Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Rối cạn

Rối cạn là nghệ thuật sử dụng con rối làm vật diễn xuất. rối cạn là tên gọi phân biệt về mặt loại hình với rối nước, chỉ dẫn tới hình thức biểu diễn trên cạn. rối cạn có hai bộ phận diễn xuất: con rối và người điều khiển rối. Nghệ nhân điều khiển rối bằng kỹ thuật, kỹ xảo và con rối thể hiện nội dung diễn xuất bằng chuyển động hình thể. Ở Việt Nam, rối cạn bao gồm rối tay, rối que, rối dây, rối đầu gỗ.

Một số ngôi chùa cổ vùng Bắc Bộ còn lưu giữ những bộ đầu rối gỗ mà theo cách giải thích của dân gian, được dùng trong nghi lễ hầu thiền sư Từ Đạo Hạnh, thiền sư Dương Không Lộ, từ đó, các nhà nghiên cứu suy đoán rối cạn đã tồn tại trong thế kỷ XI, cùng giai đoạn sinh thời của các nhân vật được tôn thờ và thời gian xây dựng các ngôi chùa.

Rối cạn có ở nhiều vùng miền với những tên gọi khác nhau. Vùng biên giới Cao Bằng gọi là mộc thầu hí, vùng đồng bằng Bắc Bộ gọi là trò ổi lỗi, khối lỗi, vùng Thanh Hoá, Nghệ An gọi là trò máy, vùng Nam Bộ gọi là hát hình, hát gỗ.

Đông Phương Sóc được truyền khẩu là tổ nghề rối nhưng không có tài liệu ghi chép nào cho biết tổ nghề được thờ ở đâu cũng như các hình thức tôn vinh thế nào. Phường rối cạn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thờ vị quan thế kỷ XVI Trần Triều Đông Hải là thành hoàng và tổ nghề. Phường rối chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thờ tổ nghề Từ Đạo Hạnh.

Trong lịch sử, rối cạn được nghệ nhân biểu diễn với nhiều mục đích, trong các không gian khác nhau. Mộc thầu hí của người Nùng ở tỉnh Cao Bằng có từ thế kỷ XVIII, phát triển mạnh khoảng trước năm 1945, là hình thức rối dây diễn trò vặt, trò lẻ tại các chợ phiên vùng huyện lỵ biên giới, thu hút người dân để bán đồ chơi, con rối, bán thuốc lá rừng hoặc diễn tích tuồng Trung Quốc, các câu chuyện thần thoại về các vị thần, các nhân vật anh hùng, người nghèo khó tốt bụng… góp vui trong các hội làng, sòng bạc, phục vụ nhà quan. Các con rối có khi nhỏ bằng ngón tay, diễn trò đánh kiếm, đánh đao, múa kích, múa gậy, hấp dẫn trẻ nhỏ nhưng cũng có khi tạc đầu bằng gỗ, sơn vẽ như mặt tuồng, thân đan bằng nan, mặc trang phục mũ mão thêu màu lộng lẫy, gắn que, gắn dây thành con rối lớn để diễn các nhân vật khanh tướng có trong tuồng cổ. Mộc thầu hí là trò rối cổ, đến nay không còn thấy biểu diễn.

Đồng bào Tày huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên có phường Ru Nghệ chuyên diễn trò rối trong lễ hội lồng tồng. Đây là trò rối chỉ diễn duy nhất một lần trong năm, liên quan tới nghi thức cúng lễ cầu mưa theo tục lệ cổ truyền của đồng bào dân tộc. Nghệ nhân diễn trò rối ngay cạnh ban thờ, minh hoạ cho câu chuyện bắt tắc kè cầu mưa. Người Tày ở Thái Nguyên còn có phường Thẩm Rộc diễn rối cạn phục vụ lễ hội ở các bản làng và các ngày hội chùa. Thành viên phường rối là anh em họ tộc, trong đó có những người làm Then, có người biết chữ Hán, chữ Nôm ghi chép lời giáo. Phường rối giữ bí truyền nghề nghiệp và kiêng kỵ. Con rối phải làm chòi để riêng, trước khi mở màn biểu diễn đều có nghi thức cúng ma.

Rối cạn của các phường hội dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ thường biểu diễn trong các ngày hội làng quê, vào những năm được mùa. Một vài nơi tổ chức thi rối cạn giữa các giáp trong làng. Các con rối làm bằng gỗ, phủ trang phục bằng vải, diễn các tích tuồng cổ, các trò chơi lễ hội và sinh hoạt cày cấy của nhà nông, các câu chuyện cổ tích. Sau khi diễn, rối được cất giữ ở nghè, ở đình. Làng Chuộc, tỉnh Thanh Hoá làm đầu rối bằng giấy bồi, thân bằng rơm bện hoặc đan cốt nan, phủ dán giấy màu, sau khi diễn xong thì đốt bỏ.

Nghệ nhân làm rối cạn sinh hoạt theo phường hội, đứng đầu là ông trùm hoặc trưởng phường. Phường rối giữ bí mật trò diễn, giữ nghề theo lối cha truyền, con nối. Nhiều địa phương có ruộng rối, thu hoa lợi chi phí cho việc tế tổ. Những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, đã từng tồn tại 25 phường rối cạn rải rác khắp các vùng Bắc và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên hiện nay, chỉ còn phường rối cạn Tế Tiêu đang duy trì hoạt động biểu diễn tại địa phương hoặc lưu diễn nhân các sự kiện lớn của đất nước.

Một số đình, chùa vùng Nam Định, Thái Bình còn lưu giữ các bộ rối đầu gỗ, biểu diễn trong các nghi lễ tâm linh của Đình Xuân Trạch, chùa Keo Thái Bình, chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ, chùa Đại Bi, tục gọi là chiềng rối. Hiện nay, chỉ có phường rối chùa Đại Bi còn thực hành nghi tục cổ này. Trò rối đầu gỗ chùa Đại Bi, Nam Định được người dân gọi là trò ổi lỗi, liên quan tới tín ngưỡng thờ tổ nghề Từ Đạo Hạnh. Các đầu rối gọi là thánh tượng, có kích thước lớn, nhỏ khác nhau, tạc bằng gỗ với các chi tiết nổi khối, thể hiện sắc thái biểu cảm. Nghệ nhân chiềng rối trong không gian thiêng của chùa với nghi thức kính cẩn, trang trọng, động tác đơn giản nhưng nội dung huyền bí, mang nhiều lớp nghĩa.

Sự phát triển của rối cạn thăng trầm, biến đổi theo thời gian. Mặc dù ngày nay nhiều phường rối không còn hoạt động, nhiều trò rối đã thất truyền nhưng các nghệ nhân rối cạn vẫn truyền đời lưu giữ hoạt động nghề rối và các không gian thực hành. rối cạn là di sản văn hoá tồn tại âm thầm, bền bỉ trong đời sống tâm hồn, tâm linh người Việt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phạm Đức Dương, 2001, “Sân khấu múa rối – con rối – sứ giả của thế giới tâm linh”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 2, tr.25
  2. Nguyễn Huy Hồng, 2007, Nghệ thuật múa rối, Nxb Sân khấu, Hà Nội.