Quý tộc Jongke là các quý tộc chuyển sang kinh doanh theo hướng tư bản chủ nghĩa ở vùng Đông Phổ (nước Đức), cg. quý tộc tư sản hoá.
Nguồn gốc “Jongke” (Junker) xuất phát từ một thuật ngữ Middle High German Juncherre, có nghĩa là ông chủ nhỏ, hay lãnh chúa trẻ. Để đánh dấu danh hiệu quý tộc, nhiều gia đình jongke có cái tên như “Von”, “Zu” đứng ở trước và được truyền từ đời này sang đời khác. Bên cạnh đó, họ dùng các từ viết tắt như Jkr. (cho nam) và Jkfr. (cho nữ) để chỉ chức danh. Trong một số trường hợp kính ngữ Jkr cũng được sử dụng cho nam tước hoặc bá tước. Chế độ Junker này được thừa nhận từ những năm 1400 ở Đức. Qua nhiều thế kỷ, tầng lớp này đã trở thành những người có tầm ảnh hưởng lớn, đặc biệt là những vùng đất phía đông sông Elbe thuộc vương quốc Phổ.
Trong những năm 50-60 của thế kỷ XIX, nền kinh tế công nghiệp ở Đức phát triển mạnh, tầng lớp Jongke ở Phổ mong muốn nhờ vào vũ lực để thống nhất nước Đức, qua đó, họ có thể sử dụng quyền lực để kiểm soát toàn bộ nhân dân Đức. Xét về mặt thực lực thì tầng lớp này từ thế kỷ XVII trở đi đã là một lực lượng mạnh về các mặt kinh tế, chính trị quân sự. Do vậy, họ có đủ sức mạnh để lãnh đạo sự thống nhất nước Đức. Ở thời điểm này, vấn đề đặt ra cho việc thống nhất nước Đức là theo con đường của giai cấp vô sản để thống nhất nước Đức “từ dưới lên trên”, hay theo con đường thống nhất “từ trên xuống dưới” của giai cấp Jongke ở Phổ. Trong khi giai cấp vô sản Đức chưa đạt được trình độ trưởng thành về mặt tổ chức, hoặc về sự giác ngộ tư tưởng, thì giai cấp Jongke chiếm ưu thế về mọi mặt. Vì vậy, việc thống nhất nước Đức được đặt trong tay tầng lớp Jongke ở Phổ, thông qua con đường chiến tranh vương triều và xâm lược các quốc gia láng giềng, như Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870 -1871).
Jongke nổi tiếng nhất được biết đến ở Đức là Otto von Bismarck. Ông là thủ tướng của nước Phổ, người đã lãnh đạo Phổ tiến hành công cuộc thống nhất nước Đức vào năm 1871. Sau khi nước Đức thống nhất, ông tiếp tục làm Thủ tướng để lãnh đạo đất nước. Dưới thời đế chế Đức (1871-1918) và nền Cộng hòa Weimar (1919-1933), tầng lớp Jongke đã câu kết với thế lực đại tư sản thâu tóm quyền lực chính trị của nhà nước Đức. Như vậy, mặc dù là nhà nước mang tính chất tư bản chủ nghĩa, nhưng ở Đức tầng lớp quý tộc Jongke vẫn có vai trò và ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở khu vực Đông Phổ. Họ nắm trong tay nhiều quyền lực kinh tế, chính trị và ngoại giao, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Về mặt kinh tế, họ sở hữu một số lượng đất đai rộng lớn. Số ruộng đất này được giao cho các bần cố nông canh tác.
Tầng lớp Jongke chỉ thực sự trở nên suy yếu từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi Đông Đức đặt dưới sự chiếm đóng của Liên Xô. Các cuộc cải cách ruộng đất ở Đông Đức đã tịch thu phần lớn đất đai của các Jongke để chia cho nông dân và sau đó được chuyển thành các hợp tác xã. Hơn nữa, nhiều Jongke bị kết án, bị bỏ tù hoặc bị xử tử như là tội phạm chiến tranh do họ đã tham gia vào chính quyền Đức Quốc xã. Sau khi nước Đức được thống nhất thành Cộng hoà liên bang Đức (1990), một số Jongke cố gắng đòi lại tài sản đã bị tịch thu trong các cuộc cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, các toà án Đức đều bác bỏ các yêu cầu bồi hoàn và xác nhận rằng sẽ không đảo ngược các quyết định tịch thu ruộng đất và tài sản dưới thời Liên Xô chiếm đóng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đỗ Thanh Bình (chủ biên), Lại Bích Ngọc, Vũ Ngọc Oanh, Lương Kim Thoa, Đặng Thanh Tịnh, Một số vấn đề về lịch sử thế giới, Hà Nội, 1996.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương lịch sử thế giới cận đại, tập hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
- Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Hà Nội, 2002.
- Francis Ludwig Carsten (1989), A history of the Prussian Junkers (Lịch sử Quý tộc Jongke Phổ), Scolar Press, Aldershot, 1989.