Mục từ này cần được bình duyệt
Sách hướng dẫn du lịch

ấn phẩm cung cấp toàn diện hay một phần thông tin về các điểm đến, các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ, các hoạt động du lịch và giá cả các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu di chuyển của các tầng lớp xã hội. Giá trị của mỗi cuốn SHDDL tùy thuộc vào chất lượng thông tin, độ bao phủ của thông tin, khả năng cập nhật dữ liệu và sự phù hợp với các nhu cầu khác nhau của lớp các người sử dụng. SHDDL là một công cụ hỗ trợ cho khách du lịch, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc quan tâm đến du lịch. Ban đầu SHDDL xuất hiện dưới dạng ấn phẩm in hoặc viết tay trên giấy, da, vải,… đóng thành sách hay các tờ rời, sau này SHDDL đa dạng hơn với nhiều hình thức khác nhau như sách in, sách tranh, tập bản đồ, trang thông tin điện tử, thông tin trên các phương tiện media, trong các cơ sở dữ liệu (data base), các cơ sở dữ liệu lớn (big data). Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã mang lại sự thay đổi to lớn trong việc xây dựng, cập nhật và phổ biến sách hướng dẫn.

SHDDL có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, nó gắn liền với sự phát triển của nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa của xã hội loài người. Theo De Beer (1952), SHDDL khởi nguồn từ 4 thể loại sách, đó là sách lịch sử và địa lý, sách mô tả các hành trình và con đường, sách giới thiệu về các địa phương và các cuốn tự truyện, hồi ký mô tả về các cuộc thăm quan, khảo sát, thám hiểm. Ở Châu Âu, sách lịch sử, địa lý kết hợp mô tả điểm đến đã xuất hiện sớm từ thời Hy Lạp cổ đại và phát triển ở thời Phục Hưng. Những cuộc chinh phục dưới thời Đế chế La Mã, các cuộc hành hương về Jerusalem, về Rome và các trung tâm tôn giáo đã xuất hiện nhu cầu cung cấp danh sách và đặc điểm của các điểm đi trên hành trình. Khi thương mại phát triển, nhu cầu chuyên chở hàng hóa giữa các vùng tăng cao, xuất hiện các sách mô tả về các tuyến đường của Châu Âu. Ví dụ La Guide des Chemins de France” của Charles Estienne (năm 1552), “European Mercury” của James Wadworth (1641). Đến thế kỷ 18, khi ở Châu Âu, du lịch bắt đầu tăng trưởng, khách du lịch yêu cầu phải có thêm thông tin về nghệ thuật, kiến trúc và các kỳ quan, thông tin chi tiết về chỗ ở, đường đi, phương tiện vận chuyển và các dịch vụ phục vụ nhu cầu của con người. Nhu cầu này đã tạo điều kiện cho SHDDLcó những thay đổi cơ bản về nội dung, bao gồm các thông tin cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các chuyến đi.

Thể loại sách thứ ba ảnh hưởng đến SHDDL là các cuốn nhật ký, hồi ký và tự truyện về các chuyến đi. Ngoài các thông tin, liên quan đến các điểm đến, loại sách này còn nâng tầm văn chương cho các sách hướng dẫn khi đưa vào các cảm nhận, các mô tả về vẻ đẹp, sự hấp dẫn của các cảnh quan và văn hóa truyền thống của các vùng miền. Thể loại sách thứ bốn ảnh hưởng đến SHDDL là sách giới thiệu về các địa phương, đặc biệt là các thành phố, thị trấn, các vùng du lịch, các vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử hoặc các ngành kinh tế đặc thù. Sự kết hợp giữa các nguồn thông tin, tư liệu nói trên đã tạo ra sự đa dạng của SHDDL.

