Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội

Rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội là những người vô trách nhiệm xã hội, có xu hướng vi phạm pháp luật.

Các hành vi điển hình của người rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội là hành vi không tuân thủ pháp luật và phạm tội, hay lừa dối người khác vì lợi ích cá nhân, thiếu sự đồng cảm với người khác.

Vấn đề rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội đã được nghiên cứu khá sớm, nhưng những nghiên cứu chính thức bắt đầu từ đầu thế kỷ XIX.

Philippe Pinel, cha đẻ của Tâm thần học hiện đại đã sử dụng thuật ngữ manie sans delire để mô tả những người không mất trí, nhưng có những cơn bộc phát thịnh nộ và bạo lực phi lý trí. Vào cuối thế kỷ XIX, các nhà tâm thần học Đức đã đưa ra thuật ngữ chứng thái nhân cách để mô tả một loạt các hành vi lệch lạc và lập dị. Các thuật ngữ này sau đó đã được phổ biến bởi bác sĩ tâm thần người Mỹ Hervey Cleckley trong cuốn sách Mask of Sanity xuất bản đầu tiên năm 1941. Thuật ngữ rối nhiễu nhân cách đã được giới thiệu trong ấn bản đầu tiên của Sổ tay Chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - DSM-I), xuất bản năm 1952 và được thay thế bởi khái niệm rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội năm 1968 trong ấn bản thứ hai của các DSM và nó đã trở thành một thuật ngữ mà sử dụng thường xuyên trong phiên bản thứ tư của DSM.

Sự chống đối xã hội thường có lịch sử hành vi từ thời thơ ấu như đánh nhau với bạn cùng trang lứa, xung đột với người lớn, nói dối, gian lận, ăn cắp, phá hoại, đốt lửa, bỏ nhà đi xa và đối xử tàn ác với động vật hoặc trẻ em khác. Khi đến tuổi thanh niên, hành vi chống đối xã hội phát triển ở mức hoàn thiện. Nó được thể hiện ở sự thiếu trách nhiệm xã hội như hiệu suất công việc thấp, không đáng tin cậy, thay đổi công việc thường xuyên và bị sa thải, hành vi phạm tội, nói dối bệnh lý và hay sử dụng bí danh. Số liệu khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy số người rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội có từ 2% đến 4% ở nam giới và 0,5% đến 1% ở phụ nữ (Donald W. Black, 2004).

Rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội có thể thay đổi theo hướng tích cực. Bệnh nhân có xu hướng cải thiện hành vi chống đối theo xu hướng tiến bộ khi tuổi tác tăng lên. Đối với những người rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội phổ biến là mắc bệnh tâm thần. Nhiều người có hành vi chống đối xã hội thường là những người bị rối nhiễu do sử dụng rượu hoặc ma túy, rối nhiễu tâm trạng, rối nhiễu lo âu hoặc rối nhiễu thiếu tập trung. Một số do rối nhiễu chức năng tình dục, paraphilias, rối nhiễu nhân cách khác. Rối nhiễu kiểm soát (ví dụ, cờ bạc bệnh lý) cũng là những biểu hiện thường xuyên. Những người rối nhiễu nhân cách chống xã hội thường là những người có nguy cơ giết người cao và cũng là những người có nguy cơ tử vong cao do tự tử.

Những người rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội có thể do di truyền ở mức độ nào đó từ gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy 1/5 những người rối nhiễu nhân cách chống xã hội là họ hàng gần của những kẻ chống đối xã hội. Rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội thường thấy ở các cặp song sinh giống hệt nhau hơn là những cặp song sinh khác nhau.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng hệ thống thần kinh mãn tính dưới nách là nền tảng của rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội. Lý thuyết này được ủng hộ khi người ta tìm thấy bằng chứng là những người chống đối xã hội có nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp, độ dẫn điện trên da thấp và biên độ tăng trên các tiềm năng liên quan đến sự kiện. Chất dẫn truyền thần kinh trung ương serotonin có liên quan đến sự bốc đồng và hành vi hung hăng. Mức độ thấp của dịch não tủy 5- axit hydroxyindolacetic (5-HIAA) - một chất chuyển hóa của serotonin đã được tìm thấy ở những người đàn ông có hành vi đốt phá, giết người tàn ác hoặc giết trẻ sơ sinh cùng một gia đình.

Môi trường xã hội và gia đình cũng góp phần vào phát triển các hành vi chống đối xã hội. Người rối nhiễu nhân cách chống đối xã hội xuất hiện nhiều hơn ở những gia đình có cha mẹ xung đột và gia đình của họ thường xuyên bị phá vỡ bởi ngược đãi, ly hôn, ly thân hoặc gia đình vắng mặt cha mẹ thì trẻ em tự thể hiện hành vi chống đối xã hội ở mức độ cao.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
  2. Cleckley, H., The mask of sanity: An attempt to clarify some issues about the so-called psychopathic personality (5th ed.), St. Louis: Mosby, 1976.
  3. Hare, R. D., Without conscience: The disturbing world of the psychopaths among us, New York: Pocket Books, 1993.
  4. Black, D. W., Bad boys, bad men: Confronting Antisocial Personality Disorder, New York: Oxford University Press, 1999.
  5. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.'
  6. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  7. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  8. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004,pp. 156 - 157.