Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Rama V
Vua Rama V

Rama V (1853 - 1910) là một trong những ông vua kiệt xuất của Thái Lan, người có đầu óc cấp tiến, đã tháo gỡ những ràng buộc của các hiệp ước không bình đẳng trước đó, đẩy mạnh cải cách theo hướng “mở cửa” của vua cha, lấy đó để bảo vệ và phát triển đất nước, được thần dân gọi là “Đại vương thành kính”.

Rama V có tên hoàng gia là Phra Chula Chomklao Chaoyuhua, còn được gọi là Chulalongkorn Đại đế, sinh ngày 20.9.1853 tại Bangkok, là vị vua thứ năm của vương triều Chakri trong lịch sử Thái Lan, là con trai trưởng của vua Mongkut và vương hậu Debsirinda. Rama V có 33 con trai và 44 con gái.

Rama V được vua cha cho học rộng, bao gồm cả học vấn từ những gia sư người châu Âu. Kế vị ngôi vua ngày 1.10.1868, nhưng khi ấy Chulalongkorn còn quá trẻ nên được thừa tướng Chao Praya Si Suriyawongse làm nhiếp chính trong 4 năm. Đây lại là cơ hội ông thực hiện chuyến công du sang các nước láng giềng, như Malaysia, Mianma, Inonesia, Ấn Độ để tìm hiểu thể chế chính trị theo kiểu phương Đông trước khi thực hiện chuyến công du sang phương Tây. Trong thời gian trị vì, ông công du hai lần sang châu Âu (1897,1907), là vị vua đầu tiên của Xiêm viếng thăm châu Âu. Qua những chuyến công du phương Tây vào những thời điểm khác nhau, ông học được nhiều chính sách cải cách cũng như tiếp nhận những thành tựu mới từ nền khoa học tiên tiến nhằm thực hiện ý tưởng hiện đại hóa đất nước mình. Nhờ tài ngoại giao khéo léo, ông đã xây dựng được nhiều mối quan hệ hữu ích với một số nước có nền công nghiệp hiện đại, tận dụng thế mạnh chuyên gia ngành nghề của họ vào việc cải tổ bộ máy nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.

Cuộc cải cách của Chulalongkorn khá toàn diện trên các lĩnh vực. Công việc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là ban hành sắc lệnh xóa bỏ chế độ nô lệ đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1874, xóa bỏ chế độ nô lệ vì nợ; năm 1899, xóa bỏ chế độ lao dịch cho Nhà nước.

Nhà vua cho xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích các nhà đầu tư vào Xiêm. Việc đầu tiên của ông là xây dựng hệ thống thông tin và bưu điện. Vào cuối thế kỷ XIX, Bangkok bắt đầu có mạng lưới thông tin bằng điện thoại. Năm 1887, hệ thống xe điện thay thế dần xe kéo tay, một nhà máy điện nhỏ ra đời cùng với sự hình thành hệ thống đường ray xe lửa do chuyên gia Đức giúp đỡ. Xa lộ chính ở Bangkok với nhiều luồng xe được mở rộng. Dọc, ngang thủ đô các con kênh rạch được nạo vét tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy thuận tiện và cùng với cảnh quan mới về một thành phố thương mại tấp nập. Vì thế, thời đó, Bangkok mặc nhiên được coi là Venise phương Đông dưới con mắt của người phương Tây. Giao thông phát triển kéo theo nền kinh tế công thương nghiệp khởi sắc. Nhà cao tầng và các cửa hàng mọc lên hàng loạt tạo thành các dãy phố buôn bán sầm uất.

Về hành chính, Chulalongkorn cho xóa bỏ chế độ thầu thuế, thành lập Bộ Tài chính (1892). Nhân viên Nhà nước đảm nhận việc thu thu thuế. Ngân sách hoàng gia tách khỏi ngân sách quốc gia. Cơ quan hành pháp được thay thế bằng Hội đồng Chính phủ gồm 12 bộ trưởng. Các bộ trưởng thường là những người Tây học. Từ năm 1894, đất nước được chia thành 18 vùng, mỗi vùng chia thành nhiều tỉnh, dưới tỉnh là huyện, xã, thôn, xóm. Mỗi thôn, xóm bầu ra trưởng thôn do tỉnh duyệt. Năm 1902, Rama V quyết định thành lập trường đào tạo về chính trị cho các thành viên hoàng gia, giúp họ có thể đảm nhận chức năng quản lý sau này.

Công tác giáo dục được Rama V rất chú trọng. Năm 1871, ông cho thành lập một trường dạy tiếng Anh, một trường dạy tiếng Xiêm cho con em hoàng gia và con em quý tộc. Năm 1885, nhà vua cho thành lập hệ thống trường học do Nhà nước quản lý và việc xây dựng trường học được đẩy nhanh, vì thế đông đả trẻ em được tới trường. Năm 1887, Bộ Giáo dục được thành lập. Rama V quan tâm đến nền giáo dục châu Âu. Năm 1898, ông cho công bố chương trình giáo dục đầu tiên ở Xiêm sau khi khảo sát ở châu Âu, thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, khuyến khích con em hoàng gia và con em dòng dõi quý tộc đi du học.

Về luật pháp, Rama V ban hành một số cải cách, như thành lập Hội đồng đặc trách xét xử với sự tham gia của nhiều ban, bộ khác nhau.Năm 1891, Bộ Tư pháp được thành lập.

Trong lĩnh vực quân sự, năm 1885, Bộ Chiến tranh cùng các trường quân đội và hải quân được thành lập. Năm 1887, Bộ Quốc phòng ra đời, quân đội được tổ chức theo kiểu châu Âu, các cố vấn quân sự người Anh được mời huấn luyện quân đội.

Vốn là người có đầu óc canh tân, Rama V mạnh dạn đưa văn hóa phương Tây đưa vào Xiêm, tiêu biểu là trong lĩnh vực văn học, trước tiên là tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch nói. Những năm đầu thế kỷ XX, ở Xiêm ngành in ấn hình thành. Cũng như các bậc tiền bối, Rama V đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nổi tiếng là tác phẩm Nghi lễ cung đình đến ngày nay vẫn được coi là một kiệt tác về văn hóa truyền thống của Thái Lan. Những ký sự hoặc ghi chép của ông qua những chuyến thị sát đất nước được đánh giá có giá trị cao về lịch sử.

Trên cơ sở thành tựu của công cuộc cải cách và lợi dụng vị trí “nước đệm” giữa hai thế lực được chính thức hóa bằng thỏa hiệp (1.1896) giữa Anh và Pháp, trong những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế Kỷ XX, Rama V cho mở chiến dịch ngoại giao nhằm xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng thời Mongkut. Ông được người dân Thái Lan nhắc đến không chỉ là một nhà vua vĩ đại, một nhà canh tân đất nước lỗi lạc, một nhà chính trị, nhà ngoại giao xuất sắc, mà còn là nhà văn, nhà thơ của thời kỳ mở cửa toàn diện mang tính lịch sử của Thái Lan cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ông tạ thế ngầy 23.10.1910, trị vì 42 năm. Ngày này được làm ngày nghỉ lễ trong năm của người dân Thái Lan.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, quyển III, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
  2. Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh,1995.
  3. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Từ điển tri thức lịch sử phổ thông thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.
  4. Lương Ninh, GS. NGND. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Tri thức Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
  5. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á – Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay (Xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Chính trị Quốc gia sự thât, Hà Nội, 2018.