Quyền tài sản là quyền duy nhất xác định quyền sở hữu về mặt lý thuyết và hợp pháp đối với tài nguyên và cách thức có thể sử dụng chúng. Các nguồn tài nguyên này có thể là hữu hình hoặc vô hình và được các cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ sở hữu. Nhìn chung ở nhiều quốc gia, các cá nhân thực hiện quyền tài sản hoặc quyền cá nhân để tích lũy, nắm giữ, ủy thác, cho thuê hoặc bán tài sản của họ.
Trong kinh tế học, quyền tài sản là cơ sở cho mọi trao đổi trên thị trường và việc phân bổ quyền tài sản trong xã hội ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài nguyên. Quyền tài sản được đảm bảo và thực thi bởi luật đã được nhà nước quy định. Các luật này xác định quyền sở hữu và mọi lợi ích liên quan đi kèm với việc nắm giữ tài sản. Tài sản nói chung thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc một nhóm người. Người sở hữu tài sản được hưởng tất cả các quyền gắn với tài sản cũng như tất cả các khoản thu nhập do tài sản mang lại theo qui định của pháp luật.
Quyền tài sản có thể được mở rộng bằng việc sử dụng bằng sáng chế và bản quyền để bảo vệ:
- Tài nguyên vật chất khan hiếm như nhà cửa, ô tô, sách và điện thoại di động
- Các sinh vật như chó, mèo, ngựa hoặc chim
- Sở hữu trí tuệ như phát minh, ý tưởng hoặc từ ngữ.
Các loại tài sản khác (như tài sản công cộng hoặc tài sản của Chính phủ) thuộc sở hữu hợp pháp của các nhóm được xác định rõ. Những tài sản này thường được coi là tài sản công cộng do các cá nhân ở vị trí có quyền lực chính trị hoặc văn hóa nắm quyền sở hữu. Quyền tài sản cung cấp cho chủ sở hữu hoặc người có quyền khả năng thực hiện với tài sản mà họ chọn, bao gồm giữ lại tài sản, bán hoặc cho thuê để kiếm lời hoặc chuyển cho một bên khác. Nếu tài nguyên thuộc sở hữu của Chính phủ thì người quyết định việc sử dụng tài nguyên đó phải hoạt động theo các luật lệ đã được Quốc hội hoặc các cơ quan hành pháp đưa ra. Quyền tài sản cá nhân bao gồm quyền ủy thác, cho thuê hoặc bán bất kỳ phần nào của Quyền tài sản bằng cách trao đổi hoặc trao tặng ở một giá bất kỳ mà chủ sở hữu xác định (miễn là có người sẵn sàng trả mức giá đó). Do đó, ba yếu tố cơ bản của tài sản cá nhân là độc quyền về quyền lựa chọn sử dụng tài nguyên, độc quyền đối với các dịch vụ của tài nguyên và quyền trao đổi tài nguyên theo các điều kiện đã được thỏa thuận.
Mục đích cơ bản của quyền tài sản và thành quả của nó mang lại là loại bỏ được sự cạnh tranh mang tính tiêu cực để kiểm soát các nguồn lực kinh tế. Quyền tài sản được xác định rõ ràng và được bảo vệ tốt thay thế sự cạnh tranh do bạo lực bằng cạnh tranh sử dụng các biện pháp hòa bình. Quyền tài sản có thể được phân thành ba loại là quyền tài sản được thực hiện trên vật hữu hình, trên vật vô hình và thông qua hành vi của con người. Nhóm Quyền tài sản có đối tượng thực hiện trên vật hữu hình bao gồm quyền sở hữu có đối tượng là vật hữu hình, quyền sử dụng đất, quyền bề mặt, các quyền hưởng dụng... Nhóm Quyền tài sản có đối tượng thực hiện trên các vật vô hình gắn liền với các hoạt động sáng chế, phát minh như quyền đối với giải pháp hữu ích, quyền đối với sáng chế, Quyền tài sản là đối tượng của quyền tác giả,… Nhóm Quyền tài sản có đối tượng là hành vi thực hiện nghĩa vụ của người khác như quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền đòi nợ,…
Ở Việt Nam, quyền tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, là quyền trị giá được bằng tiền, không đòi hỏi phải có sự chuyển giao trong giao dịch dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền tài sản có thể được phân chia thành hai loại: quyền đối vật và quyền đối nhân căn cứ vào cách thức thực hiện quyền chủ thể. Quyền đối vật là các quyền được thực hiện trên các vật cụ thể và xác định. Quyền tài sản thể hiện dưới dạng quyền đối vật trong Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể kể đến là quyền sở hữu, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với bất động sản liền kề; quyền của bên bảo đảm đối với tài sản bảo đảm,… Quyền đối nhân bao gồm các quyền tương ứng với các nghĩa vụ tài sản mà người khác phải thực hiện vì lợi ích của người có quyền. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định quyền tài sản là bất động sản hay động sản. Để xác định loại quyền tài sản nào phải đăng ký, ngoài việc dựa vào quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 cần phải dựa vào các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ. Các quyền tài sản cần phải đăng ký bao gồm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, quyền sử dụng đất, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Armen A., Demsetz. H., The Property Rights Paradigm, Journal of Economic History, 33(1): 16-2, 1973.
- Armen A., Property Rights, The Invisible Hand, 232-238, 1989.
- Armen A., Some Economics of Property Rights, Il Politico, 30: 816-829, 1965.
- He W., Tan L., Liu Z. J., Zhang H., Property rights protection, environmental regulation and corporate financial performance: Revisiting the Porter Hypothesis. J. Clean. Prod., 234, 2020.
- Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Dân sự 2015.