Mục từ này cần được bình duyệt
Quan hệ công chúng trong du lịch

(tiếng Anh: Public Relations, viết tắt: PR)

hoạt động của các doanh nghiệp du lịch nhằm xây dựng mối quan hệ với các nhóm công chúng trên cơ sở cung cấp thông tin dưới các hình thức khác nhau về hình ảnh của doanh nghiệp, về các sản phẩm hấp dẫn, các dịch vụ chu đáo, chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu của công chúng, tạo ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp cho công chúng. Khách hàng hiện tại và tiềm năng là nhóm công chúng rõ ràng nhất. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhóm công dân hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội, các cơ quan truyền thông báo chí, các tổ chức tài chính, tín dụng, các nhà đầu tư cũng là nhóm công chúng quan trọng. Công tác PR của doanh nghiệp còn phải thực hiện cho nhóm công chúng nội bộ bao gồm lãnh đạo, nhân viên công ty, hội đồng cổ đông, hội đồng cố vấn và các nhà thầu. Các hoạt động chính của PR là quan hệ với hệ thống báo chí, quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ, tổ chức công tác truyền thông doanh nghiệp, triển khai công tác tư vấn khách hàng, tham gia các sự kiện văn hóa, xã hội, các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với cộng đồng và xã hội, có kế hoạch khắc phục khủng hoảng và thiên tai, bão, lũ. Để công tác PR thành công và bền vững, vấn đề cốt lõi là cung cấp cho khách hàng các sản phẩm tốt, công bố công khai về chất lượng và giá cả sản phẩm, có tinh thần hợp tác và thân thiện với khách du lịch và đối tác.

Các công cụ PR được các doanh nghiệp du lịch sử dụng chủ yếu bao gồm các ấn phẩm, tin tức về sản phẩm mới, các hoạt động của doanh nghiệp, các bài phát biểu, các dịch vụ công ích và các hoạt động xã hội của doanh nghiệp. Phương thức PR là sử dụng các công cụ truyền thông truyền thống (sách, báo, bản tin) hoặc hiện đại (truyền hình, truyền thanh, thư điện tử, mạng xã hội), các sự kiện văn hóa, du lịch và các sự kiện xã hội. Chức năng PR cũng có thể bao gồm hoạt động khuyến mại khi bán sản phẩm, công tác nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu các nhóm khách hàng khác nhau để xây dựng chính sách khuyến khích tiêu dùng phù hợp với mỗi nhóm. Để triển khai công tác PR, mỗi doanh nghiệp du lịch có thể thành lập bộ phận Quan hệ công chúng độc lập, hoặc có cán bộ chuyên trách nằm trong bộ phận Tiếp thị của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Abraham Pizam, International Encyclopedia of Hospitality Management, xuất bản lần thứ hai, NXB Elsevier, 2010.

2. Phillip Kotler, Marketing for hospitality and tourism, Seven edition, Pearson Education Limited, 2016 - 688 tr.