Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Quá trình quy hoạch chiến lược mới

Quá trình quy hoạch chiến lược mới là những tập hợp các hành động của một tổ chức (nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể,…) về phân bố nguồn lực và sắp xếp không gian, thời gian cho việc hình thành và thực hiện chiến lược, trong đó trình bày một danh sách các bước mà các nhà quản lý cần tuân thủ để hoàn thành và thực hiện một chiến lược trong một tổ chức.

Chiến lược là một hành động mà các nhà quản lý thực hiện để đạt được một hoặc nhiều mục tiêu của tổ chức. Có rất nhiều loại chiến lược khác nhau về bản chất như chiến lược kinh tế xã hội, chiến lược phát triển, chiến lược quốc phòng, chiến lược ngoại giao, chiến lược kinh doanh; hoặc khác nhau về quy mô: toàn cầu, quốc gia, địa phương, doanh nghiệp,…

Quy hoạch là việc phân bố nguồn lực và sắp xếp không gian, thời gian đối với các hành động phát triển trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện) cho một mục tiêu nhất định trong một thời kì trung hạn, dài hạn.

Quá trình là tập hợp các hoạt động có liên quan hoặc tương tác với nhau để cho ra sản phẩm hoặc kết quả dự kiến. Các quy hoạch chiến lược mới dù có khác nhau về bản chất, nội dung và quy mô nhưng đều có những điểm chung và các bước quy hoạch gần giống nhau. Thông thường các quy hoạch chiến lược có thể chia ra 5 bước cơ bản:

  • Một là xác định vị trí chiến lược - giai đoạn đầu tiên của quá trình lập quy hoạch chiến lược. Cần nhìn nhận toàn diện, tổng thể và cụ thể về vấn đề đang diễn ra để đặt câu hỏi về tầm quan trọng và vị trí của chiến lược cần được xây dựng cho tổ chức (nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể,…). Để có bước này, các tổ chức cần có nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn trước
  • Hai là xác định các mục tiêu ưu tiên: xác định rõ các mục tiêu cụ thể có thể đo lường được mà chiến lược phải đạt được trong khung thời gian nhất định. Lúc đầu xây dựng nên đặt ra càng nhiều mục tiêu càng tốt, nhưng sau đó xem xét và chọn ra những mục tiêu quan trọng, có sức ảnh hưởng rộng để ưu tiên thực hiện. Bước này được thực hiện một cách hiệu quả thông qua các hội thảo trao đổi của các bên liên quan đến chiến lược
  • Ba là xây dựng quy hoạch chiến lược: xây dựng các chiến thuật cụ thể và thiết lập khung thời gian để theo dõi tiến độ và hiệu quả công việc trong quá trình thực hiện chiến lược. Dấu mốc kết thúc bước ba là văn bản chiến lược đã được người đứng đầu tổ chức ký ban hành
  • Bốn là thực hiện và quản lý chiến lược: giai đoạn hành động của quá trình quy hoạch chiến lược. Trong bước này, chiến lược được những người tham gia triển khai trên thực tế để tạo ra hiệu quả mong muốn và thực hiện các mục tiêu dự kiến khi xây dựng. Trong quá trình thực hiện, người đứng đầu tổ chức luôn theo dõi tiến độ và hiệu quả của việc thực hiện chiến lược, nhằm hướng việc thực hiện chiến lược đạt được các mục tiêu dự kiến
  • Năm là xem xét và sửa đổi chiến lược: tổ chức xây dựng chiến lược tiến hành thu thập các số liệu, minh chứng về kết quả hay hiệu quả chiến lược để xem xét và sửa đổi chiến lược cho phù hợp với môi trường và hoàn cảnh mới của vấn đề mà chiến lược đã được xây dựng.

Ở Việt Nam, vấn đề quy hoạch chiến lược mới được thực hiện ở cấp độ Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, trong đó quá trình quy hoạch chiến lược của các doanh nghiệp tư nhân đang triển khai ở mức độ khác nhau đối với các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cũng tương tự như ở các quốc gia khác trên thế giới. Quá trình quy hoạch chiến lược mới ở các tổ chức nhà nước được thực hiện mang tính chất đặc thù theo các bước tuần tự sau: tổ chức nhà nước (bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước) đề xuất với cấp trên xây dựng chiến lược cho tổ chức mình --> tổ chức nhà nước khởi xướng chiến lược xây dựng bản phác thảo chiến lược --> tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị các bên liên quan (các nhà khoa học, các đối tác thụ hưởng và chịu ảnh hưởng của chiến lược, các ngành và địa phương có liên quan) để lấy ý kiến góp ý và phản biện bản thảo chiến lược --> hoàn thiện bản thảo chuyển cơ quan quản lý cấp trên xin ý kiến --> chỉnh sửa và ban hành văn bản chiến lược --> tổ chức thực hiện chiến lược theo các nội dung, mục tiêu đã ban hành --> đánh giá hiệu quả chiến lược theo khung thời gian quy định và đề xuất các điều chỉnh chiến lược phù hợp với tình hình mới --> ban hành bản chiến lược điều chỉnh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Grunig R., Kuhn R., The Strategy Planning Process: Analyses, Options, Projects, Springer, 2015.
  2. Lê Văn Khoa, Nguyễn Tiến Dũng, Chiến lược và chính sách môi trường, Nxb. ĐHQGHN, 2000.
  3. Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh, Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững, Nxb. ĐHQGHN, 2000.
  4. National Minority AIDS Council, USA, Strategic Planning, Washington, 2009.
  5. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật số 80/2015/QH13 - Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, ngày 22/06/2015.