Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phong trào môi trường

Phong trào môi trường, bao gồm phong trào bảo tồn và phong trào xanh, là một cuộc vận động chính trị và xã hội, mang tính khoa học ủng hộ việc quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phục hồi môi trường tự nhiên thông qua những thay đổi trong chính sách công và hành vi của cá nhân. Trong nhận thức về Phong trào môi trường, con người là một phần của hệ sinh thái tự nhiên và phong trào đặt trọng tâm vào các vấn đề sinh thái, sức khỏe và quyền con người.

Phong trào môi trường là một phong trào quốc tế, đại diện bởi một loạt các tổ chức, từ lớn đến cơ sở và thay đổi từ quốc gia này sang quốc gia khác. Do số lượng thành viên lớn, niềm tin khác nhau và mạnh mẽ, Phong trào môi trường không phải lúc nào cũng quy tụ được các mục tiêu một cách nhất quán. Nói chung, phong trào quy tụ các công dân, các chuyên gia, tín đồ tôn giáo, chính trị gia, nhà khoa học, các tổ chức phi lợi nhuận,…

Phong trào môi trường bắt nguồn từ phản ứng với mức độ ô nhiễm khói trong khí quyển ngày càng tăng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp. Sự xuất hiện của các nhà máy lớn và tăng tiêu thụ than đã dẫn đến mức ô nhiễm không khí chưa từng có tại các trung tâm công nghiệp. Sau năm 1900, khối lượng lớn chất thải hóa học công nghiệp được thêm vào thải lượng chất thải của con người không qua xử lý. Từ việc gia tăng áp lực chính trị từ tầng lớp trung lưu thành thị, luật môi trường hiện đại đã xuất hiện dưới hình thức đạo luật Kiềm của Anh thông qua vào năm 1863 liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí và sản xuất natri cacbonat.

Phong trào môi trường phát triển mạnh về quy mô và bao gồm bất kỳ lĩnh vực nào liên quan tới môi trường cũng như bảo vệ thiên nhiên, các khu hệ động, thực vật phục vụ cho các mục đích khác nhau. Việc bảo vệ môi trường bao gồm ba nguyên lý cốt lõi là hoạt động của con người xâm hại môi trường; trách nhiệm công dân phải bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau và các phương pháp khoa học cần tiến hành để thực thi trách nhiệm này.

Phong trào môi trường hướng tới các phản ứng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, ô nhiễm nước và không khí. Cuối thế kỷ XIX chứng kiến sự hình thành các hội bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Tuy vậy, trong thời gian 1850-1950, nhiệm vụ bảo vệ môi trường chủ yếu liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đầu thế kỷ XX, Phong trào môi trường tiếp tục lan rộng và được công nhận rộng rãi với công tác bảo vệ thiên nhiên hoang dã, xử lý nước thải độc hại. Năm 1972, Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức tại Thụy Điển. Hội nghị đã quyết định thành lập Chương trình môi trường Liên hợp quốc. Từ đó, các vấn đề như suy giảm tầng ozôn, biến đổi khí hậu, mưa axit, đột biến trong chăn nuôi, động, thực vật biến đổi gen được đặc biệt chú ý. Nghị định thư Kyoto năm 1972 đã yêu cầu các quốc gia phải có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Nói chung, Phong trào môi trường bao gồm cả bảo tồn môi trường và chính trị xanh, là một phong trào khoa học, xã hội và chính trị đa dạng để giải quyết các vấn đề môi trường. Các nhà môi trường ủng hộ việc quản lý bền vững các nguồn tài nguyên và quản lý môi trường thông qua những thay đổi trong chính sách công và hành vi cá nhân. Công nhận nhân loại là người tham gia hệ sinh thái, Phong trào môi trường tập trung vào sinh thái, sức khỏe và nhân quyền. Đây là một phong trào quốc tế, được đại diện bởi một loạt các tổ chức, từ lớn đến cơ sở và thay đổi từ quốc gia này sang quốc gia khác. Ngày nay, sinh học bảo tồn và nghiên cứu đa dạng sinh học phát triển rất mạnh. Phong trào môi trường đang tập trung vào lĩnh vực tối khẩn thiết là sự ấm lên toàn cầu. Bảo vệ môi trường toàn cầu là sứ mệnh của toàn nhân loại. Phong trào môi trường cần tham gia thúc đẩy các giải pháp xử lý các thách thức của nhân loại như tăng dân số, ấm lên toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên,... Bảo vệ môi trường là thành tố quan trọng luôn gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bebbington A., Environmental Movements and Protest. International Encyclopedia of Geography: People, the Earth, Environment and Technology, 2017.
  2. Rootes C., Brulle R., Environmental Movements The Wiley‐Blackwell Encyclopedia of Social and Political Movements, 2013.
  3. Rootes C., Environmental movements. in David A. Snow, Sarah A. Soule, and Hanspeter Kriesi, eds, The Blackwell Companion to Social Movements, Oxford & Malden MA: Blackwell, 2004.