loại rượu được xem là sản vật, lễ vật trong đời sống của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Với các dân tộc ở Tây Nguyên, RC còn được gọi là rượu ghè, rượu ché/chóe vì rượu được đựng trong ghè, ché/chóe làm bằng sành, sứ. Ở người Chu-ru, RC được gọi là Tơ pai, người Ê-đê gọi là Kpiê ceh, người Mnông gọi là Yăng n’ranh… Theo quan niệm của đồng bào, RC là nước uống của thần linh (Yang), do thần linh bày cho cách làm.
1. Nguyên vật liệu
Đề làm RC, nguyên liệu không thể thiếu là cơm rượu và men rượu; và phải có ghè, ché/chóe tốt.
Nguyên liệu làm cơm rượu chủ yếu từ các loại ngũ cốc như bắp (ngô), củ mì (sắn tàu), gạo nếp, gạo tẻ, hạt ý dĩ, hạt bo bo, hạt cào, hạt kê...Gạo để làm RC được giữ nguyên lớp áo cám bên ngoài. Mỗi loại nguyên liệu cho loại RC có một hương vị riêng.
Men rượu còn được gọi là “men rừng” - loại men làm từ các loại cây rừng (dây leo, vỏ, rễ, củ cây) khác nhau, tùy theo kinh nghiệm của mỗi tộc người và hệ thực vật ở mỗi địa phương. Men rừng có đặc điểm là ủ rượu được trong nhiều năm, và RC ủ càng lâu thì uống càng ngon. Làm men là công việc mang tính bí truyền và gia truyền. Người biết làm men chỉ truyền nghề cho con cháu của họ mà không để bí quyết lọt ra ngoài. Quá trình chế biến men cũng được tuyệt đối bí mật. Khi làm men rượu, ở mỗi cộng đồng đều có những kiêng cữ nhất định.
Với RC, ghè, ché cũng rất quan trọng, ảnh hưởng độ ngon của rượu. Ché cổ có vỏ rất dày và khi ủ rượu sẽ không bị ngấm vào vỏ, rượu ủ được từ 3 - 5 năm mà không bị hư.
2. Cách ủ rượu
Cơm rượu nấu chín được đổ ra nong sạch, giàn đều cho nguội. Dùng men rượu giã mịn trộn đều với cơm rượu theo đúng tỷ lệ, nếu nhiều men quá rượu sẽ bị chua, đắng; ít men quá sẽ không thành rượu. Cơm rượu được ủ từ 3 - 5 ngày đến khi có mùi thơm đặc trưng thì đưa vào ché để ủ; sau một tháng là có thể uống được. Tuy nhiên, muốn rượu ngon phải ủ từ 1 đến 3 tháng, đặc biệt nếu được chôn dưới đất từ 3 đến 6 tháng thì rượu càng ngon, có hương vị đặc biệt.
3. Cách uống
RC chỉ để uống tập thể, hiếm khi uống một mình. Vào những ngày trọng đại, ché rượu được đặt trang trọng giữa nhà, bên bếp lửa bập bùng. Khách và chủ cùng quây quần xung quanh ché rượu, trong tiếng cồng chiêng trầm bổng. Những quy ước trong uống RC là nét văn hóa khá tinh tế của mỗi tộc người, từ cách thức trao hoặc nhận cần, đến thứ bậc người uống trước, người uống sau, tổ chức cuộc uống, liều lượng uống…
RC được uống ngay trong ché bằng cần rượu mà không phải chưng cất hay chắt lọc. Cần rượu được làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ, dài từ 1,2 - 1,5m, được hơ lửa, vuốt thẳng và đục thông ruột sau đó lại được uốn cong. Đầu cần là mấu đã được khoét thành khe và đục 3, 4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm mà không lọt bã hoặc trấu. Người Cơ-ho chỉ dùng một cần; người Ê-đê, Xơ-đăng chỉ dùng một cần, khi nào đám cưới mới sử dụng hai cần; người Ba-na, Hrê dùng nhiều cần cắm chung trong một ché.
Cần được cắm vào ché sao cho vừa tầm của người ngồi uồng, không bị tắc, và đó cũng là cái khéo của người cắm cần. Mọi người ngồi xếp chân vòng tròn, vít cong cây cần và hút rượu say sưa. Khi uống, cả chủ, khách đều phải tuân theo các quy định, tập tục. Người uống khi vít cần mà làm bể, gãy cần là điều cấm kỵ. Cần rượu không bao giờ rời khỏi bàn tay con người. Ai đó thả cần ra khỏi tay là thất lễ với chủ nhà. Trong dịp lễ của cộng đồng, thường là già làng, khách quý uống trước và sau đó là thứ tự lớn, nhỏ, trai, gái… Người uống đắm mình trong những điệu nhảy, điệu múa, ánh mắt, lời ca, trong tiếng cồng chiêng hay tiếng suối reo.
4. Giá trị văn hóa
RC đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của nhiều vùng dân tộc thiểu số. Không chỉ là thức uống đặc sản, RC còn gắn với văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của đồng bào. RC là thức uống không thể thiếu trong những dịp trọng đại của gia đình và cộng đồng, như Tết mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ đặt tên, lễ cưới, đám tang, sum họp cộng đồng, tiếp đãi khách… RC còn là lễ vật để dâng cúng thần linh (Yang) trong các nghi lễ. Có thể nói RC như “thức uống tâm linh” của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Ché RC là vật dụng linh thiêng, là nơi trú ngụ của các vị thần linh để che chở, phù hộ cho mỗi gia đình, dòng họ. Ở Tây Nguyên trước đây, ché RC còn là một loại tài sản có giá trị: cùng với trâu, bò, cồng chiêng và đồ trang sức, ché RC là thước đo sự giàu có của mỗi gia đình và dòng họ. Nhìn vào những ché RC, người ta có thể phân biệt được đẳng cấp giàu nghèo của gia đình đó trong cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hải Ninh (Trưởng ban biên tập), Đăk Lăk sức sống đại ngàn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk, 2017.
2. Nguyễn Thanh, Người Chu ru ở Lâm Đồng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.