Khái niệm
Hay quá độ nhân khẩu học - demographic transition, là quá trình chuyển đổi của các dân số từ mức chết và mức sinh đều cao sang mức chết thấp và mức sinh thấp do tác động của quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Quá độ dân số thường trải qua 4 giai đoạn: (1) tiền quá độ, (2) đầu quá độ, (3) cuối quá độ và (4) hậu quá độ, mặc dù thực tế quá trình chuyển đổi diễn ra chủ yếu ở hai giai đoạn 2 và 3 (Hình 1).
Hình 1. Sự biến đổi mức sinh, mức chết, và dân số qua các giai đoạn của quá độ dân số
Ghi chú: Độ dài các giai đoạn trong thực tế có thể rất khác nhau.
• Giai đoạn 1: Tiền quá độ (pre-transition)
Giai đoạn tiền quá độ còn được gọi là giai đoạn ổn định ở mức sinh-chết cao. Trong giai này, mức sinh và mức chết đều cao (khoảng trên 30‰) và khá cân bằng, tuổi thọ trung bình là dưới 40 tuổi và mỗi phụ nữ sinh trung bình từ năm đến tám con. Đó thường là xã hội trong thời kỳ tiền công nghiệp với điều kiện về thực phẩm, dinh dưỡng, nhà ở, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe rất hạn chế so với tiêu chuẩn ngày nay.
• Giai đoạn 2: Đầu quá độ (early-transition)
Trong giai đoạn đầu quá độ, mức chết giảm nhanh do có những cải thiện về điều kiện dinh dưỡng, nhà ở, vệ sinh, phòng chữa bệnh truyền nhiễm…, đặc biệt là đối với trẻ em. Tỷ lệ gia tăng dân số trong giai đoạn này tăng nhanh, có thể đến trên 3%/năm vào cuối giai đoạn.
• Giai đoạn 3: Cuối quá độ (late-transition)
Giai đoạn cuối quá độ thường bắt đầu khi tỷ suất tăng dân số tự nhiên bắt đầu giảm. Mức chết tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm dần trong khi mức sinh giảm nhanh. Do mức sinh vẫn cao hơn nhiều so với mức chết, dân số tiếp tục tăng khá nhanh nhưng với tốc độ giảm dần. Đến cuối giai đoạn này, mỗi phụ nữ sinh trung bình dưới 2,5 con và mức sinh tiếp cận mức thay thế (2,1 con). Động lực chính của giảm sinh chuyển từ giảm mức chết trẻ em, cải thiện dịch vụ tránh thai và chính sách hạn chế sinh đẻ sang tác động của quá trình hiện đại hóa, dẫn đến thay đổi chuẩn mực về số con mong muốn và các điều kiện sinh đẻ, nuôi dạy con cái.
• Giai đoạn 4: Hậu quá độ (Post-transition)
Trong giai đoạn hậu quá độ, mức tử vong và mức sinh đều thấp với tuổi thọ trung bình vượt quá 65 tuổi và mỗi phụ nữ sinh trung bình khoảng 2 con, thậm chí có thể thấp hơn mức thay thế. Tỷ suất tăng dân số tự nhiên giảm dần về 0 và dân số trong giai đoạn này thường ổn định hoặc chỉ tăng rất chậm, hoặc cũng có thể giảm nhẹ. Giai đoạn hậu quá độ còn được gọi là giai đoạn ổn định ở mức sinh-chết thấp (Low stationary).
• Giai đoạn 5 và 6
Từ thực tế ở nhiều quốc gia, một số nhà nhân khẩu học bổ sung thêm khái niệm về giai đoạn thứ 5 của quá độ dân số, khi mức sinh thấp hơn mức chết và giảm sâu dưới mức sinh thay thế. Hiện tượng này còn gọi là quá độ nhân khẩu học thứ hai (Second demographic transition), khi mức chết trẻ em đã khá thấp nhưng không còn là động lực và cũng không thể giải thích cho giảm sinh dưới mức thay thế (Lesthaeghe, 1995, 2014). Thậm chí có nghiên cứu còn chỉ ra giai đoạn thứ 6 của quá độ dân số ở một số quốc gia với mức sinh tăng trở lại khi chỉ số phát triển con người đạt đến mức rất cao (Myrskylä et al., 2009).
Bảng 1. Đặc điểm nhân khẩu học qua các giai đoạn của quá độ dân số
Tiền quá độ Đầu quá độ Cuối quá độ Hậu quá độ Giai đoạn 5
Mức chết Cao Giảm Thấp Thấp Thấp
Mức sinh Cao Cao Giảm Thấp Rất thấp
Tăng dân số tự nhiên Thấp và ổn định Tăng nhanh Giảm Thấp và ổn định Tăng trưởng âm
Dân số Rất trẻ Trẻ Già hóa Già hóa Già
Nguyên nhân và các yếu tố tác động đến quá độ dân số
Trong những thập kỷ gần đây, khi quá độ dân số trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển lý thuyết quá độ dân số theo hướng tìm hiểu nguyên nhân từ nhiều hướng tiếp cận như: mức chết, yếu tố kinh tế, văn hóa, chính sách, sự lan tỏa thông tin.
