Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là một nhóm các hội chứng biểu hiện bởi sự xáo trộn về số lượng hay chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân, hoặc các hành vi, trạng thái sinh lý liên quan đến giấc ngủ. Có khoảng 81 chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau theo ấn bản thứ hai của Bảng phân loại rối loạn giấc ngủ quốc tế. Điều kiện đủ để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ là: phải là một vấn đề dai dẳng, gây ra cho bệnh nhân những ảnh hưởng cảm xúc đáng kể và cản trở hoạt động xã hội hoặc chức năng của bệnh nhân.

Dịch tễ[sửa]

Ở Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM, kết quả có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.

Rối loạn giấc ngủ nguyên phát[sửa]

Rối loạn giấc ngủ được phân loại dựa trên nguyên nhân. rối loạn giấc ngủ nguyên phát không do một rối loạn tâm thần, hay do thuốc, chất kích thích hoặc các tình trạng cần đến y tế khác gây ra. Hai phân loại chính gồm rối loạn giấc ngủ (dyssomnias) và giấc ngủ bất thường (parasomias).

Rối loạn giấc ngủ[sửa]

Bệnh nhân (bệnh nhân) bị thay đổi về thời gian, độ thư thái khi ngủ, được định nghĩa là khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ hoặc giấc ngủ không hồi phục trong thời gian ít nhất 1 tháng, thường bắt đầu khi một người ở tuổi thanh niên hoặc trung niên.

Chứng ngủ ngày quá mức: biểu hiện bằng tình trạng buồn ngủ ngay cả ở trong những giờ đang thức bình thường mặc dù họ vẫn ngủ bình thường vào ban đêm. Ngủ nhiều nguyên phát được chẩn đoán khi không tìm được nguyên nhân khác và kéo dài ít nhất 1 tháng. Một số bệnh nhân thấy khó khi thức dậy vào buổi sáng và có thể tỏ ra bối rối hoặc tức giận. Tình trạng này đôi khi được phổ biến hơn ở nam giới, thường ảnh hưởng đến thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 30.

Chứng giật cơ ban đêm và hội chứng chân không yên (RLS) có thể gây mất ngủ hoặc chứng ngủ nhiều ở người lớn. bệnh nhân tỉnh giấc vì chuột rút và co rút bắp chân. Rung giật cơ về đêm đôi khi được gọi là rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD). bệnh nhân RLS có cảm giác kiến bò hoặc đau nhức ở bắp chân bất cứ khi nào bệnh nhân ngồi hoặc nằm xuống, có thể giảm khi di chuyển hoặc xoa chân, thường khiến bệnh nhân không thể ngủ được cho đến đầu giờ sáng, khi tình trạng bệnh ít dữ dội hơn.

Hội chứng Kleine-Levin là một dạng ngủ nhiều tái diễn, ảnh hưởng đến một người từ ba hoặc bốn lần một năm và nguyên nhân chưa được biết rõ. Nó được đặc trưng bằng hai đến ba ngày ngủ 18-20 giờ mỗi ngày, cuồng dâm, ăn uống quá độ và dễ cáu giận. Nam giới có nguy cơ mắc hội chứng này cao gấp 3 lần phụ nữ. Tính đến năm 2014, không có cách chữa trị chứng rối loạn này.

Chứng ngủ rũ là một chứng khó ngủ đặc trưng bởi các “cơn ngủ” tái phát mà bệnh nhân không thể chống chọi được. Các cơn ngủ kéo dài khoảng 10-20 phút. bệnh nhân cảm thấy sảng khoái sau giấc ngủ, nhưng thường cảm thấy buồn ngủ trở lại vài giờ sau đó. Có ba triệu chứng chính ngoài các cơn ngủ: mất trương lực cơ đột ngột, ảo giác và tê liệt khi ngủ. Ảo giác có thể xảy ra ngay trước khi chìm vào giấc ngủ hoặc ngay sau khi thức dậy và được kết hợp với một giai đoạn của giấc ngủ REM. Tình trạng tê liệt khi ngủ xảy ra trong quá trình chuyển từ trạng thái ngủ sang thức dậy. Nam và nữ có tỷ lệ mắc bệnh ngang nhau.

