Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sân khấu dân gian
Tập tin:Một cảnh trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính.jpg
Một cảnh trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính

Sân khấu dân gian là hình thức biểu diễn kịch truyền thống không có sự phân tách rõ ràng giữa người diễn và người xem trong không gian trình diễn. Nơi trình diễn, hay “sân khấu” như ngôn ngữ hiện đại đã gọi, được thiết lập không cố định và trang trí đơn giản, mang tính tượng trưng. sân khấu dân gian không có soạn giả duy nhất, khán giả vừa là người thưởng thức vừa là giám khảo. sân khấu dân gian còn được gọi là sân khấu dân gian truyền thống, sân khấu kịch hát dân tộc, sân khấu kịch hát truyền thống. Các thể loại còn lưu truyền đến nay có chèo, tuồng, múa rối nước (hay trò rối nước) của người Kinh (Việt), múa rối cạn dá hai (hay kịch hát dá hai) của người Nùng ở vùng núi phía Bắc, rô-băm của người Khơ Me ở Nam Bộ.

Chèo và tuồng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hay múa rối nước vùng đồng trũng Bắc Bộ ra đời từ sớm, khoảng thế kỷ XI-XII, nhưng vài thế kỷ sau mới định hình; dá hai của người Nùng ở vùng núi phía Bắc Việt Nam (chủ yếu ở Cao Bằng) do người Minh Hương (Trung Quốc) mang tới từ thế kỷ XVII, có nguồn gốc từ Việt kịch kết hợp với kịch rối gỗ “Mộc Thầu hí”, dần dần được bản địa hóa. Tên gọi “dá hai” được cho là xuất phát từ tiếng xuýt xoa của người kể chuyện lúc điều khiển rối. Rô-băm của người Khơ Me ở Nam Bộ là tiếp thu từ rô-băm của người Khmer ở Căm-Pu-Chia, vốn xuất xứ từ sân khấu Ấn Độ hình thành vào thế kỷ I-II sau công nguyên, chỉ dùng diễn viên nữ. Cuối thế kỷ XIX, rô-băm ở Nam Bộ được địa phương hóa và dân gian hóa, nhưng vẫn giữ lại tính chất huyền thoại và trữ tình vốn có. Nó đã vượt khỏi khuôn khổ sử thi và cung đình để hòa vào đời sống thế sự, gần gũi với người bình dân, có thêm những tình tiết mới và thêm nhân vật hề do đàn ông biểu diễn.

Với chèo và tuồng, sân khấu có thể được lập trên mảnh ruộng khô, tại sân rộng của nhà giàu hay trên chiếu đại trước sân đình làng. Người ta dùng tấm vải hoặc chiếc chiếu che đằng sau làm phông hậu, xung quanh để trống tạo thành một sân khấu ba chiều mà người xem có thể ngồi ở đó thưởng thức buổi diễn. Kiểu sân khấu không cố định và được lập ngoài trời, không cảnh trí, không ánh sáng màu sắc, mà chỉ dựa vào khung cảnh thiên nhiên, đã tạo nên một thế giới tưởng tượng không giới hạn cho người xem. Sân khấu múa rối nước lại là mặt nước của ao đình (khi vào hội làng), hoặc bất kỳ ao hồ nào trong làng. Người ta dùng chiếu, vải làm màn che ngăn cách giữa sàn diễn và người điều khiển con rối ở phía sau.

Nơi trình diễn dá hai là khung chòi bằng gỗ hoặc tre, cách mặt đất khoảng 0,8m, mái lợp cót hoặc mo tre, diện tích khoảng 4m2. Phía mái chòi có rèm phủ xuống khoảng 0,6m, phía sau có phông vải che và có hai tấm ván kê cao hơn mặt đất 0,4m làm hành lang di chuyển của người điều khiển rối. Với rô-băm, sân khấu có thể được dựng trên sân gạch hay sân đất và được phân biệt bởi một vài phông màn và cảnh trí đơn giản, mô phỏng khung cảnh cung đình hoặc khu rừng.

Vở diễn của và nội dung của sân khấu dân gian được tạo ra từ tích (hay điển tích, sự tích) hoặc trò (mảng trò), phản ánh hiện thực đời sống xã hội, tôn giáo- tín ngưỡng, các chuẩn mực đạo đức. Nội dung vở diễn thường được điều chỉnh qua các thế hệ nghệ nhân. Các vở chèo, tuồng, hay rối nước thường cổ vũ tinh thần chính nghĩa, đề cao tinh thần thượng võ, dân chủ, sự đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng, ghét gian tà, chống quan liêu, cường hào, ăn bám, dâm ô, mê tín dị đoan. Vở diễn đều gồm nhiều mảng trò ghép lại và có cấu trúc mở. Các mảng trò có tính độc lập tương đối, có thể tách riêng trình diễn tùy theo điều kiện vật chất của làng khi mời nhóm kịch hát đến diễn. Với cấu trúc mở, nghệ nhân có thể ứng tác hay kéo dài, co hẹp nội dung mảng trò dựa trên cơ sở tương tác với khán giả trong đêm diễn. Chẳng hạn, vở chèo Quan Âm Thị Kính gồm nhiều mảng trò: Thiện Sĩ hỏi vợ, Thị Kính cắt râu chồng, Thị Mầu lên chùa, Thị Mầu dụ nô, Mẹ Đốp- Xã trưởng, Việc làng,...; hay vở tuồng Sơn hậu cũng gồm nhiều mảng trò: Phàn Định Công đề cờ, Kim Lân cứu ấu chúa cùng thứ phi, Kim Lân biệt mẹ, Ôn Đình chém Tá, Ngọn đèn Khương Linh Tá,...; Hay rối nước có các trò: câu ếch, cáo bắt vịt, việc nhà nông, đánh võ, đấu vật, rước kiệu, chọi trâu,v.v.. Tất cả đều có thể dùng để diễn nhiều đêm, thu hút hơn với người xem vì tò mò những diễn biến tiếp theo, cũng như khích lệ nghệ nhân có thêm sáng tạo.

