Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Quặng apatit Lào Cai

Quặng apatit Lào Cai là quặng apatit-dolomit có trữ lượng lớn ở Lào Cai, Việt Nam, là nguyên liệu cho sản xuất phân lân.

Được phát hiện vào năm 1924, đây là quặng photphat có nguồn gốc trầm tích biển, thành hệ tiền Cambri chịu các tác dụng biến chất và phong hoá. Dưới tác dụng của điều kiện địa lý đá chứa photphat chuyển thành quặng apatit-dolomit, là nguyên liệu chủ yếu được sử dụng cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón chứa lân ở Việt Nam. Trữ lượng apatit-dolomit lớn nhất được phân bố ở tỉnh Lào Cai.

Các tầng quặng[sửa]

Quặng apatit Lào Cai có các tầng:

  • Tầng KS4 (còn gọi là tầng dưới quặng) là tầng nham thạch apatit carbonat - thạch anh - muscovit có chứa carbon. Tầng này gồm hai loại phiến thạch chính là dolomit - apatit - thạch anh và apatit - thạch anh - dolomit, chứa khoảng 35- 40% apatit. Chiều dày của tầng này từ 35-40m.
  • Tầng KS5 (còn gọi là tầng quặng): đây là tầng apatit carbonat. Quặng apatit có hàm lượng P2O5 từ 28-40% gọi là quặng loại 1. Chiều dày tầng quặng từ 3m tới 12m.
  • Tầng KS6, KS7 (còn gọi là tầng trên quặng): nham thạch của tầng này có hàm lượng thạch anh, muscovit và carbonat cao hơn nhiều và hàm lượng apatit giảm. Chiều dày của tầng này từ 35-40m.

Phân loại[sửa]

Quặng apatit Lào Cai được phân chia thành bốn loại:

  • Quặng loại I: là loại quặng apatit hầu như đơn khoáng, có hàm lượng P2O5 chiếm khoảng từ 28-40%.
  • Quặng loại II: là quặng apatit-dolomit, có hàm lượng P2O5 chiếm khoảng 18- 25%.
  • Quặng loại III: là quặng apatit-thạch anh,có hàm lượng P2O5 chiếm khoảng từ 12-20%, trung bình khoảng 15%.
  • Quặng loại IV: là quặng apatit-thạch anh-dolomit, có hàm lượng P2O5 khoảng 8-10%.

Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đảm nhiệm việc khai thác, chế biến quặng apatit Lào Cai để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân và phospho vàng (P4). Công suất khai thác, chế biến khoảng 3 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 0,7 triệu tấn/năm là quặng loại một, 0,9 triệu tấn/năm là quặng loại 2, số còn lại là quặng tuyển từ quặng loại 3, loại 4 và một phần loại 2. Thuốc tuyển dùng để tuyển quặng apatit Lào Cai một phần được nhập khẩu (khoảng 50%) và một phần do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam sản xuất trong nước.

Tham khảo[sửa]