chỉ có thêm chi tiết cho rằng Sơn Tinh vốn là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong số 50 người con theo cha xuống biển, sau đó lại quay ngược lên núi Tản Viên để ở. Và trước khi Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn Mỵ Nương thì đã có một nhân vật tên là Thục Vương đến xin làm rể nhưng nhà vua không bằng lòng.

Truyền thuyết này vốn không được ghi trong những cuốn sử biên niên như Đại Việt sử ký, Đại Việt sử lược nhưng đến Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê thì được chép vào phần ngoại kỷ thời Hồng Bàng Thị. Điểm khác về nội dung so với ghi chép trong Việt điện u linh và Lĩnh nam chích quái là ở cuối truyện, có đoạn nói rằng: Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mỵ Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.

Hiện nay Sơn Tinh Thuỷ Tinh là một câu chuyện được lưu hành ở nhiều nơi trong đời sống dân gian bằng cả hình thức truyền miệng và ghi chép, công bố trong rất nhiều tài liệu, sách vở về thời Hùng Vương, với rất nhiều dị bản khác nhau. Ngoài ra, đây cũng là một trong số rất ít những truyền thuyết dân gian được chọn đưa vào sách giáo khoa trung học cơ sở, Ngữ Văn 6 tập 1, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (với bản kể của Huỳnh Lý). Trong phiên bản sách giáo khoa (và trong cả nhiều phiên bản sưu tầm, công bố khác), chi tiết Vua Hùng ra yêu cầu về sính lễ (không có trong ghi chép của Việt điện u linh, Lĩnh nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư) được nhấn mạnh, cụ thể là: “một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi” (Ngữ Văn 6 tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr 32).

Thể loại và chủ đề[sửa]

Từ năm 1960 đến những năm 1990, dưới góc độ tiếp cận ngữ văn dân gian đã có những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà Folklore học về thể loại và chủ đề của truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị, Đinh Gia Khánh, Tầm Vu, Cao Huy Đỉnh, Vi Hồng, Đặng Việt Bích, Nguyễn Định…xếp truyện này vào thể loại thần thoại. Bùi Văn Nguyên, Lê Chí Quế, Bùi Thiết…gọi đây là truyền thuyết. Một số tác giả lại cho rằng tác phẩm này mang tính chất của nhiều thể loại như Trần Gia Linh trong Từ điển văn học (1984) gọi đây là “sử thi anh hùng Việt Nam thời dựng nước, vốn là thần thoại”, Hoàng Tiến Tựu trong Văn học dân gian tập II (1990) cho rằng Sơn Tinh Thuỷ Tinh vừa là thần thoại, vừa là truyền thuyền mang tính chất anh hùng ca; Nguyễn Việt Hùng trong Bình giảng truyền thuyết (2013) nhấn mạnh truyện còn có màu sắc cổ tích qua mô-tip thi tài cầu hôn (hay cuộc chiến tranh của những kẻ cầu hôn). Phổ biến hơn cả là các nhận định cho rằng truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh bắt nguồn từ thần thoại cổ về núi Tản Viên nhưng đã được lịch sử hóa thành truyền thuyết. Truyện được gắn vào một thời đại lịch sử, trở thành một truyện quan trọng trong chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng.

Về mặt chủ đề, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng truyện ca ngợi công cuộc trị thủy, đắp đê chống lũ lụt của người Việt cổ trong buổi đầu dựng nước (Đinh Gia Khánh, Đỗ Bình Trị, Tầm Vu, Cao Huy Đỉnh, Phan Huy Lê, Trần Gia Linh, Lê Chí Quế…). Truyện cũng giải thích hiện tượng lũ lụt, thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng (sách giáo khoa Ngữ Văn 6 tập một). Một số tác giả đặc biệt nhấn mạnh về các thông tin lịch sử được chuyển tải trong truyện. Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc (1989) lưu ý rằng Sơn Tinh Thuỷ Tinh tuy đã được phủ lên lớp văn hóa của những thời đại sau này, nhưng ít nhất vẫn thấp thoáng bóng dáng của một cuộc tranh giành đàn bà trong xã hội cổ sơ. Bùi Thiết (1992) cho rằng truyện phản ánh một thời đại lịch sử nhất định, đó là khoảng thời gian cuối thời đại các vua Hùng, ứng vào khoảng giữa thế kỷ III trước công nguyên. Hùng Vương, Sơn Tinh đại diện cho “phía bảo thủ, trì trệ”, thỏa mãn với địa vực núi rừng, sau này nhường ngôi cho Thục Phán và Thục Phán đã đưa chuyển kinh đô về vùng Cổ Loa, thuộc đất đồng bằng là đại diện cho “tư duy mới”. Phản bác lại quan niệm này, tác giả Vi Hồng trong bài viết “Cần có hướng giải mã mới đối với một số truyện cổ dân gian” (1995) khẳng định kết luận như Bùi Thiết là không có căn cứ. Theo Vi Hồng, có nhiều lớp văn hóa, lớp ý nghĩa thuộc về các xã hội khác nhau đã được chồng lấn lên câu chuyện này, thể hiện qua nhiều dị bản khác nhau, và trên tất cả, cần phải xuất phát từ nguyên tắc cơ bản trong sáng tác văn chương mà nghiên cứu truyền thuyết, đó là “nguyên tắc tưởng tượng”.

