Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phong trào xanh

Phong trào xanh là một thuật ngữ chỉ quan điểm của các nhà vận động chính trị và xã hội để ủng hộ việc quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua những thay đổi trong chính sách công và cả hành vi của mỗi con người. Khi nói đến phong trào xanh là nói đến ý thức và trách nhiệm của mỗi con người, bởi con người là một phần của các hệ sinh thái tự nhiên tham gia vào việc bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe.

Các nhà hoạt động môi trường chia thành ba nhóm theo độ đậm của màu xanh (xanh đậm, xanh nhạt và xanh tươi) để nói về phong trào xanh.

  • “Phong trào xanh nhạt” coi việc bảo vệ môi trường là trước tiên và luôn gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân và xem đây là lựa chọn mang tính phong cách sống riêng chứ không nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường như một hệ tư tưởng chính trị riêng biệt hoặc cải cách chúng.
  • “Phong trào xanh đậm” thì lại xem các vấn đề môi trường là một phần của nền văn minh công nghiệp hóa trong xã hội và đòi hỏi có sự thay đổi chính trị triệt để. Họ cho rằng các phương thức tổ chức xã hội thống trị hiện tại và quá khứ đã dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng thái quá, tiêu thụ quá mức, lãng phí, ảnh hưởng lớn đến thiên nhiên và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, nên quan điểm của họ thường gắn liền với những ý tưởng về chủ nghĩa sinh thái, quan tâm sâu sắc đến hệ sinh thái, đến sự thoái hóa và chủ nghĩa chống tiêu dùng, chủ nghĩa hậu duy vật, chủ nghĩa tổng thể và đôi khi là sự ủng hộ cho việc giảm số lượng con người và/hoặc từ bỏ công nghệ nhằm giảm bớt ảnh hưởng của con người đến hệ môi trường sinh thái.
  • “Phong trào xanh tươi” là quan điểm khác của các nhà hoạt động môi trường, đây được xem là hệ tư tưởng tiến bộ dựa trên niềm tin rằng sự thay đổi công nghệ mới và đổi mới sáng tạo nhằm mang lại sự thịnh vượng theo cách phát triển bền vững môi trường sinh thái. Ví dụ như việc sử dụng ô tô điện, hệ thống dây chuyền sản xuất có hiệu quả, công nghệ sinh học và nano, phổ cập hệ thống máy tính, chu trình vật liệu khép kín và thiết kế sản phẩm bền vững, tạo ra các sản phầm nhựa sinh học dễ phân hủy thay thế cho các bao bì nhựa truyền thống khó phân hủy,… tạo nên chất lượng cuộc sống được cải thiện ngay cả khi diện tích sinh thái bị thu hẹp. Các tư tưởng về “Phong trào xanh tươi” ngày càng được quan tâm nhiều hơn và sử dụng với tần suất ngày càng tăng do sự phổ cập những ý tưởng thông qua Internet và phương tiện thông tin truyền thống. Bên cạnh đó tư tưởng này luôn đề cập đến "công cụ, mô hình và ý tưởng" và từ đó có thể hạn chế và khắc phục những hậu quả để lại do những biến cố của môi trường.

Phong trào xanh chú trọng đến quan điểm của “Phong trào xanh tươi” nên trên thế giới đã có trào lưu kêu gọi bảo vệ môi trường kiểu như “Vancouver 2020: tương lai xanh”. Ở Scandinavia, Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh, người ta đưa ra ý tưởng về chủ nghĩa môi trường xanh dần phổ biến và được thảo luận rộng rãi nhất. Ví dụ, Triển lãm công nghệ và kinh doanh của Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen đã được gọi là “Phong trào xanh tươi”, còn Phong trào hoạt động vì biến đổi khí hậu của thanh niên Đan Mạch lại được gọi là “Tuổi trẻ xanh”.

Tại Việt Nam, Phong trào xanh được thể hiện thông qua các tuyên truyền về bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách sử dụng các túi nilon phân hủy sinh học, các bao bì bằng giấy; ngoài ra việc trồng cây xanh như phong trào “Thanh niên trong các phong trào bảo vệ môi trường” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặt mục tiêu huy động đoàn viên, thanh niên trồng mới 900.000 cây xanh. Đồng thời, thông qua các hoạt động này, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng. Tuy nhiên, các phong trào này cần có sự chung tay của các doanh nghiệp trong cả nước, song xét về quy mô thì các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm, không có tổ chức tư vấn cụ thể để hỗ trợ phát triển thị trường, thiếu sự liên kết đồng bộ… Nhưng trên tất cả là thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp có ý tưởng, có dự án sáng tạo nhưng lại không đủ tiềm lực tài chính để thực hiện.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. McGrail S., Environmentalism in Transition? Emerging Perspectives, Issues and Futures Practices in Contemporary Environmentalism, J. Fut. Stu., 15(3): 117-144, 2011.
  2. Newman J., Robbins P., Green Ethics and Philosophy. Sage publications, Inc. Los Angeles/ London/ New Delhi. Singapore/Washington DC, 2011.
  3. Staggenborg S., Ogrodnik C., New environmentalism and Transition Pittsburgh. Environ. Polit., 24(5): 723-741, 2015.