Dá hai - “mộc thầu hí” khi được bản địa hóa đã có sự cải biến trong các tích diễn, hòa đồng với dân ca Tày, Nùng thành ca kịch dân gian tổng hợp. Khoảng giữa thế kỷ XX, các vở diễn ra đời và nay đã thành các vở diễn cổ như: Hoa Mộc Lan tòng quân, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Voòng Loòng hú ký (giống Lưu Bình - Dương Lễ), Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Lão Lai (trích Nhị thập tứ hiếu),...

Rô-băm có nội dung thường nói tới vua chúa và cuộc sống cung đình, hoặc khai thác các đề tài từ Phật giáo Tiểu thừa hay đạo Bà la môn, hoặc mang tính sử thi như trường ca Riêm-kê được phóng tác từ sử thi Raymayana của Ấn Độ. Cốt truyện thường theo mô típ thiện và ác, thiện luôn thắng ác, dần được bản địa hóa với các nhân vật điển hình như nàng Sita, chằn Krông Reap, thần khỉ Hanuman, hoàng tử Chinh Na Vông, thần dân Ratana Vông, Linh Thuônh,... ông lão, bà lão, đặc biệt là vai hề dẫn truyện và mua vui cho khán giả.

Nghệ thuật trình diễn được thay đổi theo nhu cầu thẩm mỹ đương thời của cộng đồng. Chèo, tuồng và rối nước có lối diễn ước lệ, tượng trưng, tính cách điệu cao, tả ý không tả thực. Nội dung vở diễn không phân biệt bi, hài mà hòa quện giữa nhiều cảm xúc như: mừng rỡ, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, căm ghét, ham muốn (thất tình: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục).

Với Dá hai, nghệ thuật trình diễn là sự kết hợp những động tác rối dây và những câu hát kể chuyện về những mưu sinh của người Nùng. Đội nhạc công thường là ba người ngồi cạnh sân khấu dùng nhị, sáo, trống, mõ, não bạt để tấu lên những khúc nhạc tương ứng với lời kể chuyện.

Nghệ thuật biểu đạt rô-băm là sự kết hợp hài hòa nhiều yếu tố gồm múa, kịch câm, hát nói, âm nhạc, mặt nạ. Nổi bật là các động tác múa nên nó còn được gọi là sân khấu kịch múa rô-băm. Nhạc cụ sử dụng cho sân khấu rô-băm có kèn (scolai ron), trống (gồm: trống gọi sam-phô; trống trả lời s’kô chớt) và cồng. Trang trí cho các nhân vật rất phong phú, từ các mặt nạ đến trang phục. Có cả hệ thống mặt nạ về chằn, khỉ, chim thần, hay các con vật ở trong rừng... với hình dáng, kích cỡ và màu sắc khác nhau, tùy theo tính cách của nhân vật. Trang phục của các đạo sĩ, vua, hoàng tử, công chúa hay nhân vật hề cũng vậy, đều có màu sắc rực rỡ, nhiều kiểu dáng, chưa kể tới những chiếc mũ được tạo hình và trang trí màu sắc và họa tiết cầu kỳ.

Đầu thế kỷ XX, sân khấu dù- kê ra đời trên nền tảng của rô-băm Nam Bộ để phù hợp hơn với nhu cầu văn hóa tinh thần và thẩm mỹ hiện đại. Dù-kê vẫn bảo lưu ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng là kết hợp giữa múa, hát nói, âm nhạc, mặt nạ.

Hiện tại, sân khấu dân gian đã mai một nhiều nhưng các loại hình vẫn đang được khôi phục và bảo tồn bằng việc hình thành các nhà hát về chèo, tuồng, múa rối nước, đoàn nghệ thuật rô-băm,... Nơi trình diễn cố định hay sự phân tách rõ ràng giữa người diễn và khán thính giả đã theo khuôn mẫu của sân khấu hiện đại, hơi thở thời đại cũng được đưa vào những sáng tác mới của sân khấu dân gian. Các loại hình của sân khấu dân gian đã được xếp vào Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam, là những bộ môn được đào tạo trong nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hà Đình Thành, Văn hóa dân gian Tày, Nùng ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.
  2. Nguyễn Ngọc Phương, Đạo diễn với kịch hát dân tộc, Nxb. Sân khấu, Hà Nội, 2011.
  3. Nguyễn Tất Thắng, Những mảng trò hay, Nxb. Sân khấu, Hà Nội, 2011.
  4. Đàm Văn Hiển- Trần Văn Bôn- Lê Hàm, Sân khấu dân gian, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012.