Từ góc tiếp cận dân tộc học, Cao Huy Đỉnh trong Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (1976) cho rằng các sản vật chính là vật tượng trưng cho cuộc trao đổi văn hóa giữa các bộ lạc đang tự nguyện gia nhập vào cộng đồng Lạc Việt. Thần núi Tản Viên đi vào điện thần Việt là biểu tượng cho một cuộc thiên di của những bộ tộc di cư từ cửa biển Thần Phù đến định cư quanh vùng núi Ba Vì. Đặng Việt Bích trong Giải mã truyện Tản Viên sơn thần (1995) khẳng định truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh có hai lớp ý nghĩa: lớp vỏ là người Việt cổ chống thủy hại, còn lớp ruột (nội dung thật) là sự hỗn hợp giữa Sơn Tinh và Hùng Vương trở thành người Mường.

Ý nghĩa[sửa]

Sơn Tinh Thuỷ Tinh cũng được coi là một trong những câu chuyện quan trọng tham gia vào quá trình kiến tạo các biểu tượng văn hóa quốc gia như Vua Hùng, Sơn Tinh, Thục Phán…, đặc biệt là với biểu tượng Sơn Tinh - nhân vật được coi là thần chủ của Tản Viên sơn, đệ nhất thánh trong “tứ bất tử” (bốn vị thánh bất tử) của Đạo giáo dân gian Việt Nam (Tản Viên Sơn Thánh). Song hành cùng ý nghĩa biểu tượng của núi Tản Viên (Ba Vì) - núi tổ của Việt Nam, Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) đã trở thành nhân vật chính xuất hiện trong nhiều không gian lễ hội, đền miếu, được tôn thờ ngưỡng vọng ở rất nhiều địa phương, tộc người (trong đó đậm đặc nhất là tộc Kinh và tộc Mường vùng xứ Đoài) với các chức năng như: vị thần tự nhiên, ông tổ bách nghệ, anh hùng chống địch họa, thần sư, đệ nhất thánh... Truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh là một ngữ liệu folklore phê chuẩn quá trình Sơn Tinh được “lịch sử hóa”, “Nho giáo hóa” từ một vị thần núi (Tản Viên Sơn thần, Bua Non…) của người Việt Mường cổ trở thành con rể vua Hùng, tham gia vào triều đình vua Hùng, là một bề tôi trung thành góp phần nâng cao thanh thế và uy đức của vua Hùng, và rồi hóa thân thành vị thánh bất tử (nhiều lần hiển linh cứu nước cứu dân) trong chuỗi các truyện kể về Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh về sau. Truyện xuất hiện trong hầu hết các tài liệu ngọc phả (thần tích) ghi chép về Tản Viên Sơn Thánh.

Truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh đã trở thành chất liệu để nhiều tác giả sáng tác nhạc, truyện, thơ, kịch, phim… Có thể kể đến bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp, truyện Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang, bài hát Chuyện tình Thủy thần do Trần Lập sáng tác, ban nhạc Bức Tường thể hiện; phim Sơn thần thủy quái của đạo diễn Xuân Cường…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1962, tr.53.
  2. Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn, Lịch sử văn học Việt Nam, tập I, Văn học dân gian, Phần I, in lần thứ 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1970, tr.71
  3. Hoàng Tiến Tựu, Văn học dân gian Việt Nam, tập II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr.31.
  4. Đặng Việt Bích, “Giải mã truyện Tản Viên sơn thần”, Tạp chí Văn hóa dân gian, 1995, số 1.
  5. Nguyễn Việt Hùng, Bình giảng truyền thuyết (sách dùng trong nhà trường), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr 39-51.
  6. Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Ngữ Văn 6 tập Một (tái bản lần thứ mười lăm), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016, tr.31-33.