Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phong trào Ngũ Tứ
Sinh viên Bắc Kinh biểu tình trong phong trào Ngũ Tứ

Phong trào Ngũ Tứ (4.5.1919) là cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc chống lại Hiệp ước Versailles và chính phủ Trung Hoa Dân quốc, nổ ra vào ngày 4.5.1919, cg. Ngũ Tứ vận động (五四运动).

Nguyên nhân[sửa]

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc (1918), để giải quyết những vấn đề của thế giới sau chiến tranh, tháng 1.1919, các nước chiến thắng đã triệu tập hội nghị hoà bình tại Paris. Trung Quốc được coi là một trong những nước thắng trận, đã cử một đoàn đại biểu gồm 5 người tới tham dự. Tại hội nghị, Trung Quốc đưa ra ba đề xuất: 1 – Các nước đế quốc trả lại tô giới, hủy bỏ đặc quyền của họ tại Trung Quốc; 2 – Hủy bỏ “21 điều” Viên Thế Khải đã ký với Nhật Bản; 3 – Trả lại cho Trung Quốc tỉnh Sơn Đông trước đây bị Đức chiếm, sau đó bị Nhật chiếm trong những năm chiến tranh. Tuy nhiên, hội nghị dưới sự điều khiển của Anh, Pháp, Mỹ đã không chấp nhận các đề xuất này của Trung Quốc. Hòa ước Paris quy định tất cả các đặc quyền của nước Đức ở tỉnh Sơn Đông nay chuyển giao cho Nhật Bản. Chính phủ quân phiệt Bắc Dương chuẩn bị ký vào hòa ước. Hành động đó đã làm bùng nổ một cuộc đấu tranh phản kháng mãnh liệt của các tầng lớp nhân dân Trung Quốc.

Diễn biến[sửa]

Ngày 4.5.1919, hơn 3.000 học sinh, sinh viên của 13 trường đại học ở Bắc Kinh đã tập hợp trước quảng trường Thiên An Môn, phản đối sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và hành động bán nước của Chính phủ quân phiệt Bắc Dương. Họ phát biểu tuyên ngôn, rải truyền đơn, hô to “Ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc”, “Trả ta Thanh Đảo”, “Thà chết đấu tranh đến cùng”, “Giết hết bọn giặc bán nước Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường”,... Sau cuộc mít tinh là cuộc biểu tình thị uy trên đường phố, đập phá tư dinh của Tào Nhữ Lâm.

Trước áp lực của phong trào đấu tranh, chính quyền Bắc Kinh đưa quân đội đến đàn áp, bắt đi 32 người. Chính phủ quân phiệt buộc Thái Nguyên Bồi phải từ chức Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh và quyết định ký vào Hòa ước Paris. Những hành động đó như đổ thêm dầu vào lửa. Ngày 19.5.1919, học sinh, sinh viên bắt đầu tổng bãi khóa. Đầu tháng 6.1919, phong trào đấu tranh lan rộng ra cả nước. Ngày 3.6.1919, trung tâm của phong trào yêu nước từ Bắc Kinh chuyển đến Thượng Hải. Công nhân, thương nhân, học sinh, sinh viên cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thượng Hải đã tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bãi khoá để ủng hộ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Bắc Kinh. Đầu tiên, công nhân Thượng Hải khởi xướng bãi công, tiếp theo là thương nhân bãi thị. Công nhân ở Đường Sơn, Trường Tân Điếm, Cửu Giang cũng tiến hành bãi công và tuần hành thị uy. Từ đó, cuộc vận động yêu nước xuất hiện các phần tử trí thức, phát triển trở thành cuộc vận động cách mạng của mặt trận thống nhất do giai cấp vô sản, tiểu tư sản và tư sản dân tộc cùng tham gia.

Phong trào Ngũ Tứ đã lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc, trong đó mạnh nhất là ở Thiên Tân, Nam Kinh, Hàng Châu, Vũ Hán,... lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như học sinh, sinh viên, công nhân, thương nhân, thị dân, trí thức, ...

Trước phong trào quần chúng rộng lớn, đặc biệt là áp lực mạnh mẽ của giai cấp vô sản, ngày 6.10.1919, Chính phủ quân phiệt Bắc Dương buộc phải thả tự do cho các học sinh, sinh viên bị bắt, bãi miễn chức vụ của Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường. Ngày 28.6.1919, các nước tham dự hội nghị Paris tiến hành nghi thức ký Hiệp ước hòa bình. Công nhân người Hoa và lưu học sinh Trung Quốc ở Paris bao vây nhà ở của phái đoàn Trung Quốc. Đoàn đại biểu Trung Quốc đã buộc phải từ chối ký vào Hòa ước Paris. Đến đây, cuộc vận động Ngũ Tứ đã thực hiện được các mục tiêu cơ bản mà cuộc đấu tranh chính trị đã đề ra.

Ý nghĩa[sửa]

Phong trào Ngũ Tứ vừa có tính chất chống đế quốc, vừa có tính chất chống phong kiến, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Trung Quốc. Trong phong trào, giai cấp công nhân đã xuất hiện trên vũ đài chính trị như một lực lượng độc lập, những trí thức bước đầu có tư tưởng cộng sản chủ nghĩa đã tổ chức và lãnh đạo phong trào. Phong trào Ngũ Tứ đánh dấu cách mạng Trung Quốc chuyển từ cách mạng dân chủ cũ sang cách mạng dân chủ mới. Phong trào Ngũ Tứ còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin vào Trung Quốc, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. 毛泽东选集,人民出版社,1991年 (Mao Trạch Đông tuyển tập, Nxb. Nhân dân, 1991).
  3. 周月峰,《新青年》通信集,福建教育出版社 ,2015年 (Chu Nguyệt Phong, Tuyển tập thư từ “Tân Thanh Niên”, Nxb. Giáo dục Phúc Kiến, 2015.