Phong trào Dương vụ là phong trào tự cường do phái Dương vụ ở Trung Quốc phát động thực hiện các công việc liên quan đến nước ngoài từ năm 1864 đến năm 1894, nhằm giúp nhà Thanh giải quyết khó khăn trong nước và thích ứng được với sự chuyển biến của tình hình mới, cgl. Vận động Dương vụ, Vận động tự cường.
“Dương vụ” để chỉ những người làm các công việc như ngoại giao, soạn thảo điều ước, cử học sinh đi học nước ngoài, mua vũ khí của nước ngoài cho đến những công việc liên quan đến quân sự, học tập khoa học nước ngoài, sử dụng cơ khí, khai mỏ, mở xưởng,… có quan hệ với nước ngoài.
Trước hành động xâm lược của các nước đế quốc và các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân, nội bộ triều đình nhà Thanh đã có sự phân hóa, diễn ra cuộc đấu tranh giữa phái thủ cựu và phái cải cách. Phái cải cách trong lịch sử thường gọi là phái Dương vụ.
Nội dung[sửa]
Chủ trương của phái Dương vụ là “lấy đạo lý của Trung Quốc làm gốc, khoa học kỹ thuật nước ngoài để giàu mạnh” với hi vọng làm cho “binh cường, nước mạnh” để chống lại sự xâm lược của bên ngoài. Tư tưởng chỉ đạo đó nói gọn lại là “Trung họa vi bản, Tây học vi dụng”.
Nội dung chủ yếu của Phong trào Dương vụ là muốn nói đến việc một bộ phận nhân vật đương quyền của chính phủ nhà Thanh, đã áp dụng một số kỹ thuật sản xuất của các nước tư bản chủ nghĩa để phát triển kinh tế Trung Quốc, trong đó chủ yếu nhất là công nghiệp quân sự. Việc xây dựng Dương vụ học đường, phiên dịch sách vở của phương Tây, phái du học sinh đi ra nước ngoài, tăng thêm hạng mục Dương vụ trong khoa cử,… cũng ra đời trong phong trào này.
Các giai đoạn[sửa]
Phong trào Dương vụ đại thể có thể chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1864 đến năm 1871. Trong giai đoạn này chính phủ nhà Thanh lo bận rộn trấn áp lực lượng tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc cũng như Niệp Quân ở phía Bắc và cuộc khởi nghĩa của dân Hồi ở phía Tây Bắc, nên chính phủ nhà Thanh cần dùng đến vũ khí mới. Trọng điểm của Phong trào Dương vụ trong giai đoạn này đều tập trung vào công nghiệp quân sự. Bốn binh công xưởng nối tiếp nhau tại Hỗ (Giang Nam chế tạo cục), Ninh (Kim Lăng cơ khí cục), Mân (Phúc Châu thuyền chính cục), Tân (Thiên Tân cơ khí cục) đều được thành lập trong giai đoạn này. Việc thiết kế, thi công cũng như máy móc, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất và cả việc cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu của những cơ sở công nghiệp quân sự này đều hoàn toàn dựa vào nước ngoài. Việc quản lý trong nội bộ còn lộn xộn, giá thành sản xuất cao, nhưng chất lượng của sản phẩm lại thấp kém.
Giai đoạn thứ hai từ năm 1872 đến năm 1885. Trong giai đoạn này, Trung Quốc chịu áp lực từ những cuộc tấn công của các nước ngoài như: Nhật Bản xâm chiếm Đài Loan, chiến tranh Trung – Pháp, những căng thẳng trong các cuộc đàm phát Trung – Nga tại Ili,… Chính phủ nhà Thanh muốn đối phó với những nguy cơ đó đã mua nhiều súng trường và đại bác, các chiến hạm lớn nhỏ từ Anh, Đức, Mỹ, Pháp. Nhà Thanh cho thành lập Hạm đội Bắc Dương gồm 39 chiến hạm lớn nhỏ. Đồng thời, nhà Thanh cũng cho thành lập Hải quân nha môn mới vào năm 1885. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XIX, một hải đội hải quân tương đối mạnh đã được xây dựng, gồm 20 tàu chiến lớn nhỏ (không kể tàu ngư lôi và tàu tiếp tế). Phong trào Dương vụ trong giai đoạn này chú trọng đến công nghiệp quân sự, bắt đầu đề xướng việc khai thác hầm mỏ, kinh doanh vận tải, điện tín, giáo dục. Luân thuyền Chiêu thương cục, mỏ than đá, mở đồng, vàng, xưởng dệt vải, những đường dây điện báo, những nhà trường kiểu mới,… đã xuất hiện trong giai đoạn này.
Giai đoạn thứ ba từ năm 1886 đến năm 1894. Mặc dù nguy cơ ở bên ngoài đã tương đối hòa dịu, nhưng việc mua bán vũ khí, tài thuyền với nước ngoài đã làm cho tài chính của nhà Thanh bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nền kinh tế tiểu nông lâm vào khủng hoảng. Nông dân và những người thợ thủ công rơi vào hoàn cảnh nghèo túng, thậm chí là phá sản. Phong trào Dương vụ chuyển từ chỗ mưu cầu “cường thịnh” sang mưu cầu “giàu có”. Địa vị của công nghiệp quân sự lui xuống hàng thứ yếu. Các ngành dệt sợi, đường sắt, nấu luyện sắt thép bắt đầu trở thành ngành quan trọng.
Trước sự phát triển của phong trào, phái thủ cựu trong triều đình Mãn Thanh đã tìm cách gây trở ngại. Kinh phí quốc phòng đã bị Từ Hy Thái Hậu dùng vào việc xây dựng Di Hòa Viên. Đầu những năm 90, mọi trang bị cho hải quân đều bị ngừng lại.
Năm 1894, chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản bùng nổ. Hạm đội Bắc Dương mà Phong trào Dương vụ nhọc sức xây dựng đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Một số xí nghiệp khác cũng không có cách nào thoát ra khỏi sự khống chế của phương Tây. Những sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của Phong trào Dương vụ.
Phong trào Dương vụ diễn ra trong hơn ba mươi năm, chủ yếu lấy công nghiệp quân sự và công nghiệp cơ khí làm trung tâm. Phái Dương vụ thuê mướn nhân viên kỹ thuật người nước ngoài làm việc trong các xí nghiệp hoặc mời người nước ngoài làm thầy dạy trong các trường quân sự. Mục đích cơ bản của Phong trào Dương vụ là nhằm cứu vãn những khó khăn mà triều đình nhà Thanh phải đối mặt, giúp nhà Thanh thích ứng được với sự chuyển biến của tình hình mới. Tuy nhiên, do các vấn đề về nguyên liệu, nhiên liệu, giao thông vận tải và vốn nên cuối cùng phong trào cũng thất bại. Mặc dù thất bại nhưng Phong trào Dương vụ đã có tác động đến các ngành công nghiệp khác, làm cho những xí nghiệp công nghiệp dân dụng và nền thương mại, giao thông có cơ hội phát triển.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Cát Kiếm Hùng (chủ biên), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
- 赵九州,洋务运动与中国早期现代化问题研究,中共辽宁省委党校,沈阳,2016年 (Triệu Cửu Châu, Nghiên cứu cuộc vận động Dương vụ và vấn đề hiện đại hóa sớm ở Trung Quốc, Trường Đảng tỉnh Liêu Ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thẩm Dương, 2016).