Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Robert Owen
Robert Owen (1771-1858)

Robert Owen (1771 - 1858) là một doanh nhân, nhà từ thiện và là nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng hành động người Anh.

Tiểu sử[sửa]

Sinh ngày 14. 5.1771 tại Newtown, vùng Mongomery thuộc xứ Wale, là con trai thứ sáu, trong một gia đình có bảy người con. Cha của Robert Owen là chủ xưởng rèn sắt, kiêm người quản lý bưu điện của thị trấn Newtown.

Từ nhỏ, Robert Owen tỏ ra là một học sinh đặc biệt xuất sắc, có thể trợ giúp dạy những đứa trẻ khác khi mới lên bảy và đã đọc hầu hết các tác phẩm kinh điển trước mười tuổi. Năm mười tuổi, cha của Robert Owen, cho ông thôi học ở trường để học việc tại một cửa hàng kinh doanh vải và quần áo ở Newtown. Mặc dù việc học chính thức ở trường không dài, nhưng vẫn đủ để Robert Owen tự học suốt đời và có những thành công trong kinh doanh và sự nghiệp.

Năm 1786, khi mới mười lăm tuổi, Robert Owen đã đến Manchester, đúng vào thời kỳ cách mạng công nghiệp đang diễn ra sôi động trong ngành dệt. Ông tin các máy móc mới sẽ đem đến tương lai cho ngành dệt. Vì thế, năm 1789, khi mới mười tám tuổi, Robert Owen đã vay anh trai 100 bảng Anh để đầu tư kinh doanh sản xuất máy dệt sợi. Năm 1792, ông làm quản lý cho nhà máy kéo sợi Chorton Twist chạy bằng hơi nước hiện đại, có tới 500 công nhân, sản xuất sợi bông chất lượng cao. Tại đây, Robert Owen gặp gỡ nhiều doanh nhân ngành dệt, trong đó có David Dale, chủ của bốn nhà máy dệt ở New Lanark (Scotland). Năm 1799, ông kết hôn với Caroline, con gái của Dale và trở thành người quản lý nhà máy dệt New Lanak. Trong thời gian quản lý nhà máy, Robert Owen đã tự nghiên cứu kinh tế và chính trị học. Với khả năng trí tuệ nhạy bén kết hợp với môi trường hoạt động thực tiễn, ông đã làm nhiều việc để cải thiện điều kiện lao động và đời sống của công nhân tại nhà máy của mình. Ông có những suy nghĩ sâu sắc về xã hội tư bản và những dự định cải tạo xã hội đó và chuyển dần từ chủ nghĩa từ thiện sang chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Tư tưởng[sửa]

Tư tưởng của Robert Owen được thể hiện trong những tác phẩm được ông viết từ năm 1812 đến năm 1849. Nổi bật trong số các tác phẩm đó là: Báo cáo về xí nghiệp ở New Lanak (1812), Quan điểm mới về xã hội hay tiểu luận về nguồn gốc của sự hình thành đặc tính nhân loại (1814), Thế giới đạo đức mới (1844), Cách mạng trong ý thức và hoạt động của nhân loại (1849), Tự thuật cuộc đời của Robert Owen (1857). Qua các tác phẩm này, ông phê phán những cơ sở của chế độ tư bản chủ nghĩa như: chế độ tư hữu, kết cấu giai cấp xã hội, sự bần cùng hóa nhân dân lao động. Ông đánh giá khá đúng đắn ý nghĩa to lớn của sự phát triển lực lượng sản xuất trong thời đại cách mạng công nghiệp. Robert Owen cho rằng chế độ tư hữu là nhân tố duy trì và tăng cường sự suy đồi về đạo đức của các giai cấp trong xã hội; là nguyên nhân của thù hằn và đấu tranh giữa các dân tộc. Ông cũng có thái độ phủ định gay gắt với Giáo hội Công giáo và chế độ hôn nhân tư sản. Từ đó Robert Owen đưa ra những dự định về việc xây dựng một xã hội mới. Đó là xã hội vận hành hợp lý theo nguyên tắc sở hữu chung và lao động chung, kết hợp lao động trí óc và chân tay, sự phát triển toàn diện của cá nhân, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Xã hội không có giai cấp ấy là một liên minh tự do của các công xã tự quản. Mỗi công xã đó có từ 300 đến 2000 người.

Robert Owen quan niệm rằng, việc chuyển từ xã hội tư bản sang xã hội mới (tức là xã hội xã hội chủ nghĩa) không thể thực hiện bằng bạo lực mà bằng sự đổi mới trong ý thức con người do kết quả của sự giáo dục và sự tự thay đổi của các chính phủ tư sản. Chính những quan điểm này làm cho học thuyết của Robert Owen rơi vào không tưởng.

Không dừng lại ở việc nêu ra lý thuyết, Robert Owen đã thực thi những ý tưởng này trong thực tế; dự án được gửi cho chính phủ tư sản nhiều nước nhưng không được đáp lại. Năm 1825, Robert Owen cùng bốn con trai và những người tự nguyện sang Mỹ thành lập các công xã với tên gọi Sự hòa hợp mới ở New Harmony. Tuy nhiên, sau vài năm tồn tại, công xã của ông hoàn toàn bị phá sản. Năm 1829, Robert Owen trở về nước Anh và tham gia vào các hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn và các hợp tác xã lao động Anh.

Năm 1832, Robert Owen xuất bản tạp chí Khủng hoảng nhằm mục đích tuyên truyền cho tư tưởng hợp tác xã và các cửa hàng trao đổi hàng hóa trong xã hội tương lai. Ông cũng thành lập một cửa hàng có tính chất toàn quốc để trao đổi sản phẩm trên cơ sở đánh giá kết quả lao động. Nhưng, cửa hàng của ông đã phải ngừng hoạt động, khi ông phải bù lỗ quá nhiều.

Là người đề xướng học thuyết về một xã hội mới và can đảm thực hiện trong thực tế, nhưng nội dung tư tưởng của Robert Owen mang tính chất tư duy siêu hình. Đặc biệt ông đã quan niệm rất sai lầm khi cho rằng đấu tranh giai cấp là kết quả của sự dốt nát của quần chúng. Chính quan niệm đó là một trong những lý do làm cho tư tưởng của Robert Owen ít có ảnh hưởng tới công nhân. Mặc dù có những hạn chế, nhưng tư tưởng của ông vẫn có giá trị to lớn, là một trong những tiền đề lý luận quan trọng để Marx và Engels tiếp thu có phê phán, xây dựng nên học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Arthur.L.Morton, The Life and Ideas of Robert Owen (Cuộc đời và tư tưởng của Robert Owen), International Publishers, New York, 1978.
  2. Noel Thompson, Chris Williams, Robert Owen and His Legacy (Robert Owen và cống hiến của ông), University of Wales Press, 2012.
  3. Douglas F. Dowd, Robert Owen, https://www.britannica.com/biography/Robert-Owen, truy cập ngày 22.7.2021