Quai bị là một bệnh nhiễm cấp tính của tuyến nước bọt do virus gây ra, thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh quai bị đặc trưng bởi sưng đau cả hai bên má nhưng cũng có thể chỉ bị sưng ở một bên hoặc không sưng. Sưng đau thường xảy ra ở tuyến nước bọt mang tai, do đó quai bị còn được gọi là viêm tuyến mang tai. Thuật ngữ quai bị có nguồn từ tiếng Anh cổ, có nghĩa là cục u hoặc khối u bên trong hai má.
Dịch tễ học[sửa]
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên mà người là vật chủ tự nhiên duy nhất được biết cho đến nay. Bệnh lây chủ yếu qua chất tiết của đường hô hấp. Lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ 5-8 tuổi và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Tuy nhiên bệnh ở người trưởng thành thường có khuynh hướng nặng hơn và bao gồm cả viêm tinh hoàn. Quai bị là một bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa đông – xuân, là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư hay trường học. Mặc dù bệnh không dễ lây lan như bệnh sởi hay thủy đậu nhưng bệnh quai bị đã từng khá phổ biến.
Dịch bệnh quai bị có chu kỳ từ 2 đến 5 năm. Trước đây, các vụ dịch thường xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Năm ở các vùng khí hậu ôn đới, tuy nhiên ngày nay biểu hiện theo mùa không còn rõ ràng nữa, nghĩa là bệnh có thể xảy ra quanh năm. Tại Hoa Kỳ, sau khi vaccine ngừa quai bị được sử dụng, hằng năm có khoảng 500 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. Tại Việt Nam, vaccine ngừa quai bị chưa được đưa vào trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh còn lưu hành khá cao, thường gây nên những vụ dịch nhỏ ví dụ như trong nhà trẻ, trường học, nhất là các trường nội trú, bán trú. Ở trẻ được chủng ngừa quai bị thì hiện tượng viêm tuyến mang tai không phải do quai bị mà do các nguyên nhân khác.
Quai bị có thời kì ủ bệnh thường kéo dài từ 16 đến 18 ngày nhưng cũng có khi thay đổi từ 14 đến 24 ngày.
Thời kì lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này. Virus quai bị có thể phân lập được từ tuyến mang tai từ 7 ngày trước và kéo dài đến ngày thứ 9 sau khi tuyến mang tai bắt đầu sưng.
Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]
Paramyxovirus gây bệnh quai bị chứa trong nước bọt và lây lan khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc trực tiếp với người khác.
Sau khi tiếp xúc với virus 14-24 ngày, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng. Ban đầu các triệu chứng bao gồm ớn lạnh, nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi và sốt cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không xuất hiện các triệu chứng ban đầu. Sưng tuyến nước bọt mang tai thường xảy ra trong vòng 12–24 giờ kể từ khi có các triệu chứng trên. Đi kèm với các sưng tuyến nước bọt là đau khi nhai hoặc nuốt, đặc biệt là với đồ uống có tính axit, chẳng hạn như nước chanh. Sưng đạt mức tối đa vào khoảng ngày thứ 2 và thường biến mất sau ngày thứ 7. Sau khi khỏi bệnh nhân có miễn dịch bền vững, do đó rất hiếm trường hợp mắc quai bị lần 2.
Phần lớn bệnh nhân quai bị khỏi bệnh mà không để lại biến chứng, tuy nhiên một số trường hợp có thể có biến chứng (thường gặp hơn ở người lớn). Khoảng 15% các trường hợp có biến chứng viêm màng não. Các triệu chứng của viêm màng não thường tiến triển trong vòng 4-5 ngày sau các dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Các triệu chứng này bao gồm cứng gáy, nhức đầu, nôn mửa và mệt mỏi. Viêm màng não do quai bị thường khỏi trong vòng 7 ngày, rất hiếm khi xảy ra tổn thương não. Virus quai bị có thể lan vào não gây viêm não. Các triệu chứng của bệnh viêm não do quai bị bao gồm giảm cảm giác, co giật và sốt cao. Viêm não có thể xảy ra trong giai đoạn viêm tuyến mang tai hoặc sau đó 1-2 tuần. Viêm não do quai bị thường hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên cũng có ghi nhận về trường hợp có biến chứng co giật. Chỉ khoảng 1/100 trường hợp viêm não do quai bị có biến chứng gây tử vong. Tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1,6 đến 3,8 trên 10.000 ca bệnh. Hơn một nửa số trường hợp tử vong xảy ra ở người trên 19 tuổi.