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp là hội chứng trong đó giấc ngủ bị gián đoạn do các vấn đề về hơi thở. Có ba loại rối loạn giấc ngủ liên quan đến thở:

  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: là dạng phổ biến nhất, được đánh dấu bằng các đợt tắc nghẽn ở đường thở trên trong khi ngủ, chủ yếu ở những người béo phì, các giai đoạn ngáy hoặc thở hổn hển (khi đường thở của họ mở một phần) và giai đoạn im lặng (khi đường thở của họ bị tắc nghẽn) xen kẽ nhau. Ngáy lớn là một gợi ý cho rối loạn này.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương: chủ yếu ở những bệnh nhân cao tuổi có các tình trạng bệnh lý về tim hoặc thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng điều trị đúng cách của họ. Nó không liên quan đến tắc nghẽn đường thở và có thể liên quan đến bệnh não.
  • Hội chứng giảm thông khí phế nang trung ương: thường thấy ở những người cực kỳ béo phì. Đường thở của họ không bị tắc nghẽn, nhưng lượng oxy trong máu của họ quá thấp.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ kiểu hỗn hợp. Rối loạn này kết hợp các triệu chứng của cả chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và trung ương.

Rối loạn giấc ngủ nhịp thức - ngủ: rối loạn giấc ngủ theo nhịp ngày đêm là do sự khác biệt giữa các kiểu thức ngủ hàng ngày và nhu cầu của các hoạt động xã hội, làm việc theo ca hoặc đi du lịch.

Có ba rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ. Loại chậm vào giấc ngủ có đặc điểm là khó đi vào giấc ngủ và dậy muộn so với giờ đi ngủ thường lệ của họ. Mất ngủ do thay đổi múi giờ (Jet lag) là do du lịch đến một múi giờ mới. Loại rối loạn giấc ngủ do công việc theo ca kíp là do lịch trình công việc của một người. Những người thường dậy sớm dường như dễ bị Jet lag và rối loạn ngủ do ca kip hơn so với những người là “cú đêm”.

Giấc ngủ thất thường (Parasomnias)[sửa]

Là những sự kiện bất thường xảy ra trong lúc ngủ theo từng giai đoạn, trong đó hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi các giai đoạn giấc ngủ cụ thể hoặc quá trình chuyển đổi giữa ngủ và thức.

- Ác mộng: bệnh nhân liên tục bị đánh thức khỏi giấc ngủ bởi những giấc mơ đáng sợ và hoàn toàn tỉnh táo khi thức giấc. Chúng xảy ra trong giai đoạn ngủ REM, thường là vào nửa sau của đêm, thường có thể nhớ nội dung của cơn ác mộng và sợ đi ngủ lại.

- Hoảng sợ khi ngủ: bệnh nhân thức giấc la hét hoặc khóc, có thể có kích thích về thể chất, như đổ mồ hôi hoặc run rẩy. Không giống như ác mộng, cơn kinh hoàng khi ngủ thường xảy ra trong giấc ngủ NREM giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 trong một phần ba đầu tiên của ban đêm. bệnh nhân có thể bối rối hoặc mất phương hướng trong vài phút và không thể nhớ lại nội dung giấc mơ của họ. Sau đó, ngủ trở lại và không nhớ gì vào sáng hôm sau.

- Mộng du: trong khi ngủ có khả năng cử động phức tạp, bao gồm cả đi bộ. xảy ra trong giai đoạn 3 và giai đoạn 4 N REM của giấc ngủ trong suốt phần đầu của đêm. Nếu họ bị đánh thức trong giai đoạn mộng du, họ có thể bị mất phương hướng và không có nhớ gì về chuyện xảy ra. Có thể kèm ăn, sử dụng phòng tắm, mở khóa cửa hoặc nói chuyện với người khác. Theo một đánh giá, 10-30% trẻ em có ít nhất một lần mộng du. Tuy nhiên, chỉ 1-5% đáp ứng các tiêu chí về rối loạn mộng du. Việc mộng du lần đầu tiên xảy ra ở người lớn là điều bất thường.

Không giống như mộng du, rối loạn hành vi giấc ngủ REM xảy ra muộn hơn vào ban đêm và các bệnh nhân có thể nhớ những gì họ đã mơ. Các hoạt động thể chất thường mang tính bạo lực.

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến các tình trạng khác[sửa]

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến rối loạn tâm thần[sửa]

Nhiều rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm hoặc một trong những rối loạn lo âu, có thể gây mất ngủ kinh niên.

Rối loạn giấc ngủ do bệnh lý[sửa]

Một số bệnh nhân có bệnh thần kinh mãn tính như bệnh Parkinson hoặc bệnh Huntington có thể bị rối loạn giấc ngủ. rối loạn giấc ngủ cũng gặp trong viêm não do vi rút, bệnh não và cường giáp.

