Philip II (1527 - 1598) là vua của Tây Ban Nha trong giai đoạn hoàng kim (1556 - 1598) và đồng thời là người đứng đầu của Naples và Sicily (từ 1554), Bồ Đào Nha (1580 - 1598), Anh và Ireland (1554 - 1558), Công tước của Burgundy, Chúa của 17 tỉnh vùng đất thấp Netherlands (từ 1555), là người cai trị Lục địa mới (châu Mỹ) và Philippines. Trong thời trị vì của ông, Tây Ban Nha đạt đỉnh cao cả về quyền lực và tầm ảnh hưởng chính trị và tôn giáo.
Có cha là Hoàng đế La Mã thần thánh - vua của Tây Ban Nha Charles V, mẹ là công chúa Isabella của Bồ Đào Nha. Sinh ra tại Valladolid ngày 21.5.1527 và chết tại El Escorial (gần Madrid) do bệnh ngày 13.9.1598. Từ nhỏ được nuôi dưỡng trong môi trường Thiên chúa giáo ở Tây Ban Nha, và trở thành vị vua tiêu biểu, bảo trợ của tôn giáo bảo thủ ở châu Âu.
Kết hôn bốn lần khác nhau và đều là những cuộc hôn nhân chính trị. Vợ đầu là Maria Manuela của Bồ Đào Nha (1543 - 1545). Bà chết vì xuất huyết khi sinh hoàng tử Charles của xứ Asturias (1545 - 1568), nhưng năm 1580, Philip vẫn được kế thừa ngôi vương ở Bồ Đào Nha với tư cách con rể. Vợ hai là Nữ hoàng Mary của nước Anh năm 1554 nhưng bà chết sớm năm 1558, khiến quyền lực của Philip II ở Anh chỉ duy trì được 4 năm. Vợ ba là Elizabeth của xứ Valois (1559 - 1568), con gái đầu của Henry II của Pháp, đã giúp Philip mở rộng lãnh thổ và có mối quan hệ tốt với Pháp. Họ có năm con gái và một con trai, nhưng chỉ có hai người con gái sống sót. Người vợ cuối cùng là cháu gái của Phillip, công chúa Anne của nước Áo (1570 - 1580) và họ có 4 người con trai, một con gái, trong đó có 4 người chết trẻ, một người còn lại trở thành vua Philip III của Tây Ban Nha (1578 -1621). Toàn bộ bốn cuộc hôn nhân đều thấm đẫm tính chính trị khi Philip kết hôn với cả người trong gia đình để củng cố quyền lực, mở rộng lãnh thổ thừa kế và tầm ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, tôn giáo.
Philip lên ngôi năm 1556 sau cái chết của cha. Ông được thừa hưởng vùng đất thấp (Netherlands) từ cha, nhưng không thể trở thành Hoàng đế của Đế chế La Mã thần thánh. Triều đại của Philip II là giai đoạn hoàng kim của Tây Ban Nha khi quốc gia này xâm lược châu Mỹ, khai thác vàng, bạc và các nguồn tài nguyên khác ở Tân thế giới đem về phục vụ vương triều Madrid và tạo ra cuộc cách mạng giá cả trong kinh tế châu Âu. Năm 1570, Philip II đã khẳng định quyền lực về cả chính trị, thương mại, định cư của Tây Ban Nha ở châu Mỹ.
Trong giai đoạn đầu cầm quyền, Philip II đã giành được nhiều thắng lợi trong chiến tranh. Philip II tuyên bố quyền thừa kế và đưa quân vào Naples và Sicily, khiến Giáo hoàng Paul IV kêu gọi Pháp can thiệp. Trong cuộc chiến tranh với Pháp, Tây Ban Nha đã giành được thắng lợi quan trọng ở St. Quentin năm 1557, ở Gravelines năm 1558 và ký hiệp ước Cateau-Cambré sis năm 1559, khẳng định quyền lực của Philip II tại Italy.
