Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phong trào Tây tiến

Phong trào Tây tiến là hoạt động chiến đấu của các đơn vị vũ trang, vũ trang tuyên truyền, chi viện cho quân và dân miền Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam và Thượng Lào, nhằm ngăn chặn âm mưu chiếm đóng trở lại của quân Pháp và các thế lực phản động; phát triển thực lực cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Từ cuối năm 1945 và trong năm 1946, thực hiện chủ trương của Đảng về thành lập Mặt trận Tây Bắc, Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo thành lập Mặt trận miền Tây để ngăn chặn quân Pháp. Đơn vị được cử Tây Tiến đầu tiên là Đại đội 52 Giải phóng quân Hà Nội do Anh Đệ, Tuấn Sơn, Lam Ngọc chỉ huy. Đại đội ban đầu có hai trung đội, sau được bổ sung thêm 1 trung đội (chủ yếu là chiến sĩ từ Việt Bắc) do Nông Ích Cao chỉ huy. Tiếp đó, nhiều đại đội Vệ quốc đoàn ở Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ được điều lên phía Tây, kịp thời chặn quân Pháp ở Tuần Giáo, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào đánh địch ở Sầm Nưa và tham gia vận động nhân dân, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Ngày 22.12.1945, tại Hát Lót, Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Trung đoàn Sơn La (Trung đoàn 148) được thành lập trên cơ sở các đơn vị Tây Tiến.

Theo quyết định của Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất và thực hiện liên minh chiến đấu Việt - Lào, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam quyết định thành lập Mặt trận miền Tây để chỉ đạo cuộc chiến đấu ngăn chặn quân Pháp xâm lược, giữ vững và củng cố chính quyền, phát triển thực lực cách mạng ở các tỉnh Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do Hoàng Sâm - Khu trưởng và Lê Hiến Mai - Tham mưu trưởng Chiến khu 2 trực tiếp chỉ huy. Ngày 27.2.1947, Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) được thành lập gồm các tiểu đoàn 150, 157, 60, 164. Lúc này, Tây Bắc có 3 chiến trường chính: Sơn La, Yên Bái và Lào Cai. Lực lượng vũ trang tại chỗ gồm Trung đoàn 148 chủ lực (các tiểu đoàn 71, 86, 90) và các đơn vị Tây tiến. Cuối tháng 2.1947, các đơn vị bộ đội Tây tiến đồng loạt tiến đánh các vị trí địch, làm chủ tuyến sông Mã. Tháng 3.1947, liên quân Lào - Việt bao vây Sầm Nưa. Lúc này, các đơn vị vũ trang trên Mặt trận miền Tây, mà hai trung đoàn chủ lực nòng cốt là Trung đoàn 52 Tây tiến và Trung đoàn 148 Sơn La đã được biên chế đầy đủ, trưởng thành trong chiến đấu và vũ trang tuyên truyền.

Giai đoạn 1948-1950, tại Mặt trận miền Tây, các đơn vị phân chia thành các đại đội độc lập tung xuống địa bàn Mộc Châu, Yên Châu tham gia phát triển du kích, xây dựng chính quyền cách mạng, tổ chức đánh địch bảo vệ dân, bảo vệ địa bàn; đồng thời tháng 12 năm 1948, tham gia các chiến dịch Sông Đà, Lao - Hà, Sông Mã. Để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 52 Tây Tiến được đổi phiên hiệu là Trung đoàn 12 hoạt động theo phương thức tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

Hoạt động vũ trang tuyên truyền và chiến đấu của các đơn vị Tây tiến ở phía Tây Bắc Bộ đã gây cho quân Pháp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là khi chúng đang bị giam chân ở thành thị; lực lượng vũ trang cách mạng có thêm kinh nghiệm vừa tác chiến vừa xây dựng cơ sở chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vũ trang, vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc Bộ đứng lên chống Pháp; tạo điều kiện thuận lợi để cách mạng Lào xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng kháng chiến. Ghi nhớ chiến công của các đơn vị Tây tiến, các địa phương và cựu chiến binh Tây Tiến đã xây dựng Di tích lưu niệm Trung đoàn 52 - Tây Tiến và tượng đài Tây Tiến tại đồi Nà Tó thuộc Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, tại xóm Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình; trung tâm văn hoá huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Phản ánh hoạt động chiến đấu và vận động quần chúng đầy khó khăn, gian khổ của bộ đội Tây tiến, nhà thơ Quang Dũng đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Tây Tiến”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung đoàn 148 - 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
  2. Lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến (Sư đoàn 320), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 916.
  4. Bộ Tư lệnh Quân khu 2: Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 2 (1946 - 2006), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.
  5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Các đơn vị vũ trang Tây Tiến (1945 - 1950), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
  6. Bộ Quốc phòng: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.866-867.