Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sĩ quan

Sĩ quan là quân nhân phục vụ trong quân đội (lực lượng vũ trang) có quân hàm thiếu úy trở lên, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lí hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ khác.

Quân hàm và những chức vụ lãnh đạo, quản lí hoặc chỉ huy của Sĩ quanđược quy định phù hợp với đặc thù tổ chức quân sự và truyền thống lực lượng vũ trang mỗi nước. Sĩ quanlà lực lượng nòng cốt xây dựng quân đội, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sĩ quanđược phân chia (phân biệt) thành nhiều loại khác nhau: theo ngạch (tại ngũ, dự bị), theo quân chủng (lục quân, hải quân, phòng không, không quân), theo cấp bậc quân hàm (cấp úy, cấp tá, cấp tướng, một số quốc gia có cấp quân hàm nguyên soái), theo tính chất chuyên môn nghiệp vụ (tàu ngầm, tên lửa, pháo binh, thông tin...).

Sĩ quanQuân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm và có số hiệu SQ. Hệ thống cấp bậc quân hàm Sĩ quangồm ba cấp, mười hai bậc: cấp úy (thiếu úy, trung úy, thượng úy, đại úy), cấp tá (thiếu tá, trung tá, thượng tá, đại tá), cấp tướng (thiếu tướng, chuẩn đô đốc hải quân; trung tướng, phó đô đốc hải quân; thượng tướng, đô đốc hải quân; đại tướng). Đại tướng là cấp bậc quân hàm cao nhất dành cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Căn cứ vào tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức vụ đảm nhiệm, việc thăng quân hàm Sĩ quantại ngũ được thực hiện theo niên hạn: Thiếu úy lên Trung úy (2 năm); Trung úy lên Thượng úy (3 năm); Thượng úy lên Đại úy (3 năm); Đại úy lên Thiếu tá (4 năm); Thiếu tá lên Trung tá (4 năm); Trung tá lên Thượng tá (4 năm); Thượng tá lên Đại tá (4 năm); Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân (tối thiểu là 4 năm); Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân (tối thiểu là 4 năm); Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên Thượng tướng, Đô đốc Hải quân (tối thiểu là 4 năm); Thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên Đại tướng (tối thiểu là 4 năm). Đội ngũ sĩ quan đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lí thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; được chia thành hai ngạch (tại ngũ, dự bị) và phân thành 5 nhóm ngành (chỉ huy, tham mưu; chính trị; hậu cần; kỹ thuật; chuyên môn khác). Nguồn bổ sung cho đội ngũ Sĩ quantại ngũ: sĩ quan dự bị; hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường đào tạo Sĩ quanhoặc các trường đại học ngoài quân đội; hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu; quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên được điều động vào phục vụ trong quân đội đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của Sĩ quanphụ thuộc theo cấp bậc quân hàm: cấp úy (nam 46, nữ 46); thiếu tá (nam 48, nữ 48); trung tá (nam 51, nữ 51); thượng tá (nam 54, nữ 54); đại tá (nam 57, nữ 55); cấp tướng (nam 60, nữ 55); trường hợp đặc biệt có thể được kéo dài hơn. Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm. Hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của Sĩ quandự bị phụ thuộc theo cấp bậc quân hàm: cấp úy (51); thiếu tá (53); trung tá (56); thượng tá (57); đại tá (60); cấp tướng (63). Về quan hệ cấp bậc, chức vụ: Sĩ quancó cấp bậc quân hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan có cấp bậc quân hàm thấp hơn; Sĩ quancó chức vụ cao hơn là cấp trên của sĩ quan thuộc quyền (không phụ thuộc cấp bậc quân hàm). Chế độ phục vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của Sĩ quanđược quy định trong Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản pháp quy của Nhà nước. (874 chữ).

Tài liệu than khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
  3. Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2019.