Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sách cắt gan

Sách cắt gan

Tác giả: Tôn Thất Tùng (1912-1982)[sửa]

Sách cắt gan trình bày kỹ thuật cắt gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Về chủ đề này tác giả xuất bản 3 cuốn sách.

Đầu tiên là cuốn “Chirurgie d,éxerèse du foie” (phẫu thuật cắt gan) xuất bản năm 1962 tại Nhà xuất bản ngoại văn Hà Nội (Editions en langues étrangères), phát hành bởi Masson edit. Paris, Pháp. Cuốn Phẫu thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng được NXB Masson phát hành ở Pháp, sau đó được dịch in ở Nga, năm 1985 được in ở Ý.

Kết cấu, bố cục của tác phẩm[sửa]

Sách in bằng tiếng Pháp khổ 14 x19, dày 334 trang, với phần introduction và 13 chương nội dung đề cập đến giải phẫu các cấu trúc trong gan (đường mật, động mạch gan, tĩnh mạch cửa, hệ tĩnh mạch trên gan và phân chia thuỳ gan) và kỹ thuật cắt gan theo phương pháp tìm và kiểm soát các cuống mạch trong gan trước khi cắt. Sách có 186 tài liệu tham khảo.

Năm 1971 Tôn Thất Tùng viết cuốn sách cắt gan bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật xuất bản. Sách dày 294 trang, khổ 15 x22. Sách trình bày những kinh nghiệm và kỹ thuật mới về phương pháp cắt gan của tác giả: cơ sở căn bản của phẫu thuật gan, quá trình phát triển của phẫu thuật gan và những kỹ thuật cắt gan, một số vấn đề đặc biệt của cắt gan, những chỉ định đặc biệt cho phẫu thuật gan. Trong sách có số liệu những ca cắt gan từ 1.1960 đến 7.1970 với 448 cắt gan bao gồm 216 trường hợp áp xe đường mật do giun, sỏi đường mật, 129 trường hợp ung thư gan, 74 trường hợp sỏi trong gan và 29 trường hợp u lành của gan. Sách có 202 tài liệu tham khảo.

Cuốn sách "Les Résections majeures et mineures du foie" (Phẫu thuật cắt gan lớn và nhỏ) được Nhà xuất bản Masson edition (Paris, Pháp) ấn hành năm 1979. Sách dày 142 trang khổ 24 x16. Sách trình bày các kỹ thuật cắt gan của tác giả dựa trên kinh nghiêm 715 phẫu thuật cắt gan trong đó 230 cắt gan lớn (114 cắt gan phải hoặc cắt thuỳ phải), 485 cắt gan nhỏ với 305 cắt phân thuỳ gan và 176 cắt hạ phân thuỳ gan. Sách có 113 tài liệu tham khảo.

Nội dung tác phẩm[sửa]

Sau khi cuốn sách "Les Résections majeures et mineures du foie" được xuất bản, nó đã gây tiếng vang lớn trong giới phẫu thuật trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá của các nhà khoa học. Người ta gọi phương pháp cắt gan này là Phương pháp cắt gan khô hay Phương pháp Tôn Thất Tùng. Thậm chí, năm 1984, khi tái bản cuốn sách này, người ta còn định đổi tên nó thành Phương pháp mổ cắt gan theo trường phái Hà Nội.

Giáo sư Maleguy, một chuyên gia phẫu thuật nổi tiếng người Pháp đã viết trong tạp chí Lyon chirurgicale 1964. “Trường đại học y khoa Hà nội có thể tự hào đã có hai tinh hoa trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu đầu tiên về cơ cấu các mạch máu trong gan, hai là đầu tiên đã cắt gan có kế hoạch”.

Bản thảo sách Les Résections majeures et mineures du foie đang lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được gia đình GS Tôn Thất Tùng trao tặng tháng 5-2012.

Kỹ thuật cắt gan Tôn Thất Tùng được hình thành dựa trên ý tưởng khi ông thực hiện phẫu tích các mạch máu và đường mật trong gan bằng việc nạo tổ chức gan với 1 cái nạo xương khi đang là nội trú bệnh viện Phủ doãn từ năm 1935 đến năm 1937. Trên cơ sở đó năm 1939, ông đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “La vasculation veineuse du foie et ses applications aux résections hépatiques”. Sau đó ông đã cùng thầy mình là Giáo sư Mayer May thực hiện thành công ca cắt gan trái do khối u. Ca bệnh này đã được gửi tới báo cáo tại Viện hàn lâm phẫu thuật Paris nhưng không nhận được sự ủng hộ. Trong những năm 1950, Lotat Jacob đã đưa ra phương pháp cắt gan có kế hoạch với việc thắt trước các cuống mạch máu và đường mật ở ngoài gan của phần gan sẽ cắt bỏ. Do nhiều nguyên nhân nhất là vì chiến trang ác liệt, chỉ tới năm 1961 Tôn Thất Tùng mới trở lại thực hiện ca mổ cắt gan phải đầu tiên bằng kỹ thuật của mình, ca mổ đã thành công ngoài mong đợi và trong một năm sau đó, ông tiến hành thêm 50 trường hợp khác. Năm 1963, Tôn Thất Tùng công bố phương pháp cắt gan mới trên tờ The Lancet ở London và đã gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới trong lĩnh vực Y khoa. Báo chí nước ngoài gọi đó là "Phương pháp cắt gan mới" (sau này còn được gọi là “Phương pháp Tôn Thất Tùng”). Phương pháp Lortat Jacob chú ý vào tìm các mạch máu ở ngoài gan trước khi cắt. Điều này rất khó vì các mạch máu ở ngoài gan quá ngắn, hay thay đổi vị trí và chỉ cho phép cắt gan lớn. Tôn Thất Tùng đưa ra giải pháp tìm và thắt trước các mạch máu và đường mật từ trong gan ra, theo những khe không chảy máu. Các mạch máu ở trong gan hằng định, dài để tìm kiếm bằng ngón tay của người làm phẫu thuật. Kỹ thuật này cho phép phẫu thuật thực hiện nhanh hơn và đặc biệt là cho phép cắt gan nhỏ mà phương pháp Lotat Jacob không thể thực hiện được.

Giải thưởng[sửa]

Với kỹ thuật cắt gan của mình, năm 1977 GS Tôn Thất Tùng được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương Lannelongue - Huy chương chỉ tặng 5 năm một lần cho người phẫu thuật giỏi nhất.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tôn thất tùng. la vasculation veineuse du foie et ses applications aux résections hépatiques. Thése hanoi 1939.
  2. Tôn thất tùng. Chirurgie d,exérèse du foie. Editions en langues etrangeres. Hanoi 1962. Masson edit. Paris 1962.
  3. Tôn Thất Tùng. Cắt gan. Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Hà nội 1971.
  4. Les Résections majeures et mineures du foie. Mason Paris 1979.