Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phong trào Nam tiến

Phong trào Nam tiến là phong trào tình nguyện vào miền Nam chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945).

Đêm 22 rạng sáng ngày 23.9.1945, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình thế cấp thiết, Hội nghị Liên tịch giữa Xứ uỷ, Tổng bộ Việt Minh, Uỷ ban hành chính Nam Bộ, Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, quyết định phát động Nhân dân kiên quyết chiến đấu chống lại các hành động xâm lược của thực dân Pháp. Tại Hà Nội, Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ Lâm thời họp phiên khẩn cấp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất trí với chủ trương của Xứ uỷ, Ủy ban Nhân dân hành chính Nam Bộ; kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến và đồng bào cả nước ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Bộ; đồng thời quyết định đưa những chi đội tinh nhuệ của Việt Nam Giải phóng quân và những thanh niên ưu tú lên đường Nam tiến, cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân mít tinh, biểu tình, biểu thị kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do; lập “quỹ Nam Bộ”, quyên góp tiền của, mua vũ khí, quần áo, thuốc chữa bệnh… gửi vào cho quân và dân miền Nam chiến đấu; các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ thành lập “Phòng Nam Bộ” ghi danh những người tình nguyện vào Nam chiến đấu; cả nước dấy lên phong trào Nam tiến; khẩu hiệu “Nước Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam…” thôi thúc mọi người.

Trong thời gian ngắn, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mỗi tỉnh tổ chức được từ một đến hai chi đội (tương đương trung đoàn) Nam tiến gồm những chiến sĩ đã qua huấn luyện quân sự và được trang bị kỹ thuật. Nhiều thanh niên, phụ nữ, thiếu niên… có cả Việt kiều, nhà sư cũng tình nguyện vào Nam chiến đấu. Ngày 26.9, Chi đội Nam tiến đầu tiên gồm 3 đại đội Hà Nội, Bắc Sơn, Bắc Cạn do Chi đội trưởng Hoàng Thơ phụ trách lên tàu hoả từ ga Hàng Cỏ vào Nam; dọc đường bổ sung 2 đại đội của Thanh Hoá và Nghệ An.

Tiếp theo, nhiều Chi đội Giải phóng quân của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, thành phố Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi lần lượt chi viện cho Nam Bộ… Đoàn Nam tiến đầu tiên tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, đánh quân Pháp ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc, sau chiến đấu ở đường 21 rồi Nha Trang. Khi mặt trận Sài Gòn - Gia Định vỡ, Pháp lấn lên Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam Trung Bộ, các chi đội Nam tiến của Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Kiến An, Đông Triều… nhập với quân chủ lực địa phương, chiến đấu trên các mặt trận cực Nam Trung Bộ, Nha Trang, Buôn Ma Thuột. Hai chi đội Quảng Ngãi và Bình Định tác chiến ở Xuân Lộc, Sài Gòn, Nam Tây Nguyên.

Lực lượng Nam tiến vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã góp phần quan trọng làm tăng sức mạnh chiến đấu cho miền Nam ruột thịt, cùng quân dân Nam Bộ giam chân thực dân Pháp, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện tại các mặt trận; nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo cơ bản về quân sự như: Hoàng Đình Giong, Mông Phúc Thơ, Thu Sơn, Hùng Việt, Đào Văn Trường, Đàm Quang Trung... được cử vào chiến trường chỉ đạo cuộc chiến đấu; nhiều cán bộ trở thành cán bộ quân sự, chính trị của các cơ quan, đơn vị vũ trang tập trung tại các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phong trào Nam tiến có ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần cổ vũ, tăng thêm sức mạnh cho nhân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên anh dũng chiến đấu; là hình ảnh cả nước ra trận, đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 88-91.
  2. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số tháng 12 năm 1996.
  3. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 121, tháng 1 năm 2000.
  4. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 629.
  5. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 180, tháng 12 năm 2006.
  6. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 195, tháng 3 năm 2008.
  7. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 210, tháng 6 năm 2009.
  8. Bộ Quốc phòng: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.834-835.