Tại khu vực Địa Trung Hải, trước áp lực và đe dọa của đế quốc Ottoman, Philip II đã thành lập Liên minh thần thánh (Holly League) năm 1560 gồm Tây Ban Nha, Venice, Malta, Savoy và các nhà nước trực thuộc Giáo hoàng và giành được thắng lợi đầu tiên tại trận Djerba năm 1560. Tháng 7.1571, liên minh này đã tiêu diệt quân Ottoman tại trận Lepanto, đánh đắm và chiếm 200/230 tàu chiến, khiến 30.000 lính Thổ chết và mất tích. Philip II trở thành anh hùng của phe Công giáo trong việc chống lại Ottoman.
Tại vùng đất thấp, chính sách bóc lột thuế khóa và ép buộc tôn giáo của Philip II đã dẫn đến khởi nghĩa của những người theo đạo Tin lành và giới tư sản trong nước. Ông đã cử quân đội đàn áp cách mạng, nhằm tiêu diệt những kẻ “dị giáo” nhưng cuối cùng thất bại. Bảy tỉnh Liên hiệp miền Bắc đã thống nhất năm 1579 qua Liên minh Utrecht với sự hậu thuẫn của Anh, sau đó thành lập Cộng hòa Hà Lan.
Philip II trong giai đoạn cuối đời liên tục mâu thuẫn, chiến tranh với nước Anh dưới sự trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I. Cuộc chiến tranh này vừa là xung đột về ảnh hưởng thương mại, vừa là mâu thuẫn tôn giáo giữa một bên là Công giáo do Philip đứng đầu, bảo trợ và một bên là tôn giáo cải cách (Tin lành và Thanh giáo). Trận chiến tiêu biểu nhất giữa hai nước là trận Armada năm 1588. Hạm đội hùng mạnh Armada của Tây Ban Nha định đổ bộ vào Anh nhưng đã bị bão gió và hải quân Anh ngăn chặn. Sau trận chiến này, Tây Ban Nha ngày càng suy yếu và mất dần vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn này, Philip II cũng có ít nhất 4 lần phá sản khi kinh phí cho quân sự và chiến tranh chiếm từ 1/3 đến ½ số tiền thu được từ những vùng đất mới chiếm được.
Cuộc đời Philip II gắn liền với sự hưng thịnh của Tây Ban Nha và giai đoạn cầm quyền của ông còn được gọi với cái tên là thời kỳ hoàng kim. Ông cũng gắn liền với những cuộc chiến tranh liên miên và tốn kém liên quan đến tôn giáo và mở rộng lãnh thổ, dẫn đến sự suy yếu của Tây Ban Nha sau này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Aubrey Gwynn, “A Catholic King: Philip II of Spain” (Vị vua Thiên chúa giáo: Philip II của Tây Ban Nha), Studies: An Irish Quarterly Review, vol. 22, no. 85, 1933, pp. 48-64.
- Guy Lazure, “Possessing the Sacred: Monarchy and Identity in Philip II’s Relic collection at the Escorial” (Sự ám ảnh của thần thánh: Chế độ quân chủ và những đặc tính trong những hiện vật tôn giáo của Philip II tại Escorial), Renaissance Quarterly, vol. 60, no. 1, 2007, pp. 58-93.
- Carlos Alvarez-Nogal, Christophe Chamley, “Debt policy under constraints: Philip II, the Cortes, and Genoese bankers” (Chính sách nợ cưỡng ép: Philip II, Nghị viện và các nhà bang Genova), Economic History Review, 2013, pp. 1-23.
- Mauricio Drelichman, Hans-Joachim Voth, Lending to the Borrower from Hell: debt, taxes, and default in the age of Philip II (Sự cho vay của những con nợ từ địa ngục: những khoản nợ, thuế khóa và tình trạng vỡ nợ trong thời kỳ của Philip II), Princeton University Press, 2014.