Mục từ này cần được bình duyệt
Quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo tàng

(DI SẢN VĂN HÓA)

nhà nước sử dụng cơ chế, chính sách thông qua bộ máy quản lý tác động có tính chất định hướng tới cộng đồng xã hội nhằm đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, bảo tồn, bảo tàng.

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa đã sớm được Đảng và Nhà nước dành cho sự quan tâm thích đáng. Ngày sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23.11.1945, ấn định cho Đông phương Bác cổ học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, đồng thời khẳng định bảo tồn cổ tích là công việc rất cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Chính vì ý nghĩa lịch sử quan trọng này, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23.11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Sau Sắc lệnh số 65/SL, Nghị định số 519/TTg ngày 29.10.1957 quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích là văn bản có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1984, đã xác định mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam "đều đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước".

Ngày 04.4.1984, Pháp lệnh số 14/LCT/HĐNN7 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh được ban hành, trong đó, Điều 2 của Pháp lệnh quy định Nhà nước thống nhất quản lý các di tích lịch sử văn hoá và danh lam, thắng cảnh, bao gồm: kiểm kê, đăng ký, công nhận và xác định các loại hình di tích lịch sử văn hoá và danh lam, thắng cảnh; quy định chế độ bảo vệ sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam, thắng cảnh và tổ chức việc thực hiện các chế độ đó; thanh tra việc thi hành những quy định của pháp luật về việc bảo vệ sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Theo quy định của Pháp lệnh, lần đầu tiên quản lý nhà nước về di sản văn hóa được phân thành 3 cấp cụ thể, trong đó, Hội đồng Bộ trưởng thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh trong cả nước; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng; Bộ Văn hóa và các cơ quan văn hóa thuộc hệ thống Bộ này tại các địa phương là những cơ quan giúp Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh.

Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời (được sửa đổi bổ sung vào năm 2009). Trong Luật này, khái niệm di sản văn hóa được hiểu là các di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật cũng quy định rõ nội hàm của các khái niệm có liên quan, như: di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia.

Theo quy định tại Điều 54 Luật Di sản văn hóa, nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa bao gồm: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức, chỉ đạo khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.

Luật cũng quy định rõ phương thức tổ chức và phân cấp quản lý di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương, trong đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hoá, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo phân công của Chính phủ. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hoá ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

Có thể thấy rằng, Luật di sản văn hóa đã quy định và cụ thể hóa rõ đối tượng cũng như chủ thể của việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Nếu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hoá, thì Cục Di sản văn hóa chính là đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc, được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa tại các bộ, ngành và địa phương hiện bao gồm các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên 03 lĩnh vực là quản lý di tích, quản lý bảo tàng và quản lý di sản văn hóa phi vật thể.

Hệ thống tổ chức quản lý di tích

Hiện nay, pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của ban quản lý di tích chưa đầy đủ. Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21.9.2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam chỉ quy định về tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới. Do đó, hệ thống tổ chức bộ máy của ban quản lý di tích khá đa dạng, theo nhiều mô hình khác nhau, cụ thể là: Ban quản lý di tích trực thuộc bộ, ngành (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Di tích Dinh Thống nhất trực thuộc Văn phòng Chính phủ; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); Ban quản lý di tích trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long …); Ban quản lý di tích trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao gồm đơn vị quản lý một số di tích cụ thể (Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng...) và đơn vị quản lý nhiều di tích (Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh...); Ban quản lý trực thuộc cấp huyện gồm đơn vị quản lý một số di tích cụ thể (Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn, Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Hội An...) và đơn vị quản lý nhiều di tích (Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý di tích huyện Chí Linh...).

Ngoài ra, đối với các tỉnh không có ban quản lý di tích trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thì công tác quản lý di tích giao cho bảo tàng cấp tỉnh, hoặc Phòng Quản lý di sản văn hóa, Phòng Quản lý văn hóa của Sở.

Hệ thống tổ chức quản lý bảo tàng

Căn cứ vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009, hệ thống bảo tàng Việt Nam bao gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập, trong đó, bảo tàng công lập có 04 loại: bảo tàng quốc gia (Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam); bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...); bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam,Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Hải dương học...); bảo tàng cấp tỉnh (Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Sơn La, Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Cần Thơ...)

Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một mạng lưới với 169 bảo tàng (gồm 126 bảo tàng công lập và 43 bảo tàng ngoài công lập), trong đó các bảo tàng lớn tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện có trên 3 triệu tài liệu, hiện vật là các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đang được bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị tại các bảo tàng trên cả nước.

Hệ thống tổ chức quản lý di sản văn hóa phi vật thể

63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã có đơn vị chuyên trách quản lý và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương, như: Phòng Quản lý di sản văn hóa hoặc Phòng Quản lý văn hóa.

Là hoạt động quản lý mới, bộ máy quản lý tại địa phương đang từng bước được hoàn thiện, nên việc phân công trách nhiệm quản lý di sản văn hóa phi vật thể cũng rất khác nhau: một số tỉnh đã thành lập được đơn vị chuyên trách là Phòng Quản lý di sản văn hóa, nhưng hiện nay nhiều địa phương đã sáp nhập đơn vị này vào Phòng Quản lý văn hóa - phụ trách nhiều mảng trong lĩnh vực văn hóa. Có địa phương giao cho ban quản lý di tích hoặc bảo tàng cấp tỉnh kiêm nhiệm, phụ trách.

Kể từ ngày Sắc lệnh số 65/SL ra đời, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quản lý nhà nước về di sản văn hóa đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao: tham mưu xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt, tổ chức xếp hạng bảo tàng; tổ chức tổng kiểm kê di tích trong cả nước, kiểm kê được trên 40.000 di tích, trong số đó hàng nghìn di tích được lập hồ sơ, xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và khoanh vùng bảo vệ, nhiều di tích được tiến hành tu bổ, tôn tạo; tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê được gần 63.000 di sản; tổ chức nhiều hội thảo và các khóa tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước; xuất bản tạp chí chuyên ngành; tổ chức dịch thuật, in ấn, xuất bản các tài liệu, kỉ yếu hội thảo chuyên ngành; hướng dẫn tổ chức các hoạt động nhân Ngày bảo tàng thế giới và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam; tổ chức thẩm định hồ sơ và trình Chính phủ ra quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Di sản văn hóa, Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Đề tài cấp Bộ, 2012.

2. Nghị định số 519/TTg ngày 29.10.1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích.

3. Pháp lệnh số 14/LCT/HĐNN7 ngày 04.4.1984 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật di sản văn hóa năm 2001.

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.

6. Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg ngày 24.02.2005 của Thủ tướng Chính phủ về ngày di sản văn hóa Việt Nam

7. Sắc lệnh 65/SL ngày 23.11.1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về bảo tồn cổ tích.