Rối loạn giấc ngủ do sử dụng chất[sửa]

Sử dụng ma túy, rượu và caffein thường xuyên tạo ra những xáo trộn trong giấc ngủ. Rượu có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp. Với amphetamine hoặc cocaine, cá nhân thường bị mất ngủ khi sử dụng ma túy và chứng ngủ nhiều hơn trong thời gian cai thuốc. Opioid thường làm cho người dùng trong một thời gian ngắn dễ buồn ngủ. Tuy nhiên, những người dùng lâu dài sẽ tăng mức dung nạp và có thể bị mất ngủ.

Một số thuốc kê đơn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, bao gồm thuốc kháng histamine, corticosteroid, thuốc hen suyễn và thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em và thanh thiếu niên[sửa]

Các bác sĩ nhi khoa ước tính rằng 20-30% trẻ em gặp khó khăn với giấc ngủ nghiêm trọng đến mức làm phiền gia đình của chúng. Mộng du và rối loạn kinh hoàng ban đêm xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn, nhưng trẻ em cũng có thể bị chứng ngủ rũ và hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Các yếu tố nguy cơ[sửa]

- Giới tính: mất ngủ nguyên phát phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, trong khi chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn phổ biến ở nam giới gấp đôi so với phụ nữ.

- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ; tỷ lệ này tăng từ 5% ở người lớn từ 30 đến 50 và 30% ở những người trên 50 tuổi. Một lý do khiến nguy cơ rối loạn giấc ngủ cao hơn ở người cao tuổi là họ có nhiều khả năng mắc các bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ hoặc bị dùng thuốc gây gián đoạn giấc ngủ.

- Công việc đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên qua các múi giờ hoặc thay đổi thường xuyên trong lịch trình làm việc.

- Các yếu tố môi trường, bao gồm tiếng ồn, độ cao và nhiệt độ nóng hoặc lạnh bất thường.

- Hút thuốc: Những người nghiện thuốc lá nặng thường thức dậy chỉ sau vài giờ ngủ do nicotin giảm.

- Mức độ căng thẳng cảm xúc cao, cho dù liên quan đến công việc hoặc liên quan đến các vấn đề gia đình hoặc cá nhân.

- Tiền sử gia đình bị rối loạn giấc ngủ nhất là đối với mộng du.

- Mắc bệnh về thể chất.

- Yếu tố di truyền: nhiều bằng chứng cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, chứng ngủ rũ và hội chứng chân không yên có liên quan đến các gen nhạy cảm, dù chưa xác định được gen cụ thể nào.

Chẩn đoán[sửa]

Cần khai thác tiền sử tâm thần và tiền sử y khoa nói chung. Giới tính và tuổi của bệnh nhân cần được chú ý. Khai thác về giấc ngủ của bệnh nhân từ người thân đặc biệt quan trọng để khai thác mộng du, đá trên giường, ngáy to hoặc các hành vi khác mà bệnh nhân không nhớ được.

Khám lâm sàng[sửa]

Thường không mang nhiều ý nghĩa, trừ hội chứng ngưng thở khi ngủ

Cận lâm sàng[sửa]

Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để xác định bệnh lý cơ thể hoặc tìm chất kích thích. Các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định trong một số trường hợp để loại trừ các khối u não hoặc các tình trạng y tế khác.

Nhật ký giấc ngủ[sửa]

Ghi nhật ký giấc ngủ hoặc nhật ký giấc ngủ tối thiểu từ một đến hai tuần để đánh giá mức độ nghiêm trọng và đặc điểm của rối loạn giấc ngủ; ghi lại các loại thuốc đã uống, thời gian nằm trên giường, chất lượng giấc ngủ ... để chỉ ra các rối loạn giấc ngủ kiểu theo nhịp ngày đêm cũng như thời lượng ngủ hoặc sự thư thái khi ngủ nghỉ.

Kiểm tra tâm lý[sửa]

Làm các test tâm lý để đánh giá chứng mất ngủ liên quan đến tâm lý, rối loạn cảm xúc như trắc nghiệm nhân cách (MMPI), thang đánh giá trầm cảm Beck và Zung …

Hình ảnh đo đa ký giấc ngủ[sửa]

Đo đa ký giấc ngủ có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ cũng như nghiên cứu về giấc ngủ.

Điều trị[sửa]

Phụ thuộc vào nguyên nhân.

