Phong trào đòi quyền công dân ở Mỹ là phong trào đấu tranh quần chúng rộng lớn phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc, đòi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi diễn ra trong thập niên 1950, 1960, tiếp nối cuộc đấu tranh đòi quyền tự do, bình đẳng cho người da màu kéo dài hàng thế kỷ ở Mỹ (Tiếng Anh: Civil Rights Movement).
Từ sau cuộc Nội chiến (1861-1865), người Mỹ gốc Phi về hình thức có được những quyền công dân cơ bản trên cơ sở việc sửa đổi Hiến pháp, nhưng trên thực tế vẫn phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt ở những bang miền Nam. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, những cựu chiến binh từ mặt trận trở về đã kiên quyết không chấp nhận thân phận “công dân hạng hai” của mình. Năm 1946, Tổng thống Truman đã yêu cầu Uỷ ban Quyền Công dân có nhiệm vụ điều tra sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Chương trình 10 điểm về quyền công dân của Truman đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Quốc hội trong các bang miền Nam. Mặc dù sắc luật về cấm phân biệt chủng tộc trong việc tuyển dụng nhân viên và trong quân đội được ban hành, nhưng trên thực tế người Mỹ gốc Phi ở miền Nam không được hưởng đầy đủ quyền công dân. Làn sóng đấu tranh đòi quyền công dân lên cao từ mùa hè năm 1955 do các cuộc tấn công bạo lực chống người da đen gia tăng với đỉnh điểm là vụ bắt cóc và sát hại dã man cậu bé mười bốn tuổi Emmett Till. Tháng 12.1955, nhân sự kiện một phụ nữ da đen, bà Rosa Louise Park bị bắt giữ chỉ vì đã ngồi vào hàng ghế dành cho người da trắng trên xe buýt ở Montgomery (Alabama), phong trào tẩy chay xe buýt bùng nổ. Mục sư trẻ người Mỹ gốc Phi, Martin Luther King Jr. lãnh đạo phong trào đấu tranh, buộc Tòa án Tối cao phải ra phán quyết công nhận việc kỳ thị sắc tộc là vi hiến. Phong trào đấu tranh tiếp tục lan rộng với mục tiêu đòi chính quyền các bang thực hiện quyền bầu cử cho người da đen như Hiến pháp quy định. Dưới sức ép đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, Đạo luật Quyền công dân được ban hành năm 1957. Năm 1960, Đạo luật Quyền công dân được mở rộng, bổ sung những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những vi phạm về quyền bầu cử.
Sau khi giành được những thắng lợi ban đầu vào thập niên 1950, phong trào tiếp tục phát triển bằng những biện pháp hòa bình. Các nhà hoạt động trẻ tuổi thông qua các tổ chức như Ủy ban Quyền lãnh đạo Thiên chúa giáo miền Nam (SCLC) và Ủy ban sinh viên phối hợp hòa bình lãnh đạo phong trào. Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi lên cao vào năm 1960 nhân sự kiện các sinh viên da đen quyết định ngồi tại quầy ăn chỉ dành cho người da trắng ở trường Woolworth (Carolina). Hàng loạt các cuộc biểu tình đòi quyền công dân lan rộng khắp các bang miền Nam và kéo dài trong những năm đầu thập niên 1960.
Các cuộc biểu tình không đạt được kết quả mong muốn. Vào thời điểm đó, Tổng thống Kennedy không muốn gây sức ép với những người da trắng trong việc ủng hộ quyền công dân cho người da đen vì ông cần lá phiếu của họ trong những vấn đề khác. Cảnh sát đã dùng vũ lực để đàn áp những người biểu tình và duy trì sự ổn định ở một số khu vực có phong trào lên cao như ở Birmingham (Alabama) tháng 5.1963. Việc truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin về sự kiện cảnh sát tấn công những người biểu tình, trong đó có cả trẻ em, bằng vòi rồng, chó nghiệp vụ đã gây ra cuộc khủng hoảng trong chính quyền Kennedy. Tháng 6.1963, Tổng thống Kennedy đệ trình Dự luật về chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng nhưng không được Quốc hội thông qua. Phong trào đấu tranh của quần chúng ủng hộ cho Dự luật lên cao, trong đó nổi bật là Cuộc tuần hành vì Tự do và Việc làm ở Washington, lôi cuốn trên 200 ngàn người tham gia diễn ra tháng 8.1963. Trong cuộc tuần hành, Martin Luther King, người phát ngôn tiêu biểu của phong trào đòi quyền công dân, có bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một ước mơ” với mong muốn về quyền bình đẳng thực sự cho người da đen.
Tổng thống Johnson được đánh giá là đạt được nhiều thành công hơn so với người tiền nhiệm trong việc giải quyết vấn đề quyền công dân. Bằng những kinh nghiệm trên chính trường, Johnson đã thuyết phục được Quốc hội thông qua Đạo luật mang tính bước ngoặt về Quyền công dân năm 1964, chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại nơi công cộng. Năm 1965, Đạo luật về quyền bầu cử được ban hành, theo đó các cử tri da đen được đăng ký bỏ phiếu thực hiện quyền công dân. Tính đến năm 1968, khoảng 1 triệu người Mỹ da đen đã được đăng ký bầu cử, chủ yếu tại các khu vực miền Nam nước Mỹ. Đồng thời, cũng trong thời gian này, Luật về cấm phân biệt chủng tộc trong trợ cấp về nhà ở cũng được thực hiện.
Bằng những biện pháp đấu tranh hòa bình, thông qua Tòa án và Quốc hội, phong trào đã đặt nền tảng cho một cuộc cách mạng trong quan hệ sắc tộc, cải thiện từng bước tình trạng kỳ thị chủng tộc thâm căn cố đế trong lòng nước Mỹ. Mặc dù vậy, tốc độ của việc thực thi các đạo luật diễn ra chậm chạp và đại bộ phận người da đen vẫn chưa thể hòa nhập vào xã hội của người da trắng. Mùa xuân năm 1968, Martin Luther King, lãnh tụ của phong đấu tranh bị ám sát. Cái chết của Luther King cho thấy sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ đối với các vấn đề chính trị. Trong thập niên 1970, phong trào vẫn tiếp diễn với mục tiêu đòi thực thi các đạo luật đã được thông qua. Phong trào đấu tranh còn tiếp diễn trong nhiều năm sau đó, không chỉ dừng ở việc đòi những cải cách thực sự về quyền công dân mà còn hướng tới mục tiêu đòi tự do, bình đẳng, xóa bỏ những hậu quả kinh tế, chính trị, văn hóa lâu dài của sự bất bình đẳng chủng tộc trong lòng nước Mỹ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cơ quan lưu trữ Chính phủ Mỹ. Martin Luther King: Tôi có một giấc mơ, https://www.archives.gov/files/press/exhibits/dream-speech.pdf
- Bách khoa toàn thư Britanica. Phong trào đòi quyền công dân Mỹ, https://www.britannica.com/event/American-civil-rights-movement
- Thư viện Quốc hội Mỹ. Đạo luật quyền công dân năm 1964: Cuộc đấu tranh lâu dài vì tự do, https://www.loc.gov/exhibits/civil-rights-act/civil-rights-era.html