Quân thường trực là toàn bộ quân nhân đang phục vụ tại ngũ, bộ phận nòng cốt của Lực lượng vũ trang.
Ở một số nước, lực lượng vũ trang chỉ gồm có Quân thường trực và được tổ chức, biên chế trong các quân chủng và binh chủng nhất định. Quân thường trực ra đời gắn liền với lịch sử ra đời lực lượng vũ trang của một nhà nước, một tập đoàn xã hội với mục đích để bảo vệ lợi ích, duy trì địa vị của giai cấp thống trị, chống lại sự xâm nhập ngoại tộc, hoặc tiến hành xâm lược ra bên ngoài; phát triển theo xu thế chính quy, hiện đại hóa, tăng cường trang bị, nâng cao khả năng tác chiến, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp, tình huống bị răn đe, hay các cuộc chiến tranh; biến động theo nguyên tắc giảm quân số thời bình để tiết kiệm chi phí, tăng quân số thời chiến đáp ứng yêu cầu cấp bách.
Trong thời bình, Quân thường trực thực hiện các nhiệm vụ: huấn luyện quân sự; bảo quản vũ khí trang bị, phương tiện kĩ thuật và dự trữ vật chất; xây dựng lực lượng dự bị động viên; sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo đảm triển khai động viên nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Một số nước cho phép một bộ phận Quân thường trực (tách ra từ các đơn vị bộ đội ở quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chuyên môn) tận dụng thời gian và sử dụng một phần cơ sở vật chất kĩ thuật để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thiết yếu, cải thiện đời sống của các đơn vị quân đội và đáp ứng một phần nhu cầu vật chất của xã hội. Quân thường trực được khôi phục và phát triển theo tổ chức biên chế thời chiến của quân đội khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.
Quy mô tổ chức Quân thường trực phụ thuộc vào điều kiện cụ thể từng nước (điều kiện địa lý, dân số, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, tâm lý, mâu thuẫn sắc tộc...). Hiện nay, các nước có Quân thường trực đông nhất hầu hết là các nước lớn như: Trung Quốc (2.183.000), Ấn Độ (1.362.500), Mĩ (1.281.900), Nga (1.013.628)... Trên thực tế, Quân thường trực các nước này cũng được trang bị các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật với số lượng lớn và hiện đại bậc nhất thế giới. Mĩ có tổng cộng 13.398 máy bay, bao gồm 5.760 trực thăng; 415 tàu quân sự. Nga có 21.932 xe tăng chiến đấu, 50.000 xe thiết giáp, 352 chiến hạm. Trung Quốc có 714 tàu hải quân, 6.246 pháo xe kéo...
Quân đội nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người thực hiện chức năng, nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Ngoài ra, có lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người, sẵn sàng bổ sung cho Quân thường trực khi có chiến tranh.
Xu thế phát triển Quân thường trực của các cường quốc quân sự hiện nay là duy trì ưu thế hạt nhân, tăng cường xây dựng quân đội chính quy, đặc biệt là lực lượng phản ứng nhanh, tăng cường khả năng can dự đột kích mang tính khu vực cục bộ, duy trì Quân thường trực ít nhưng tinh nhuệ, đồng thời tăng cường xây dựng lực lượng hậu bị mạnh và thể chế động viên nhanh chóng. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam (nòng cốt là Quân thường trực) theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động; trang bị các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. (807 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Binh chế Đại Việt thế kỷ XI-XV, Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, 2006.
- Luật Nghĩa vụ quân sự Quân độ nhân dân Việt Nam, 2015.
- Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2019.