Thuốc[sửa]

Thuốc an thần hoặc thuốc ngủ thường chỉ được khuyên dùng cho chứng mất ngủ liên quan đến stress tạm thời (như phẫu thuật hoặc đau buồn) vì nguy cơ gây nghiện hoặc dùng quá liều, thường được dùng trong nhiều nhất hai tuần để giảm nguy cơ phụ thuộc. Trazodone, một loại thuốc chống trầm cảm, thường được sử dụng cho chứng mất ngủ mãn tính mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. bệnh nhân cao tuổi dùng thuốc ngủ có thể gây tương tác với các loại thuốc chuyên khoa khác của họ. Các thuốc ngủ an toàn hơn là lorazepam, teniazepam và zolpidem. Chloral hydrat thường được ưu tiên điều trị ngắn hạn ở bệnh nhân cao tuổi vì tính an toàn của nó nhưng có thể gây phụ thuộc.

Chứng ngủ rũ được điều trị bằng các chất kích thích như dextroamphetamine sulfate hoặc methylphenidate. Rung giật cơ về đêm đã được điều trị thành công bằng clonazepam.

Trẻ em mắc cơn khiếp sợ khi ngủ hoặc mộng du thường được điều trị bằng thuốc benzodiazepin vì loại thuốc này ức chế giấc ngủ NREM giai đoạn 3 và giai đoạn 4.

Trị liệu tâm lý[sửa]

Liệu pháp tâm lý được khuyến khích ở bệnh nhân rối loạn giấc ngủ liên quan đến trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.

Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) là thường được khuyến cáo cho những trường hợp mất ngủ để phá vỡ chu kỳ lo lắng về giấc ngủ và khó ngủ liên quan đến chứng mất ngủ. Bệnh nhân thường được khuyên hạn chế thời gian trên giường và thay đổi một số thói quen gây chứng mất ngủ.

Giáo dục giấc ngủ[sửa]

“Vệ sinh giấc ngủ” hoặc giáo dục giấc ngủ cho các trường hợp mất ngủ thường bao gồm hướng dẫn các cá nhân trong cộng đồng cải thiện giấc ngủ. bệnh nhân nên:

  • Đợi đến khi buồn ngủ rồi hãy lên giường đi ngủ
  • Tránh sử dụng phòng ngủ để làm việc, đọc sách hoặc xem tivi
  • Thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng cho dù họ ngủ nhiều hay ít
  • Tránh hút thuốc và tránh uống chất lỏng có caffeine
  • Tập thể dục sớm mỗi ngày
  • Hạn chế uống nước sau bữa tối; đặc biệt, tránh rượu bia vì nó thường xuyên khiến giấc ngủ bị gián đoạn
  • Học cách thiền định hoặc thực hành các kỹ thuật thư giãn, tránh lật và trở mình trên giường bằng cách đứng dậy và tham gia vào một số hoạt động yên tĩnh như nghe âm nhạc thư giãn hoặc đọc sách

Thay đổi lối sống[sửa]

Ngừng hút thuốc, tránh lạm dụng rượu hoặc ma túy và giảm cân ; thay đổi công việc hoặc phương pháp đi lại ; tránh thay đổi ca làm việc nhanh chóng. Hạn chế xem truyền hình hoặc phim ảnh, cảnh bạo lực hoặc khoa học viễn tưởng đáng sợ.

Phẫu thuật[sửa]

Phẫu thuật mở khí quản (mở khí quản) để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ hoặc giảm thở ở người lớn là phương pháp điều trị cuối cùng, khi rối loạn đe dọa tính mạng và không thể điều trị bằng các phương pháp khác. Hầu hết bệnh nhân ngưng thở khi ngủ được điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP).

Giải pháp thay thế[sửa]

Thực hành thiền, tập thở và yoga có hiệu quả với mất ngủ do lo lắng hoặc căng thẳng cảm xúc. Yoga cũng có thể giúp một số người thư giãn căng cơ một cách trực tiếp. Các bài tập thở và thiền có thể giúp một số bệnh nhân không bị ám ảnh về giấc ngủ. Vi lượng đồng căn đôi khi được áp dụng.

Melatonin cũng đã được sử dụng như một phương pháp điều trị thay thế cho chứng rối loạn giấc ngủ liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (2016). Nguyên nhân và cách phòng tránh rối loạn giấc ngủ.
  2. Sudhansu Chokroverty. Oxford textbook of sleep disorders, 2019.
  3. Bùi Quang Huy. Rối loạn giấc ngủ, Nhà xuất bản y học, 2014.