Mục từ này cần được bình duyệt
Quy hoạch giao thông đô thị

(A.: Transportation Planning” hoặc “Transport Planning”, vt.: QHGTĐT)

quá trình quy hoạch giao thông và các hoạt động thực hiện quy hoạch giao thông trong khu vực đô thị. QHGTĐT thường được tích hợp trong quy hoạch đô thị (A.: Urban Planning) cùng với quy hoạch sử dụng đất (A.: Land Use Planning).

QHGTĐT cũng tương tự như quy hoạch giao thông, được tiến hành theo mô hình có tính chu trình, bao gồm: xác định mục đích và các mục tiêu; xác định các vấn đề cần giải quyết; đề xuất các giải pháp; đánh giá các giải pháp; và xây dựng các quy hoạch.

QHGTĐT bao gồm:

QHGTĐT là quá trình phân tích các chính sách, các mục tiêu phát triển, các đầu tư trong tương lai đối với hệ thống giao thông và thiết kế mạng lưới giao thông để đảm bảo nhu cầu đi lại của con người và nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tương lai. Quy hoạch giao thông truyền thống bao gồm các hoạt động phân tích, đánh giá, thiết kế và bố trí các công trình giao thông như là các tuyến phố, các trục đường, các làn xe cơ giới, các làn xe phi cơ giới, các trục giao thông công cộng,… trong một khu vực.

Quy hoạch giao thông công cộng (A.: Public Transport Planning) là phần quan trọng của QHGTĐT, tích hợp lĩnh vực kỹ thuật giao thông với quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, định hướng cho QHGTĐT.

Với mục đích bố trí mạng lưới giao thông thỏa mãn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, quy hoạch giao thông truyền thống trước đây chỉ được xem như một nhánh của ngành kỹ thuật công trình. Tuy nhiên, với các vấn đề của xã hội hiện đại như: ách tắc giao thông, ảnh hưởng của giao thông đến môi trường, ảnh hưởng của quy hoạch giao thông đô thị đến các nhóm dễ bị tổn thương như nhóm người nghèo, nhóm người cao tuổi và người khuyết tật, quy hoạch giao thông trở thành ngành rộng với yêu cầu tích hợp các mô hình giao thông khác nhau trong mạng lưới giao thông quy hoạch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tích hợp với quy hoạch sử đụng đất, tích hợp với các chính sách kinh tế xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe,… Trong khi QHGTĐT truyền thống tập trung giải quyết vấn đề giao thông cơ động để thỏa mãn nhu cầu đi lại thì QHGTĐT hiện đại cần phải đảm bảo yếu tố bền vững.

QHGTĐT truyền thống được thực hiện theo mô hình bốn bước như thể hiện trong hình 1 sau:

Hình 1. Mô hình bốn bước của quy hoạch giao thông truyền thống

Phát sinh hành trình: xác định phạm vi các đơn vị không gian phân bố theo số liệu sử dụng đất để hình thành nên các điểm xuất phát và điểm đến của các hành trình. Kết quả của bước thực hiện này thường là số hành trình được phát sinh và được thu hút bởi các đơn vị không gian của một điểm vận chuyển theo số liệu sử dụng đất.

Phân phối hành trình: bước thực hiện mô tả tương tác không gian giữa các điểm xuất phát và điểm đến bằng các yếu tố có thể được xem là cản trở cấu thành nên các hệ số trở kháng, ví dụ như là khoảng cách giữa điểm xuất phát – điểm đến hay là thời gian hành trình. Kết quả của bước thực hiện này là ma trận khối lượng vận chuyển giữa các điểm vận chuyển.

Phân chia phương thức: các hành trình giữa điểm xuất phát và điểm đến được tách riêng cho các phương thức vận tải có tiểm năng. Bước thực hiện này dựa vào khả năng sẵn có của mỗi phương thức, chi phí vận chuyển tương ứng mỗi phương thức cũng như mức độ được ưa chuộng của phương thức.

Ấn định tuyến đường : tất cả các hành trình giữa điểm xuất phát và điểm đến cùng với phương thức vận chuyển được đưa lên mạng lưới giao thông hiện hữu (nếu có) và xem xét đến các mong muốn của người sử dụng như là giảm thiểu thời gian đi lại, giảm thiểu chi phí đi lại, hay là sử dụng tối ưu mạng lưới giao thông hiện có. Nếu lượng giao thông vượt quá năng lực của các đoạn vận tải cụ thể thì ách tắc có thể xảy ra và làm ảnh hưởng đến thời gian đi lại. Quá trình điều chỉnh được thực hiện tác động đến bước phát sinh hành trình hoặc phân bố hành trình.

QHGTĐT bền vững đảm bảo mạng lưới giao thông đầy đủ, công bằng và thân thiện với môi trường. Các mục tiêu của QHGTĐT bền vững bao gồm:

- Cung cấp kết nối định hướng người dân đô thị thay vì định hướng phương tiện (phương tiện giao thông cơ giới cá nhân để đảm bảo tính cơ động).

- Công bằng giữa các loại hình phương tiện và người tham gia với ưu tiên cho giao thông công cộng, người đi bộ và phương tiện giao thông phi cơ giới, và ưu tiên cho các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương như phụ nữ, người già, người khuyết tật.

- Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

- Đảm bảo yếu tố kinh tế bằng cách thu phí người sử dụng xe con cá nhân và xe máy với mức phí tính đủ cho chí phí về kinh tế, xã hội và môi trường đối với loại hình phương tiện được sử dụng.

- Tích hợp QHGTĐT với các khung chính sách phát triển đô thị;

- Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và tham vấn cộng đồng một cách minh bạch trong quá trình QHGTĐT.

Để đảm bảo QHGTĐT bền vững, ba nhóm chiến lược được đề xuất để thực hiện bao gồm:

Nhóm các chiến lược tránh: tránh phát sinh hành trình hoặc giảm các hành trình phát sinh tức là giảm nhu cầu đi lại bằng cách cung cấp một hệ thống (mạng lưới) giao thông hiệu quả. Nhóm chiến lược này có thể bao gồm: tích hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông; phát triển các tổ hợp đô thị tích hợp khuyến khích các hành trình phát sinh có cự ly ngắn trong phạm vi đi bộ hoặc giao thông phi cơ giới; sử dụng công nghệ thông tin.

Nhóm các chiến lược chuyển đổi: để chuyển đổi từ các loại hình giao thông cơ giới cá nhân sang loại hình giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới. Nhóm chiến lược này bao gồm: khuyến khích phát triển giao thông phi cơ giới và đi bộ; phát triển giao thông công cộng; quản lý nhu cầu giao thông.

Nhóm các chiến lược cải thiện bao gồm các chiến lược: sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch; tăng cường công tác kiểm tra và bảo dưỡng; phát triển hệ thống giao thông thông minh.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Xây dựng – QCVN 07-4:2016/BXD – Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia – Các công trình hạ tầng kỹ thuật – Công trình giao thông, 2016

[2]. Jean-Paul Rodrigue, The Geography of Transport System – Fourth Edition - (2017), New York