Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Quốc - Cộng hợp tác

Quốc - Cộng hợp tác là liên minh giữa Trung Quốc Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các thời kỳ 1924 - 1927 và 1937 - 1945 để đấu tranh chống lại các thế lực quân phiệt và kháng chiến chống Nhật.

Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất (1924 -1927)[sửa]

Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1918), Trung Quốc vẫn trong tình trạng cát cứ quân phiệt, nhất là ở miền bắc Trung Quốc. Để tiến hành cuộc đấu tranh chống các thế lực quân phiệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra đường lối thành lập mặt trận thống nhất cách mạng trên cơ sở hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc Quốc dân Đảng tại Đại hội lần thứ ba (6.1923).

Được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 1.1924, Trung Quốc Quốc dân Đảng đã triệu tập Đại hội lần thứ nhất tại Quảng Châu. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng, trong đó có 10 đảng viên cộng sản. Đại hội lần thứ nhất của Trung Quốc Quốc dân Đảng đánh dấu sự hình thành quan hệ hợp tác Quốc – Cộng và Mặt trận thống nhất cách mạng.

Hợp tác Quốc – Cộng và Mặt trận thống nhất cách mạng đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc. Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ. Mùa hè năm 1924, hàng nghìn công nhân Quảng Châu bãi công dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản. Phong trào nông dân ở Quảng Đông, Hồ Nam,… phát triển mạnh. Ở các thành phố còn có phong trào phản để, đòi bãi bỏ các hiệp ước bất bình đẳng.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở miền nam Trung Quốc, chính quyền quân phiệt Bắc Dương đã gửi điện mời Tôn Trung Sơn lên Bắc Kinh để bàn việc nước. Tuy nhiên, trên đường đến Bắc Kinh, Tôn Trung Sơn lâm bệnh và mất ngày 12.3.1925. Sau khi Tôn Trung Sơn mất, nội bộ Quốc dân Đảng phân hóa sâu sắc thành phái tả, phái hữu và phái giữa.

Sáng sớm ngày 20.3.1926, lấy cớ sự kiện “Chiến hạm Trung Sơn”, Tưởng Giới Thạch ra lệnh thiết quân luật toàn thành phố Quảng Châu, bắt giam Quyền Cục trưởng Cục Hải quân Lý Chi Long. Đồng thời, Tưởng Giới Thạch cho lực lượng thân cận chiếm chiến hạm Trung Sơn và Cục Hải quân, bao vây Lãnh sự quán Liên Xô. Sau sự kiện này, quan hệ Quốc – Cộng tuy đã rạn nứt nhưng chưa đổ vỡ. Hai bên đều có sự kiềm chế và nhượng bộ.

Ngày 18.4.1927, Tưởng Giới Thạch thành lập Chính phủ Quốc dân ở Nam Kinh, đối lập với Chính phủ Quốc dân ở Vũ Hán. Người đứng đầu Chính phủ Vũ Hán là Uông Tinh Vệ tìm cách ngăn chặn phong trào đấu tranh của quần chúng. Cuối tháng 6.1927, trước sức ép của Uông Tinh Vệ, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh giải tán lực lượng tự vệ của công nhân Vũ Hán với hi vọng có thể duy trì quan hệ tốt với phe cánh Uông Tinh Vệ. Ngày 15.7.1927, Uông Tinh Vệ tiến hành bắt, tàn sát đảng viên và quần chúng cách mạng. Sau đó, Uông Tinh Vệ đã liên kết với Tưởng Giới Thạch, tham gia chính phủ Quốc dân Đảng ở Nam Kinh. Mặt trận thống nhất cách mạng trên cơ sở hợp tác Quốc – Cộng đến đây hoàn toàn tan vỡ. Sự kiện này cũng đánh dấu sự chấm dứt hợp tác Quốc – Cộng lần thứ nhất.

Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai (1937 - 1945)[sửa]

Trong những năm 1935 - 1936, khu vực Nội Mông chịu ảnh hưởng nặng nề từ phía Nhật Bản. Tại Trung Quốc, nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản vẫn tiếp diễn. Tháng 12.1936, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành phát động sự biến Tây An, thi hành binh biến, khiến Tưởng Giới Thạch phải tạm dừng việc tiêu diệt lực lượng cộng sản. Tưởng bị bắt làm con tin và chỉ được phóng thích khi chấp nhận hợp tác với những người cộng sản kháng Nhật.

Ngày 15.7.1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi “Tuyên ngôn công bố về sự hợp tác Quốc Cộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc” cho Quốc dân đảng. Giữa tháng 8.1937, Tưởng Giới Thạch buộc phải đồng ý tổ chức lại Hồng quân Trung ương ở phía bắc Thiểm Tây thành Bát lộ quân Quốc dân cách mạng quân.

Ngày 22.9.1937, Thông tấn xã Trung ương Quốc dân Đảng ra “Tuyên bố công bố về sự hợp tác Quốc – Cộng của Quốc dân Đảng”. Ngày 23.9.1937, Tưởng Giới Thạch đã có bài phát biểu, chỉ ra sự cần thiết phải đoàn kết chống xâm lược và công nhận địa vị pháp lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trong nước. Tuyên bố hợp tác giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản cùng với bài nói chuyện của Tưởng Giới Thạch đã đánh dấu sự hợp tác lần thứ hai giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản.

Hợp tác lần thứ hai giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản được nhân dân các dân tộc, các đảng phái dân chủ và các nhà dân chủ yêu nước trong cả nước nhiệt liệt hoan nghênh. Điều này thúc đẩy sự phát triển của Mặt trận thống nhất chống Nhật trên toàn quốc.

Từ tháng 9.1937 đến tháng 3.1945, các đơn vị Bát lộ quân và Tân tứ quân đã chiến đấu hơn 115.000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 9 vạn quân Nhật, bắt làm tù binh hơn 28 vạn, gọi hàng 10 vạn. Đảng Cộng sản đã xây dựng được khu giải phóng nằm rải rác trong 19 tỉnh ở các vùng Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam và Tây Bắc với số dân trên 100 triệu người. Tại các vùng giải phóng, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, cải cách kinh tế, chính trị, xã hội được áp dụng.

Trong khi cuộc kháng chiến chống Nhật đang tiếp diễn, tập đoàn Tưởng Giới Thạch lại chỉ tập trung lực lượng cho chính sách chống cộng. Tưởng Giới Thạch đã phát động các cao trào chống cộng trong những năm 1939 – 1940, 1940 – 1941 và năm 1943. Đến năm 1944, quân đội Quốc dân Đảng bị quân Nhật đánh bại. Vùng Hoa Nam và tỉnh Hồ Nam rơi vào tay phát xít Nhật. Tháng 6.1946, Trung Quốc Quốc dân Đảng phát động một cuộc nội chiến toàn diện với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hợp tác Quốc – Cộng lần thứ hai chấm dứt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. 李松林、齐福麟、许小军等,中国国民党大事记,解放军出版社,1988年 (Lý Tùng Lâm, Tề Phúc Lân, Hứa Tiểu Quân, Biên niên sự kiện Trung Quốc Quốc dân Đảng, Nxb. Giải phóng quân, 1988).
  3. 杨奎松,国民党的联共与反共,社会科学文献出版社,2008年 (Dương Khuê Tùng, Liên cộng và chống cộng của Quốc dân Đảng, Nxb. Văn hiến Khoa học Xã hội, 2008).