Khỏe mạnh và sống lâu luôn là khát vọng của con người trong mọi nền văn minh. Vì vậy, quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa tuy có thể động tiêu cực đến sức khỏe ở một số khía cạnh, nhưng nhìn chung, góp phần cải thiện đáng kể điều kiện kinh tế, dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế v.v… và mức chết giảm là điều khá hiển nhiên. Khi mức chết giảm thì có thể dự báo mức sinh sẽ giảm theo, nhưng rất khó biết trước khi nào mức sinh bắt đầu giảm, giảm trong bao lâu và giảm đến mức nào.
Hậu quả của quá độ dân số
Dân số tăng nhanh
Quá độ dân số luôn trải qua giai đoạn mức sinh cao hơn mức chết, tương ứng với tỷ suất tăng dân số tự nhiên cao và dân số gia tăng. Ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, quá độ dân số thường diễn ra trong vài thập kỷ, với mức chết giảm nhanh, nhưng mức sinh giảm chậm hơn nhiều dẫn đến tình trạng dân số gia tăng quá nhanh, còn gọi là giai đoạn bùng nổ dân số. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.
Biến đổi cơ cấu dân số
Do mức chết và mức sinh giảm trong quá độ dân số dẫn đến tỷ lệ dân số trẻ em giảm, tỷ lệ dân số người cao tuổi tăng, hay nói cách khác là dẫn đến quá trình già hóa dân số.
Vào cuối giai đoạn 3 của quá độ dân số thường xảy ra giai đoạn giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người từ 65 tuổi). Khi dân số trong độ tuổi phụ thuộc thấp hợp ½ dân số trong độ tuổi lao động thì gọi là thời kỳ dư lợi nhân khẩu học hay thời kỳ “dân số vàng”. Thời kỳ dân số vàng có thể kéo dài vài thập kỷ tùy thuộc vào đặc điểm quá độ dân số của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, theo theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số vàng kéo dài khoảng 34 năm, bắt đầu từ năm 2007 và kết thúc vào khoảng năm 2041.
Mức sinh thấp
Mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lục lượng lao động và thậm chí là dân số giảm. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế và xã hội của quốc gia.
Tỷ số giới tính khi sinh quá cao
Tỷ số giới tính khi sinh là tỷ số giữa số trẻ em trai với số trẻ em gái được sinh ra trong 1 năm nhất định. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến bình đẳng giới và nhiều hệ lũy xã hội khác kiên quan đến tình trạng thừa nam thiếu nữ, nhất là trong độ tuổi kết hôn.
Quá độ dân số trên thế giới và Việt Nam
Quá độ dân số ở các nước phát triển thường bắt đầu từ đầu thế kỷ 19 trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, trong khi hầu hết các nước đang phát triển bắt đầu quá độ dân số vào khoảng giữa thế kỷ 20. Khoảng thời gian trải qua quá độ dân số cũng rất khác biệt giữa các quốc gia.
Hình 2. Số năm để mức sinh giảm từ 6 con xuống còn 3 con ở một số quốc gia
Nguồn: Roser (2018).
Ví dụ, thời gian để giảm mức sinh từ trung bình mỗi phụ nữ từ 6 con xuống còn 3 con là từ 70 năm đến gần 100 năm ở Hy Lạp, Hoa Kỳ, Ba Lan và Anh, nhưng chỉ dưới 20 năm ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Iran (Hình 2). Ở Việt Nam, khoảng thời gian này là 32 năm: từ 1962 đến 1994.
Tài liệu tham khảo
1. Caldwell, John C. 1982. Theory of Fertility Decline. London: Academic Press.
2. Chesnais, Jean-Claude. 1992. The Demographic Transition. Oxford: Oxford University Press.
3. Cleland, John. 2001. “The Effects of Improved Survival on Fertility: A Reassessment”. In Global Fertility Transition, Supplement to Volume 27 of Population and Development Review, ed. Rodolfo A. Bulatao and John B. Casterline. New York: Population Council.
4. Coale, Ansley. 1973. “The Demographic Transition Reconsidered.” In International Population Conference, Vol. 1. Liège, Belgium: International Union for the Scientific Study of Population.
5. Coale, Ansley J., and Susan Cotts Watkins, eds. 1986. The Decline of Fertility in Europe. Princeton, NJ: Princeton University Press.
6. Davis, Kingsley. 1963. “The Theory of Change and Response in Modern Demographic History” Population Index 29: 345–366.
7. Easterlin, Richard. 1975. “An Economic Framework for Fertility Analysis”. Studies in Family Planning 6: 54–63.
8. Hirschman, Charles. 1994. “Why Fertility Changes”. Annual Review of Sociology 20: 203–233.
9. Landry, Adolphe. 1934. La revolution démographique. Paris: Sirey.
10. Lloyd, Cynthia, and Serguey Ivanov. 1988. “The Effects of Improved Child Survival on Family Planning Practices and Fertility’.’ Studies in Family Planning 19: 141–161.