Khoảng một phần tư số nam giới trưởng thành khi mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn sau giai đoạn viêm tuyến mang tai 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Các triệu chứng bao gồm sưng tấy ở một hoặc cả hai tinh hoàn, đau dữ dội, sốt, buồn nôn và nhức đầu. Đau và sưng thường giảm sau 5-7 ngày, mặc dù tinh hoàn có thể đau kéo dài hàng tuần. Khoảng 50% số trường hợp, tinh hoàn teo dần do đó có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Ở nữ giới đôi khi gặp biến chứng viêm buồng trứng hoặc viêm vòi trứng. Tình trạng này ít đau hơn nhiều so với viêm tinh hoàn ở nam.
Ngoài ra còn có thể xảy ra một số biến chứng khác như: viêm tụy (3-7%), nhiễm quai bị trong quý 1 của thai kì có thể làm tăng khả năng sẩy thai tự nhiên... Mặc dù virus quai bị có thể đi xuyên qua nhau thai, không có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ nhiễm virus quai bị trong thai kì có thể gây nên dị tật bẩm sinh.
Chẩn đoán[sửa]
Khi bệnh quai phát triển thành dịch, chẩn đoán tương đối dễ dàng dựa trên các triệu chứng cơ năng và yếu tố dịch tễ. Bác sĩ sẽ đo thân nhiệt, khám da vùng tuyến mang và niêm mạc bên trong miệng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị quai bị, các lỗ mở ống dẫn của tuyến nước bọt mang tai bên trong miệng sẽ bị viêm nhẹ. Ngày nay, nhiều người được tiêm chủng vắc xin, do đó chẩn đoán quai bị phải được phân biệt với các trường hợp sưng tuyến nước bọt mang tai do những nguyên nhân khác. Ví dụ, ở những người vệ sinh răng miệng kém, tuyến nước bọt có thể bị nhiễm khuẩn và khi điều trị cần sử dụng thuốc kháng sinh. Một số trường hợp hiếm gặp hơn, các tuyến nước bọt có thể bị tắc nghẽn, phát triển các khối u hoặc sưng lên do sử dụng một số thuốc, chẳng hạn như i-ốt. Một xét nghiệm có thể được thực hiện để xác định xem người bị sưng tuyến nước bọt thực sự có virus quai bị hay không.
Cuối năm 2002, các nhà nghiên cứu ở London đã báo cáo sự phát triển của xét nghiệm định lượng kháng thể đặc hiệu IgG. Xét nhiệm này giúp đánh giá người bệnh đã có miễn dịch với virus quai bị hay chưa và cho phép các nhà nghiên cứu đo lường độ nhạy cảm của một vùng dân cư với virus quai bị ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Điều trị[sửa]
Điều trị quai bị chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm giảm đau, hạ sốt và nâng đỡ thể trạng. Một vấn đề lớn là bệnh nhân khó nuốt gây trở ngại cho việc ăn uống. Người bệnh cần được ăn các loại thức ăn mềm, bao gồm ngũ cốc nấu chín, khoai tây nghiền hoặc thức ăn trẻ em chế biến sẵn. Điều trị giảm sốt và sưng đau bằng các thuốc aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen. Tránh nước trái cây và thực phẩm hoặc đồ uống chua có thể gây kích thích tuyến nước bọt. Tránh các sản phẩm từ sữa gây khó tiêu.
Biện pháp thay thế: Bấm huyệt có thể được sử dụng để giảm đau hiệu quả. Bệnh nhân có thể tự thực hiện bằng cách mát xa nhẹ nhàng vào khu vực giữa xương hàm và tai trong hai phút kết hợp với hít thở sâu.
Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não…
Tiên lượng[sửa]
Bệnh quai bị không biến chứng có tiên lượng tốt, bệnh khỏi hoàn toàn, miễn dịch bền vững với bệnh. Tuy nhiên, một vài trường hợp có thể tái phát sau khoảng 2 tuần. Một số biến chứng làm chậm quá trình hồi phục.
