Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Quốc dân Đảng
Tôn Trung Sơn
Viên Thế Khải (1859 - 1916)
Tưởn Giới Thạch (1887-1975)

Quốc dân Đảng là tổ chức cách mạng sớm nhất của giai cấp tư sản Trung Quốc, thành lập ngày 10.10.1919 trên cơ sở các tổ chức tiền thân là Hưng Trung Hội (thành lập 24.11.1894), Đồng minh Hội (1905 – 1912), Quốc dân Đảng (1912 – 1914) và Trung Hoa Cách mệnh Đảng (1914 – 1919), cg. Trung Quốc Quốc dân Đảng (中國國民黨).

Mùa thu năm 1894, Tôn Trung Sơn ra nước ngoài lập Hưng Trung Hội ở Hawaii. Mùa xuân năm 1895, ông về Hồng Kông lập Tổng bộ Hưng Trung Hội, phát triển lực lượng ra các tỉnh để chuẩn bị khởi nghĩa. Từ năm 1902 đến năm 1905, Tôn Trung Sơn đã tiến hành một chuyến đi qua Hà Nội (Việt Nam), Nhật Bản, Honolulu, tới châu Mỹ, châu Âu. Đến đâu ông cũng tuyên truyền tư tưởng cách mạng, phát triển tổ chức cách mạng trong cộng đồng Hoa kiều, mở rộng ảnh hưởng của cách mạng tới khắp nơi trên thế giới.

Ngày 10.8.1905, tại Tokyo (Nhật Bản), Tôn Trung Sơn đã thành lập Trung Quốc Đồng minh Hội (gọi tắt là Đồng minh Hội). Các hội viên Hưng Trung Hội đều gia nhập và trở thành nòng cốt của Đồng minh Hội. Tôn Trung Sơn đã khái quát cương lĩnh thành Chủ nghĩa Tam dân: dân tộc, dân quyền, dân sinh. Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đó là một bản cương lĩnh cách mạng dân chủ tư sản tương đối hoàn chỉnh.

Trung Quốc Đồng minh Hội lên kế hoạch ủng hộ Cách mạng Tân Hợi và ủng hộ việc thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên, Tôn Trung Sơn không có quyền lực quân sự và nhượng lại cho Viên Thế Khải chức vụ Đại Tổng thống lâm thời của nước Cộng hòa.

Năm 1912, Đồng minh Hội thống nhất với bốn tổ chức khác là Thống nhất Cộng hòa Đảng, Quốc dân Công Đảng, Quốc dân Cộng tiến Đảng và Cộng hòa Thực tiến hội thành Quốc dân Đảng. Thành viên có thế lực nhất của Quốc dân Đảng là Tống Giáo Nhân. Quốc dân Đảng giành được số ghế nhiều nhất trong bầu cử Quốc hội lần thứ nhất (tháng 12.1912 – 1.1913). Tuy nhiên, Viên Thế Khải nhanh chóng từng bước bác bỏ quyền lực của Quốc hội trong các quyết định. Năm 1913, Tống Giáo Nhân bị ám sát tại Thượng Hải. Các thành viên của Quốc dân Đảng dưới quyền Tôn Trung Sơn nghi ngờ Viên Thế Khải đứng sau âm mưu nên họ tổ chức Cách mạng thứ hai vào tháng 7.1913 nhưng thất bại. Viên Thế Khải tuyên bố Quốc dân Đảng phản bội, ra lệnh trục xuất thành viên của Quốc dân Đảng ra khỏi Quốc hội. Tháng 11.1913, Viên Thế Khải cho giải tán Quốc dân Đảng.

Năm 1917, Tôn Trung Sơn từ Nhật Bản trở về Trung Quốc để lập một chính phủ quân sự tại Quảng Châu, đối lập với Chính phủ Bắc Dương nhưng bị lật đổ không lâu sau đó. Tôn Trung Sơn đến Thượng Hải, lập lại Quốc dân Đảng vào ngày 10.10.1919.

Năm 1923, Quốc dân Đảng hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ nhất để tiến hành đấu tranh chống các thế lực quân phiệt. Hợp tác này tan vỡ sau cuộc chiến tranh Bắc phạt (1926 – 1927).

Sau sự biến Tây An ngày 12.12.1936, Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đã đạt được sự hợp tác lần thứ hai và đánh bại đế quốc Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Quốc dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch tiếp tục cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản. Năm 1949, sau thất bại trong cuộc Nội chiến Quốc – Cộng, Quốc dân Đảng từ đại lục rút ra đảo Đài Loan. Quốc dân Đảng liên tục cầm quyền tại Đài Loan đến hết nhiệm kỳ của Lý Đăng Huy. Năm 2000, do thất bại trong bầu cử nhà lãnh đạo Đài Loan nên đảng này trở thành đảng đối lập với đảng cầm quyền. Trong cuộc bầu cử năm 2008, Mã Anh Cửu của Quốc dân Đảng giành thắng lợi, Quốc dân Đảng quay lại cầm quyền. Trong cuộc bầu cử năm 2016, Quốc dân Đảng thất bại nên một lần nữa trở thành đảng đối lập với đảng cẩm quyền.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Quốc dân Đảng là được tổ chức hai năm một lần. Uỷ ban Thường vụ Trung ương là cơ quan quyết sách tối cao của Quốc dân Đảng. Ủy ban Trung ương lập ra một số đơn vị để phụ trách vận hành công tác đảng thường nhật.

Quốc dân Đảng cùng với Đảng Thân dân và Tân Đảng tạo thành Liên minh Phiếm Lam – một trong hai liên minh chính trị lớn tại Đài Loan. Quốc dân Đảng hiện đứng đầu trong Liên minh Phiếm Lam, ủng hộ mục tiêu thống nhất với Trung Quốc đại lục. Quốc dân Đảng chấp thuận nguyên tắc một Trung Quốc, nhưng cho rằng chỉ có một Trung Quốc theo nhận thức chung 1992, đó là Trung Hoa Dân Quốc. Từ năm 2008, nhằm làm dịu căng thẳng với Trung Quốc đại lục, Quốc dân Đảng tán thành chính sách “ba không” theo định nghĩa của Mã Anh Cửu: không thống nhất, không độc lập và không sử dụng vũ lực. Năm 2016, bà Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến bộ trở thành nhà lãnh đạo ở Đài Loan, bà từ chối chính sách “một đất nước hai chế độ” của đại lục.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. 李松林、齐福麟、许小军等,中国国民党大事记,解放军出版社,1988年 (Lý Tùng Lâm, Tề Phúc Lân, Hứa Tiểu Quân, Biên niên sự kiện Trung Quốc Quốc dân Đảng, Nxb. Giải phóng quân, 1988).
  3. 杨奎松,国民党的联共与反共,社会科学文献出版社,2008年 (Dương Khuê Tùng, Liên cộng và chống cộng của Quốc dân Đảng, Nxb. Văn hiến Khoa học Xã hội, 2008).