Ở Việt Nam, từ thời Trần đã xuất hiện các cuốn sách lịch sử địa lý như Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu (soạn năm 1272), sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (soạn năm 1435) mô tả về lịch sử và địa lý các vùng đất của Việt Nam cho đến thời điểm đó. Đến các thế kỷ sau, cuốn Vân đài loại ngữ gồm 9 quyển của Lê Quý Đôn soạn năm 1773 đã cung cấp một cách có hệ thống thông tin về lịch sử, địa lý, văn nghệ, ngôn ngữ, điều lệ, chế độ, sản vật tự nhiên... của Việt Nam. Sách ghi chép các chuyến đi có Thượng kinh Ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1782), mô tả chuyến đi từ Hà Tĩnh ra Thăng Long, ghi chép và mô tả các phong cảnh, phong tục tập quán mỗi vùng, sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ ghi chép về các danh nhân, các danh thắng, khảo cứu về địa lý, phong tục tập quán, về văn hóa học thuật, hoa, trà, âm nhạc,.... Những ghi chép đó thể hiện tình yêu đất nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và khuyến khích người dân tìm hiểu, khám phá các danh thắng, các hoạt động văn hóa lễ hội truyền thống của đất nước. Từ thế kỷ 19, đã xuất hiện một số tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ, một số tờ báo tiếng Việt, mở ra cơ hội cho sự ra đời các loại sách lịch sử, địa lý, sách giới thiệu danh lam thắng cảnh và văn hóa truyền thống, lễ hội, ẩm thực. Tuy nhiên SHDDL theo đúng nghĩa chỉ xuất hiện khi ngành Du lịch Việt Nam ra đời. Trong giai đoạn 1960 – 1995, một số công ty du lịch đã xuất bản các tài liệu hướng dẫn, giới thiệu các chương trình du lịch, các điểm du lịch. Giai đoạn sau 1995, khi Du lịch Việt Nam bắt đầu phát triển, SHDDL đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đi tiên phong trong việc xuất bản SHDDL là Trung tâm Công nghệ thông tin Du lịch với sách Hướng dẫn tiếng Anh (1), tiếng Pháp (2), sách Bản đồ Du lịch. SHDDL nổi bật trong giai đoạn này là Non nước Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1998, hàng năm được tái bản có bổ sung và trong nhiều năm, Non nước Việt Nam trở thành cẩm nang của các nhà Lữ hành, các Hướng dẫn viên du lịch và là tài liệu giảng dạy trong các trường du lịch. Sách được phổ cập rộng rãi trong nước và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Từ những năm 1990, để thu hút đầu tư và khách du lịch, nhiều tỉnh, thành phố và các địa phương có tài nguyên du lịch đã xuất bản SHDDL nhằm giới thiệu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, tình hình kinh tế xã hội và cung cấp thông tin cần thiết về dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú, vận chuyển và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh các SHDDL do Việt Nam biên soạn, đã xuất hiện các SHDDL về Việt Nam do các cá nhân và tổ chức nước ngoài biên soạn và xuất bản như cuốn “Vietnam” do Lonely Planet - nhà xuất bản SHDDL hàng đầu thế giới xuất bản (8/2014), cuốn “To Vietnam with love: A Travel guide for the Connoisseur của Kim Fay và Julie Fay Ashborn (6/2008), “Eating Vietnam: Dispaches from a blue Plastic Table” của Graham Holiday (3/2015),... Cùng với nhiều nguồn thông tin khác, các SHDDL đã góp phần tích cực giới thiệu với thế giới về đất nước Việt Nam giàu tài nguyên du lịch, có truyền thống văn hóa lâu đời, có con người thân thiện và mến khách.

Tài liệu tham khảo:

1. Jafar Jafari,Encyclopedia of Tourism, NXB Routledge, 2000.

2. Vũ Thế Bình, Non nước Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2017.

3. Vietnam Tourism Guidebook, Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch, Hà Nội, 2000.

4. Vietnam Guide Touristique, Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch,Hà Nội, 1998.

5. Vietnam Travel Atlas, Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch, Hà Nội, 2000.