Phòng ngừa[sửa]
Bệnh quai bị có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng vắc xin. Vắc xin quai bị thường kết hợp với vắc xin sởi và rubella trong một mũi tiêm kết hợp như vaccine tam liên MMR (measles-mumps-rubella-MMR). Vắc xin quai bị là loại vắc xin sống giảm độc lực dùng 1 liều trong độ tuổi từ 12-15 tháng, 4-6 năm hoặc 11-12 năm. Mỗi mũi tiêm thường chứa 0,5 ml, tiêm dưới da. Sau mũi tiêm thứ nhất, kháng thể xuất hiện ở 95% cá thể nhạy cảm. Các nghiên cứu huyết thanh học cũng như bằng chứng dịch tễ học cho thấy miễn dịch này có tính bền vững.
Những người không chắc chắn về tiền sử bệnh quai bị hoặc tiền sử tiêm phòng quai bị thì nên tiêm phòng. Nhân viên y tế, đặc biệt là những người làm việc trong bệnh viện, nên được chủng ngừa.
Vắc xin quai bị có hiệu lực bảo vệ cao và có thể sử dụng cho hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, cần lưu ý một số trường hợp sau:
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị có tỷ lệ sẩy thai tăng lên, nhưng không gây dị tật bẩm sinh. Phụ nữ chỉ nên mang thai sau khi tiêm chủng vắc xin trên ba tháng.
- Những người đã từng mắc quai bị thì không cần thiết tiêm phòng vì trong cơ thể đã có kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên, những người đã tiếp xúc với virus quai bị mà chưa xuất hiện triệu chứng thì vẫn cần được chủng ngừa.
- Những người đang mắc các bệnh cấp tính, ví dụ sốt, viêm đường hô hấp trên thì không nên tiêm vắc xin cho tới khi khỏi bệnh.
- Những người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất hay xạ trị, sử dụng corticosteroid kéo dài không nên tiêm vắc xin. Trẻ em mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV) không có triệu chứng nên tiêm vắc xin lúc 15 tháng tuổi.
Vắc xin quai bị đã gây tranh cãi vì lo ngại rằng việc sử dụng nó có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ. Điều này đã khiến một số cha mẹ từ chối tiêm chủng cho con cái của họ. Kết quả là sự gia tăng số vụ bùng phát bệnh quai bị ở một số nước châu Âu, bao gồm cả Ý và Vương quốc Anh.
Vào mùa thu năm 2002, Tạp chí Y học hàng đầu New England Journal of Medicine đã công bố một nghiên cứu lớn của Đan Mạch bác bỏ giả thuyết về mối liên hệ giữa vắc xin quai bị và bệnh tự kỷ. Một nghiên cứu thứ hai ở Phần Lan cho thấy rằng vắc xin không liên quan đến bệnh viêm màng não vô trùng hoặc viêm não cũng như chứng tự kỷ. Sau đó, vắc xin quai bị lại được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để phòng chống bệnh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, “Quai bị”, http://benhnhietdoi.vn/chuyen-de/chi-tiet/quai-bi/4#:~:text.
- Viện Y tế công cộng TP.HCM, “Bệnh quai bị (Parotitis)”, http://www.iph.org.vn/index.php/bnh-truyn-nhim/249-bnh-quai-b-parotitis#:~:text.
- Madsen, K. M., A. Hviid, M. Vestergaard, et al. ‘‘A Population-Based Study of Measles, Mumps, and Rubella Vaccination and Autism.’’ New England Journal of Medicine 347 (November 7, 2002): 1477–1482.
- Makela, A., J. P. Nuorti, and H. Peltola. ‘‘Neurologic Disorders after Measles-Mumps-Rubella Vaccination.’’ Pediatrics 110 (November 2002): 957–963.
- McKie, A., D. Samuel, B. Cohen, and N. A. Saunders. ‘‘A Quantitative Immuno-PCR Assay for the Detection of Mumps-Specific IgG.’’ Journal of Immunological Methods 270 (December 1, 2002): 135–141.