Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Rama IV
Vua Rama IV

Rama IV (1804 - 1868) là một trong những vị vua tài ba của vương triều Chakri, là vị vua đầu tiên có đầu óc hướng ngoại và đặt nền móng cho tư tưởng canh tân của Rama V, có vai trò du nhập phương pháp luận khoa học và nền khoa học phương Tây vào Xiêm, cũng là cha đẻ của chính sách ngoại giao “cây tre” của Xiêm.

Rama IV, đế hiệu là Phra Bat Somdet Phra Poramenthra Maha Mongkut Phra Chom Klao Chao Yu Hua, là vị vua thứ IV của vương triều Chakri, sinh ngày 18.10.1804 ở Thonburi Palace, Bangkok và mất ngày 1.10.1868, trị vì từ năm 1851 đến năm 1868. Bố mẹ của ông là Rama II và hoàng hậu Srisuriyendra. Ông có con là Rama V, Savang Vadhana, Saovabha Phongsri, Damrong Rajanubhab.

Lúc nhỏ, được gọi là Mongkut, năm 1816, ông được phong là Phrabat Somdet Phra Poramen Maha Mongkut. Khi lên ngôi vua, ông lấy tên là Phra Chom Klao. Năm 13 tuổi, ông đi tu theo truyền thống của Xiêm, vừa học chữ vừa học đạo Phật như mọi trẻ em khác. Khi Rama II qua đời, theo truyền thống thì ông là người kế vị. Tuy nhiên, thời điểm này ông đang đi tu và người anh cùng cha khác mẹ với ông là Nangklao có ảnh hưởng và kinh nghiệm chính trị, đã lên ngôi, với vương hiệu là Rama III. Trong thời gian tu hành, ông tổ chức phong trào cải cách Thammayut Nikaya, phong trào này sau đó trở thành một trong hai phái của Phật giáo ở Xiêm. Cũng trong dịp này ông tích cực học tiếng Anh, tiếng Latinh qua các nhà truyền giáo và các thủy thủ nước ngoài. Ngày 3.4.1851, Rama III băng hà, nhưng các con ông không giữ được ngôi báu, mà ngai vàng thuộc về Mongkut với vương hiệu Rama IV.

Sống trong tu viện suốt 27 năm dưới thời Rama III, Mongkut có thời gian suy nghĩ xem sau này lên ngôi sẽ đưa đất nước phát triển như thế nào. Rama IV không phải là người đầu tiên ở Xiêm biết đến văn minh phương Tây, nhưng ông là người đầu tiên có tư tưởng hướng ngoại, cải cách và “mở cửa”, đưa nước Xiêm bước đầu đến ngưỡng cửa của sự đổi mới. Ông cũng là vị vua duy nhất của vương triều Chakri rất uyên thâm Phật học bởi ông có nhiều năm nghiên cứu bộ kinh Tam tạng.

Về đối nội, ông củng cố, “đổi mới” bộ máy chính quyền trung ương, bổ nhiệm những người có tư tưởng hoặc học vấn phương Tây vào các vị trí chủ chốt của chính phủ, loại bỏ “nhẹ nhàng” những người bảo thủ ra khỏi bộ máy nhà nước. Ông mở mang thủ đô Băng Cốc về phía đông, phát hành tiền tệ mới (tiền giấy) với đơn vị là đồng Bạt thay cho tiền ốc trước đó. Vốn thông thạo tiếng Anh, tiếng Pali và Sanskrit nên Rama IV cũng muốn con cháu của mình sớm có công cụ tiếp nhận văn minh phương Tây, do đó ông cho thuê chuyên gia ngôn ngữ và đưa các môn học hiện đại vào cung trực tiếp dạy các hoàng tử và công chúa khi bước vào tuổi đi học.

Cùng với việc cải tổ bộ máy chính quyền, Rama IV cũng đổi mới nền ngoại giao. Năm 1852, ông triển khai những bước đầu tiên trong việc cho phép xuất khẩu gạo đáp ứng yêu cầu của các nước phương Tây và hủy bỏ độc quyền xuất khẩu đường. Năm 1855, đại sứ John Bowring tới Xiêm đàm phán, ngay sau đó, ngày 18.4.1855, Hiệp ước Anh – Xiêm được ký kết. Đây là hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên đối với Xiêm. Tiếp đó, Xiêm đã lần lượt ký các hiệp ước tương tự như thế với Mỹ và Pháp (1856), với Đan Mạch (1858), Bồ Đào Nha (1859), Hà Lan (1860), Phổ (1862) và Thụy Điển, Na Uy, Italia, Bỉ (1868). Lúc bấy giờ, nhiều nước châu Á đang bị thực dân phương Tây xâm lược, không ít nước đã trở thành thuộc địa. Trong bối cảnh đó, để bảo vệ nền độc lập, không còn cách nào khác, Rama IV phải hành động như vậy, ông hoàn toàn ý thức được việc làm của mình. Vào năm 1867, qua một công lệnh gửi đại sứ Xiêm ở Paris, ông đã viết rằng, một quốc gia nhỏ bé như nước ông có thể làm được gì, khi mà từ hai mặt hoặc từ ba phía bị bao vây bởi một quốc gia hùng mạnh phương Tây. Ông giả sử rằng, nước ông phát hiện ra một mỏ vàng, cho phép Xiêm có thể mua được hàng trăm tàu chiến. Nhưng ngay cả số vàng như vậy, Xiêm cũng không thể đấu tranh chống lại họ, chừng nào chính nước ông phải mua của họ những tàu chiến ấy, trong khi Xiêm chưa có khả năng tự sản xuất được những thứ đó. Và thậm chí có đủ tiền để mua vũ khí, thì những nước phương Tây vào bất kỳ lúc nào cũng có thể ngừng bán những vũ khí đó, bởi họ hiểu rằng nước Xiêm vũ trang để chống lại họ. Ông cho rằng vũ khí duy nhất mà nước ông có và có thể áp dụng trong tương lai đó là những cái lưỡi (“miệng, lời nói”) và quả tim của mình,… Chỉ có chúng mới bảo vệ được nước Xiêm. Rama IV phải tạm thời lùi bước và sử dụng đường lối ngoại giao mềm dẻo. Trước thế lực mạnh bên ngoài, ông có sự lựa chọn đúng và hợp thời, hi sinh một số quyền lợi kinh tế, thậm chí cả một phần chính trị, nhưng cái được lớn nhất là độc lập dân tộc.

Tuy nhiên, việc ký các hiệp ước còn là động thái “mở cửa” cho tư bản nước ngoài vào Xiêm. Điều đó đã tạo ra tác động lớn đến nền kinh tế, chính trị và xã hội ở Xiêm. Nền kinh tế Xiêm từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thế giới.

Về xã hội, với tư tưởng hướng ngoại, manh nha một xã hội dân chủ và đổi mới, Rama IV gạt bỏ những hủ tục không còn phù hợp như bỏ luật “cấm nhìn mặt rồng”, cho phép dân chúng quyền tiếp kiến và khiếu nại, cho phép người nước ngoài tham gia mọi nghi lễ cung đình, …

Hoài bão và lòng quyết tâm đổi mới đất nước của Rama IV đang ở đỉnh cao, song tiếc rằng sau một chuyến đi quan sát thiên văn ở một tỉnh miền Nam, ông bị ốm và mất vì bệnh sốt rét rừng vào ngày 1.10.1868, ở ngôi 18 năm. Ngày nay, Thái Lan lấy ngày 18.8 hàng năm (ngày Rama IV đi quan sát nhật thực ở tỉnh Prachuop nói trên) làm ngày “các nhà khoa học Thái Lan” để tưởng nhớ ông.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, quyển III, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà nội, 1985.
  2. Lê Văn Quang, Lịch sử Vương quốc Thái Lan, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á – Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay (Xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
  4. GS. Lương Ninh, GS. NGND. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Tri thức Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.